Phát hiện cây gỗ nghiến ngàn tuổi tại Cao Bằng

Đoàn khảo sát do ông Đinh Ngọc Hải, Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên môi trường tỉnh Cao Bằng dẫn đầu đã phát hiện cây gỗ nghiến vào loại cổ thụ nhất Việt Nam, gần 1.000 tuổi, mọc ở ven đường mới mở vào bản Lũng Tủng, xã Kim Loan, huyện Hạ Lang (Cao Bằng).

Cây có chiều cao khoảng 50m, đường kính thân gần 2,5m (6 người ôm không xuể). Hoạt động khảo sát này nhằm hưởng ứng sự kiện Bảo tồn cây Di sản do Hội Bảo vệ thiên nhiên môi trường Việt Nam khởi xướng, nhằm tôn vinh những cây cổ thụ có giá trị về khoa học, cảnh quan, môi trường, văn hóa, góp phần bảo vệ các nguồn gen thực vật tiêu biểu của Việt Nam. Đồng bào dân tộc Tày, Nùng gọi cây gỗ nghiến là "Co mạy diển" và cho biết, rừng có núi đá vôi ở địa phương mọc rất nhiều loại cây này và chúng xanh tốt quanh năm. Cả 12 huyện, thị xã của tỉnh Cao Bằng đều có cây gỗ nghiến. Đặc biệt, ở các huyện Nguyên Bình, Thạch An, Phục Hòa, Quảng Uyên, Trà Lĩnh..., cây nghiến mọc dày đặc thành rừng, có nơi rộng hàng chục ha. Tại huyện Hạ Lang cách thị xã Cao Bằng 72km có rất nhiều cây gỗ nghiến cổ thụ. Một trong những cây nghiến tiêu biểu, đại diện cho những cây sống lâu năm nhất ở tỉnh là cây nghiến gần 1.000 tuổi này. Việc kết luận chính xác tuổi của cây nghiến Lũng Tủng là bao nhiêu năm cần phải có những khảo nghiệm kỹ của các nhà khoa học. Nhưng có thể khẳng định, tới giai đoạn hiện nay nó là một trong những cây nghiến cổ thụ bậc nhất ở Việt Nam. So với cây nghiến mọc bên cạnh mộ Liệt sĩ Nông Văn Dền (tức Kim Đồng) hy sinh năm 1944 ở bản Nà Mạ, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng đã có tuổi trên 100 năm (hiện có đường kính thân 45cm), thì “cụ nghiến Lũng Tủng”có đường kính thân tới 2,5m. Theo ông Nông Văn Cầu, Chủ tịch xã Kim Loan, nguyên nhân để cây nghiến này không bị xâm hại và gần như sống trường tồn cùng thời gian, vì nó mọc ở khu vực "Đông Sấn" (khu rừng thiêng). Đồng bào trong vùng cho rằng các cây cổ thụ mọc ở "Đông Sấn đều có linh hồn, ai chặt hạ sẽ bị thần rừng trừng phạt." Ở khu vực miền Đông của tỉnh Cao Bằng hiện còn khá nhiều “rừng thiêng,” trong đó đang lưu giữ rất nhiều nguồn gen quý hiếm (kể cả rừng nghiến cổ thụ). Đây là kết quả bảo tồn rừng nhờ một tập tục mang màu sắc tâm linh của đồng bào Tày, Nùng ở đây. Nó thể hiện cách ứng xử rất bình đẳng và văn minh giữa con người với thiên nhiên môi trường, đáng để chúng ta trân trọng./. Lê Quý Tuệ (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn TTXVN: http://www.vietnamplus.vn/home/phat-hien-cay-go-nghien-ngan-tuoi-tai-cao-bang/20107/52883.vnplus