Phát triển kỹ thuật khâu vết thương hở bằng laser, lành tự nhiên, không để lại sẹo

Bằng cách kết hợp một loại thuốc nhuộm y tế có thể đông cứng lại khi gặp tia laser vốn được dùng để chẩn đoán bệnh khô mắt với hệ thống dẫn sóng sinh học, các nhà khoa học đã tạo nên một phương pháp khâu vết thương hoàn toàn mới, hoàn toàn tự nhiên, không cần sử dụng kẹp hoặc chỉ khâu như truyền thống vốn dễ để lại sẹo gây mất thẩm mỹ cho bệnh nhân.

Trước đây các bác sĩ chuyên khoa mắt từng dùng một loại thuốc nhuộm màu đỏ có tên là Rose Bengal để phân biệt các tế bào chết với các tế bào khỏe mạnh không được màng phim nước trên mắt bảo vệ. Đây là một phương pháp được cho là đã lỗi thời nhưng các nhà khoa học đã tìm thêm một ứng dụng khác của loại thuốc nhuộm này: khi gặp tia laser , thuốc nhuộm sẽ hình thành nên các cấu trúc giúp đóng miệng vết thương nông.

Cụ thể hơn, thuốc nhuộm Rose Bengal sẽ được dùng trong một kỹ thuật gọi là "khâu nano". Về cơ bản thì cấu trúc của da được tạo thành từ một loại protein có tên là collagen . Khi 1 phân tử collagen bị mất 1 electron, nó sẽ liên kết với các phân tử collagen khác ở bên cạnh. Và bằng cách đưa Rose Bengal vào vết thương và chiếu tia laser vào, collagen sẽ bị tách ra 1 electron và trở thành một gốc tự do. Lúc bấy giờ, quá trình liên kết nối trên được diễn ra, các phân tử collagen dưới da tự nối lại với nhau và từ đó, khâu vết thương lại một cách hết sức tự nhiên.

Công cụ dẫn sóng laser xuống sâu hơn dưới vết thương hở, từ đó làm liền vết thương sâu một cách tự nhiên bằng các phân tử collagen

Tuy nhiên nhược điểm của cách làm trước đây là chỉ có thể hình thành liên kết ở bề mặt vết thương, nghĩa là chỉ áp dụng cho các vết thương nông. Phát triển ý tưởng này ra, các nhà khoa học tại Đại học St Andrews và trường Y khoa Harvard đã phát triển một hệ thống dẫn sóng có thể tập trung tia laser sâu hơn vào vết thương sâu và sau đó sẽ dần dần suy giảm.

Vưới hình dạng một mảnh nhựa với các đường khấc song song nhau, thiết bị dẫn sóng này sẽ được đưa vào vết thương, dẫn ánh sáng xuống sâu hơn vào vết thương và chiếu tia vào thuốc nhuộm, từ đó sự liên kết giữa các phân tử collagen sẽ diễn ra sâu trong vết thương. Mặt khác, đây là một loại nhựa tự tiêu nên không cần phải lấy ra mà sẽ tự đào thải khi vết thương lành. Trong các thử nghiệm, kỹ thuật này có thể vá các vết thương sâu tới 10 mm trên da lợn. Dựa trên kết quả hết sức khả quan này, các nhà nghiên cứu hy vọng có thể phát triển thành kỹ thuật áp dụng cho người, dùng ánh sáng để làm liền vết thương sâu mà không để lại sẹo như trước đây.

Tham khảo Medadget , MIT

Nguồn Tinh Tế: http://tinhte.vn/threads/phat-trien-ky-thuat-khau-vet-thuong-ho-bang-laser-lanh-tu-nhien-khong-de-lai-seo.2549774/