Phát hiện "quái vật" giun cổ đại mình đầy gai nhọn

Các nhà khoa học mới tìm thấy hóa thạch loài giun sống cách đây 535 triệu năm, cơ thể có xương cứng, răng nhọn xung quanh miệng và những chiếc gai tua ra từ hai bên sườn.

Giun Eokinorhynchis rarus gai nhọn bọc quanh mình

Loài giun nhỏ có tên khoa học Eokinorhynchis rarus (E. rarus) tìm thấy ở Nam Giang, Tứ Xuyên, Trung Quốc, có kích thước chiều dài chưa đến 2 mm. Cơ thể E. rarus bao gồm ít nhất 20 đốt thân, mỗi vòng thân được bao bọc bởi những tấm xương cứng như kim loại cắm đầy gai nhọn, và 5 cặp gai lớn chạy dọc thân.

Ở kỷ Cambri, cách đây khoảng 490-543 triệu năm, khu vực đó là đại dương giàu chất phốt phát. E. rarus cư trú tại vùng trầm lắng dưới đáy biển. Phốt phát trong đại dương làm cho E. rarus hóa thạch thay thế lớp mô mềm trên cơ thể bằng canxi phốt phát, hợp chất tạo nên răng và xương người.

Việc tìm thấy hóa thạch siêu nhỏ như E. rarus không dễ dàng. Giáo sư sinh học địa chất tại Đại học bách khoa Virginia, Mỹ, đồng thời là tác giả nghiên cứu Shuhai Xiao chia sẻ ông cùng đồng nghiệp phải khai quật khoảng nửa tấn đất đá từ khu vực để tìm kiếm những dấu vết của sinh vật cổ đại.

Ông nói: “Hóa thạch nhỏ đến mức bạn không thể nhìn thấy trong khu vực tìm kiếm”. Các nhà khoa học đã mang nửa tấn đất đá về phòng thí nghiệm để nghiên cứu. Họ dùng axit acetic để phân rã lớp đất đá, hợp chất tương tự dấm và không ảnh hưởng đến hóa thạch canxi phốt phát. Sau khi đá tan chảy làm lộ ra những mẫu hóa thạch siêu nhỏ.

Công việc khó khăn hơn sau đó chính là xác định xem hóa thạch đó là gì. Quá trình đòi hỏi sự tỷ mỉ do kích thước cũng như độ dễ vỡ của hóa thạch.

Nội dung được thực hiện dựa trên tham khảo nguồn tin từ Live Science, một tờ tin tức khoa học trực tuyến ra đời năm 2004. Live Science chuyên tin tức về đột phá khoa học, các dự án nghiên cứu và sự kiện kỳ lạ từ khắp nơi trên thế giới.

Hoàng Dung (lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/phat-hien-quai-vat-giun-co-dai-minh-day-gai-nhon-post183999.info