Phát huy vai trò nòng cốt của đội ngũ trí thức trong phát triển khoa học công nghệ

(ĐCSVN) - Qua hơn 20 năm đổi mới, nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; vị thế của Việt Nam đã được nâng cao trên trường quốc tế. Lực lượng trí thức, đặc biệt là trí thức khoa học và công nghệ đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của sự nghiệp đổi mới. Xác định rõ vai trò quan trọng trong giai đoạn hiện nay, Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp hội Việt Nam) đã và đang tiếp tục cùng lực lượng trí thức cả nước xây dựng và tập hợp đội ngũ, thúc đẩy sự phát triển khoa học công nghệ của nước ta.

Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị BCH Trung ương Đảng lần thứ 7 (khóa X) ngày 06/8/2008 "Về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước" đã khẳng định: “Trong mọi thời đại, tri thức luôn là nền tảng tiến bộ xã hội, đội ngũ trí thức là lực lượng nòng cốt sáng tạo và truyền bá tri thức. Ngày nay, cùng với sự phát triển nhanh chóng của cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, đội ngũ trí thức trở thành nguồn lực đặc biệt quan trọng trong sự hình thành và phát triển của kinh tế tri thức phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và tạo nên sức mạnh của mỗi quốc gia trong chiến lược phát triển. Mục tiêu sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 đòi hỏi phải lựa chọn con đường phát triển rút ngắn, phát huy đến mức cao nhất mọi nguồn lực, tiềm năng trí tuệ của dân tộc, đặc biệt là năng lực sáng tạo của đội ngũ trí thức”. Để thực hiện được mục tiêu đó, đội ngũ trí thức nói chung và Liên hiệp hội Việt Nam nói riêng có một vai trò, vị trí rất quan trọng. Xác định được vị trí quan trọng của mình trong thời gian qua, đặc biệt là trong nhiệm kỳ 2004-2009, Hội đã không ngừng tập hợp, đoàn kết và phát huy huy tiềm năng, trí tuệ của trí thức khoa học và công nghệ thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; tích cực hoạt động trong hệ thống chính trị của nước ta và tham gia các phong trào, cuộc vận động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; tham gia nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, áp dụng các công nghệ tiến bộ vào sản xuất và đời sống, phát triển kinh tế-xã hội. Các hoạt động hợp tác trong nước và quốc tế được tăng cường cả chiều rộng lẫn chiều sâu… Bên cạnh đó, Liên hiệp hội Việt Nam cũng đã tổ chức nhiều diễn đàn khoa học, tạo điều kiện để trí thức khoa học công nghệ phát huy tiềm năng sáng tạo, thẳng thắn phát biểu ý kiến về những vấn đề hệ trọng liên quan đến quốc kế, dân sinh; phản ánh trung thực dư luận của trí thức đối với các đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, là một nhân tố tích cực trong công cuộc đổi mới của đất nước. Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết Đại hội Liên hiệp hội Việt Nam nhiệm kỳ V (2004-2009), với phương châm “hướng mạnh các hoạt động về cơ sở”, trong hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, điều tra cơ bản và bảo vệ môi trường, Liên hiệp hội Việt Nam đã rất quan tâm đến việc tăng cường sự tham gia của các hội thành viên. Nhờ đó, nhiều kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ đã thành công, điển hình như việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, bảo vệ môi truờng thuộc đề tài “Xây dựng mô hình phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa” ở 20 tỉnh (Bắc Kạn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Hà Tây, Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Kon Tum và Lâm Đồng), đã góp phần thay đổi tập quán sản xuất ở các địa phương, thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp và nông thôn, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động. Cũng trong những năm qua, việc củng cố, phát triển tổ chức, đã được Liên hiệp hội Việt Nam chú trọng. Trong nhiệm kỳ (2004-2009) Liên hiệp hội Việt Nam đã có sự phát triển nhanh chóng về tổ chức, có uy tín trong xã hội và từng bước khẳng định là một tổ chức có hệ thống từ trung ương tới địa phương, tập hợp trí thức khoa học và công nghệ trên phạm vi cả nước. Mạng lưới cơ sở của Liên hiệp hội Việt Nam và các hội thành viên phát triển sâu rộng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Ngày càng có nhiều trí thức trong các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tham gia vào các tổ chức thành viên của Liên hiệp hội Việt Nam. Tính đến tháng 01/2010, Liên hiệp hội Việt Nam có 125 hội thành viên, gồm 55 Liên hiệp hội địa phương và 70 hội ngành toàn quốc, trong đó có 4 Tổng hội với hơn 80 hội thành viên hoạt động trong phạm vi cả nước. Mặc dù đạt được những kết quả đáng ghi nhận, song thời gian qua, Liên hiệp hội vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế trong việc tổ chức các hoạt động để tập hợp, thu hút đông đảo trí thức tham gia giải quyết những vấn đề lớn, bức xúc của đất nước trong phát triển khoa học và công nghiệp, giáo dục đào tạo và bảo vệ môi trường... Việc phát triển và củng cố tổ chức chưa được quan tâm đúng mức; tổ chức phát triển nhanh về số lượng, nhưng chưa quan tâm đúng mức tới năng lực và hiệu quả hoạt động; tỷ lệ tập hợp trí thức vào tổ chức hội còn thấp, chỉ khoảng 1/3 số lượng trí thức trong cả nước; sự phối hợp hoạt động giữa trung ương và địa phương còn yếu... Chặng đường phía trước còn dài để tiếp tục xây dựng nền kinh tế tri thức và hội nhập quốc tế, trong thời gian tới cùng với đội ngũ tri thức cả nước, Liên hiệp hội Việt Nam đã xác định không ngừng phát huy vai trò năng động, sáng tạo, khắc phục tồn tại, yếu kém, vươn lên trở thành nhân tố nòng cốt tập hợp trí thức Việt Nam tham gia xây dựng và phát triển đất nước. Đặc biệt là sẽ thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của tổ chức chính trị - xã hội đối với đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ. Nâng cao năng lực cho các hội thành viên và các đơn vị trực thuộc để đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền và phổ biến kiến thức, phát triển công nghệ phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Đồng thời, sẽ tiếp tục củng cố, kiện toàn và phát triển tổ chức, làm tốt công tác hội viên; tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động; khuyến khích, hỗ trợ tổ chức và hoạt động mạng lưới chia sẻ thông tin với nhau.... Ngoài ra, tiếp tục tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế song phương và đa phương, đặc biệt với các tổ chức quốc tế, các tổ chức nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. Mở rộng hợp tác với các tổ chức khoa học và công nghệ trong khu vực và trên thế giới, chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi thông tin, thu hút nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi cho trí thức trong nước giao lưu khoa học với thế giới bằng các hình thức phù hợp. Với tinh thần “Đoàn kết - Trí tuệ - Phát triển”, Liên hiệp hội Việt Nam và các hội thành viên, các tổ chức trực thuộc, đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ cả nước hiện đã và đang nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ đã đề ra. Mong rằng với sức mạnh là nòng cốt tập hợp đội ngũ tri thức khoa học và công nghệ cả nước, Liên hiệp hội sẽ không ngừng lớn mạnh về mọi mặt để góp phần đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=399787&co_id=30081