Phát triển kinh tế - xã hội các huyện miền núi Thanh Hóa

Trong những năm qua, các chủ trương, chính sách về đồng bào dân tộc ở Thanh Hóa được triển khai có hiệu quả. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc khu vực miền núi Thanh Hóa từng bước được nâng cao.

Việc triển khai các chương trình 134, 135, 253, 167, đặc biệt Nghị quyết 30a của Chính phủ về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đã đẩy nhanh tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tạo ra nhiều cơ hội giúp đồng bào dân tộc vươn lên, vượt qua đói nghèo và lạc hậu. Các công trình trọng điểm như: Thủy điện Cửa Đạt, Thủy điện Bá Thước, Xi măng Thanh Sơn, Bệnh viện Ngọc Lặc, đường vành đai phía Tây...đã làm thay đổi diện mạo khu vực miền Tây Thanh Hóa. Đến nay, 100% xã đặc biệt khó khăn đã có trường học, nhà mẫu giáo và các lớp bán trú dân nuôi. Các bản xa trung tâm đều có lớp cắm bản, tình trạng học ca 3 được xóa bỏ. Tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đến trường đạt 90% - 95%. Y tế đã có bước phát triển mạnh. Công tác khám chữa bệnh cơ bản đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Gần 100% xã đồng bào dân tộc miền núi có nhà văn hóa hoặc điểm bưu điện văn hóa. Nhiều thôn, bản có nhà sinh hoạt cộng đồng; Gần 90% xã có điện thoại; Hơn 90% số xã đặc biệt khó khăn có trạm truyền thanh…Đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào không ngừng được nâng lên. Đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số có bước trưởng thành. Tỷ lệ cán bộ người dân tộc thiểu số trong hệ thống chính trị ở các cấp ngày càng lớn mạnh. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc miền núi Thanh Hóa vẫn còn những khó khăn, hạn chế: Cơ cấu kinh tế chuyển biến chưa mạnh; Chất lượng giáo dục còn thấp; Chuyển giao khoa học và công nghệ còn chậm, khả năng tiếp cận của đồng bào các dân tộc còn hạn chế; Kết cấu hạ tầng tuy được tăng cường nhưng vẫn còn khó khăn; Kết quả giảm nghèo chưa có tính bền vững; Tỷ lệ hộ cận nghèo còn lớn, số hộ tái nghèo hàng năm còn cao; cC cấu đầu tư chưa đồng bộ, còn dàn trải... Để phát triển kinh tế - xã hội vùng miền núi và dân tộc giai đoạn 2010-2015, Đảng bộ và chính quyền tỉnh xác định tiếp tục coi Chương trình phát triển kinh tế - xã hội miền Tây Thanh Hóa là một trong 5 chương trình trọng tâm của tỉnh. Đây là chủ trương đúng đắn, góp phần quan trọng vào việc thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, tạo cơ hội và điều kiện để miền Tây Thanh Hóa phát triển. Việc thực hiện tốt chính sách dân tộc, phát huy tinh thần tự vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số là một trong những yếu tố quan trọng, đảm bảo thực hiện thắng lợi chương trình phát triển kinh tế - xã hội miền Tây Thanh Hóa. Trong đó, các chính sách hỗ trợ phát triển phải phát huy được tính tự chủ vươn lên của đồng bào các dân tộc trong cuộc sống. Bên cạnh đó, cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội miền Tây Thanh Hóa để đáp ứng được nhu cầu phát triển hiện nay và lâu dài; Đẩy mạnh đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, trong đó tập trung nâng cấp Quốc lộ 217 nối nước bạn Lào với các huyện Quan Sơn, Bá Thước, Cẩm Thủy, Vĩnh Lộc, Hà Trung và thị xã Bỉm sơn; Tuyến Quốc lộ 15a nối đô thị Ngọc Lặc với các huyện Lang Chánh, Bá Thước, Quan Hóa và các tỉnh Tây Bắc; Quan tâm hơn nữa đến việc phát triển trung tâm huyện lỵ các huyện miền núi; Hình thành các đô thị vùng biên để làm hạt nhân cho sự phát triển; Tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng và đưa các trung tâm dạy nghề ở miền núi vào hoạt động. Thông qua các trung tâm này, cùng với hoạt động khuyến nông, khuyến lâm để hướng dẫn và vận động nhân dân áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất và đời sống; Xây dựng cơ chế, chính sách riêng nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư vào miền núi..../.

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=448993&co_id=30179