Phát tán phim có nội dung “rác” trên mạng: Thu tiền tỷ, chỉ bị xử phạt tiền triệu...

(PL&XH) - Những ngày qua, clip “phim tự dựng” về vụ thảm án tại Bình Phước bỗng được phát tán trên mạng. Đây không phải lần đầu tiên, những bộ phim chưa được kiểm duyệt theo kiểu không chuyên, tự sản xuất, tự phát hành này được đưa lên mạng xã hội. Sự lúng túng ở công tác quản lý cũng như chế tài xử phạt dẫn đến việc ngăn chặn hành vi này gặp không ít khó khăn.

“Câu view vô nhân tính”

Sáng 11-8, ngay khi clip phim về vụ thảm sát ở Bình Phước được đăng, trang NhacProTube đã để “ẩn” clip. Song nhiều kênh YouTube và các trang mạng khác đã đăng tải lại “phim” này. Và “phim” được lan truyền nhanh chóng mặt. Chiều 12-8, nội dung về phim này trên tất cả các kênh YouTube đều đã bị xóa, khóa hoặc bị chặn. YouTube giải thích về lý do chặn clip “phim” về vụ thảm sát Bình Phước: “Đoạn video này chứa nội dung từ Mạng METUB (METUB Network), đơn vị này đã chặn nội dung vì lý do vi phạm bản quyền”.

Cái đáng nói là nội dung của phim ngắn “tự chế’: “Vụ thảm sát số 6” (theo câu chuyện có thật vụ thảm sát 6 người ở Bình Phước)” có nhiều vấn đề. Poster phim ghi rõ: Vụ thảm sát số 6; 7/7 Bình Phước (ngày 7-7 là ngày xảy ra vụ thảm án Bình Phước). Nhân vật chính của “phim” tên Dương tới xưởng gỗ mà người chú đang làm để nghỉ hè. Trong quá trình ở đây, Dương có quen và yêu con gái ông chủ xưởng gỗ tên Linh. Sau đó, Dương được ông chủ nhận vào làm trong xưởng gỗ và gia đình nhà chủ cũng ủng hộ tình yêu của Dương và Linh…

Tức là những chi tiết trong phim, thậm chí cả tên nhân vật hoàn toàn trùng khớp với vụ án gây rúng động dư luận thời gian gần đây. Trong khi cùng thời điểm này, cơ quan điều tra vẫn đang làm rõ những tình tiết liên quan. Chính vì thế, cộng đồng mạng đã phản ứng hết sức mạnh mẽ đối với bộ phim tự chế này và gọi đây là một “sản phẩm câu view vô nhân tính” khi nỗi đau của người nhà nạn nhân vụ thảm án còn chưa nguôi ngoai.

Chưa kể, đây cũng có thể là một hành vi vi phạm pháp luật. Thực tế, nếu tùy tiện đưa hình ảnh của người khác lên mạng sẽ bị coi là hành vi vi phạm pháp luật. Khoản 2, Điều 31, Bộ luật Dân sự quy định: “Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ 15 tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp vì lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng hoặc pháp luật có quy định khác”. Khoản 3 điều luật này nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.

Còn với nội dung phim khai thác đề tài thảm án thì phải căn cứ vào Luật Điện ảnh: Theo đó, Luật Điện ảnh không cấm những bộ phim khai thác các vụ án có thật. Nhưng Luật có quy định, cấm khai thác những hình ảnh man rợ, bạo lực. Nội dung bộ phim “tự dàn dựng” khai thác tình tiết vụ thảm án gần đây có những tình tiết bạo lực, không đổi tên nhân vật chính là vi phạm cùng lúc nhiều vấn đề. Trong đó có cả chuyện liên quan đến việc quản lý nội dung trên internet do phát tán clip tự quay với nội dung chưa phù hợp với văn hóa và phong tục Việt Nam.

Phim ngắn liên quan đến vụ thảm án tại Bình Phước bị ném đá dữ dội vì câu view vô nhân đạo. Ảnh: TL

Mảnh đất kiếm lợi từ phim “rác”

Tạm hiểu phim “rác” là những phim có nội dung bị cấm phát hành, thiếu lành mạnh, bạo lực, chi tiết rùng rợn không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam. Nhưng nếu không phát hành bằng con đường chính thống, những phim này sẽ ngay lập tức có mảnh đất màu mỡ không kém để kinh doanh là môi trường internet.

Trong hội nghị tổng kết sáu tháng đầu năm của Bộ VH-TT&DL, ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ VH-TT&DL cho rằng: Những quy định pháp luật trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn không thể theo kịp sự phát triển của môi trường Internet.

Trên internet, mọi clip có thể bị đăng tải mà công tác kiểm duyệt chưa thể đáp ứng hết được. Việc “Bụi đời Chợ Lớn” bị cấm phát hành nhưng rò rỉ trên mạng khiến hàng trăm nghìn người xem được cho thấy, internet dường như là nơi dung nạp rất nhiều những giá trị chưa được phép và chưa phù hợp.

Năm 2014, bộ phim 18+ “Căn hộ 69” thản nhiên phát hành trên Youtube đã khiến người ta hình dung về sự phức tạp việc mang phim lên mạng. Những nội dung “rác” đã chọn internet để lách qua khâu kiểm duyệt. Mà mục đích đăng tải những phim chưa được kiểm duyệt ấy cơ bản là để sinh lời.

Lấy ví dụ: TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã mở phiên xử sơ thẩm vụ án truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy với 5 bị cáo. Chủ đường dây phát tán phim sex trên mạng đã thu gần 177 tỷ đồng chỉ trong 2 năm. 177 tỷ là con số không hề nhỏ. Chỉ bằng đường truyền mạng, máy tính và các phim đen mà con số thu về đã xếp hàng “khủng”. Như thế, người ta đã nhìn ra ngay cách lách luật nội dung phim bằng mạng internet.

Lúng túng phương án xử lý

Việc các nội dung phim chưa phù hợp như “Căn hộ 69” hay phim ngắn về vụ thảm án tại Bình Phước bị phát tán trên mạng cho thấy các cơ quan quản lý đang gặp khó với những thể loại mang tên “lách luật nhờ mạng” này.

Khi có sản phẩm văn hóa vi phạm trên môi trường số xảy ra, phía Bộ VH-TT&DL cho rằng mình chỉ có chức năng thẩm định nội dung các sản phẩm văn hóa vật chất (như băng, CD, VCD…), còn nội dung trên môi trường số thuộc về Bộ TT-TT. Còn Bộ TT-TT cho rằng mình không đủ thẩm quyền để quyết định bài hát, bộ phim… có được phép phổ biến hay không, mà trách nhiệm đó thuộc về Bộ VH-TT&DL. Vì thế, những clip tự đăng tràn lan trên mạng nhưng chỉ nội dung phim, clip nào bị truyền thông phản ánh, quá ồn ào thì cơ quan quản lý mới tham gia. Mà chế tài xử phạt hành chính thì lại không thấm vào đâu. Đến nay, cơ quan quản lý đã xử lý một vài trường hợp phát tán nội dung thông tin chưa phù hợp trên mạng ở mức từ 8 đến 30 triệu đồng. Con số đó so với tiền tỷ thu về từ các trang web kinh doanh nội dung phim không phù hợp thật chẳng khác nào “muỗi đốt cột điện”.

Trao đổi với luật sư Nguyễn Anh Thơm – VP Luật sư Nguyễn Anh (TP Hà Nội) về trường hợp nội dung phim ngắn có liên quan đến vụ thảm sát được phát tán trên mạng xã hội, ông cho rằng: “Chắc chắn, đăng tải những phim có nội dung như thế này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 174/2013/NDD-CP ngày 13-11-2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện về vi phạm quy định lưu trữ, cho thuê, truyền đưa, cung cấp, truy nhập, thu thập, xử lý, trao đổi, sử dụng thông tin. Nhưng đây không phải là lần đầu tiên những phim có nội dung khai thác đề tài bạo lực hay những đề tài nóng lên mạng. Mà căn cứ xác định vi phạm lại khá khó khăn. Trước tiên phải cân nhắc đến nội dung phim hay clip đó phát tán. Có được phép hay không?...”.

Rõ ràng, các biện pháp quản lý nội dung thông tin trên mạng hiện nay, các Luật liên quan đang bộc lộ sự “lạc hậu” so với tốc độ phát triển của internet. Vì thế, quản lý nội dung phim trên mạng đang là điểm khó của nhiều bên liên quan.

Điện ảnh khai thác đề tài vụ án: Hết sức cẩn trọng!
Năm 2014, “Mất xác” trước khi ra rạp đã quảng cáo rầm rộ là phim dựa theo vụ án thẩm mỹ viện Cát Tường, khi vụ án này vẫn còn khiến xã hội chưa hết bàng hoàng. Scandal - “Hào quang trở lại” cũng đề cập đến vụ án này. Phim “Hương Ga”, với nhân vật chính Hương Ga được xây dựng theo nguyên mẫu bà trùm đất Cảng - Dung Hà… Việc khai thác đề tài vụ án không bị cấm nhưng những chi tiết bạo lực, man rợ lại bị cấm. Vì thế không thể bê nguyên mẫu các tình tiết thảm án lên phim rồi ngụy tạo là “Phim làm theo một vụ án có thực”.

Nam Dương

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/phap-luat/thu-tien-ty-chi-bi-xu-phat-tien-trieu-96531