Phật giáo Nam Tông cho phép thọ dụng thức ăn thịt cá…

- Người xuất gia ăn chay không chỉ vì trưởng dưỡng lòng từ bi mà còn vì sức khỏe bản thân. Tuy nhiên tùy theo lập trường và quan điểm của mỗi hệ phái mà hình thức ăn chay cũng có sự khác biệt.

Ăn uống là tùy vùng văn hóa, quốc độ, thổ nhưỡng

Theo Tam Tạng Kinh Điển dịch ra từ Pali (gọi là đạo Phật Nguyên Thủy) vốn được xem là gần gũi nhất với lời Phật dạy và sinh hoạt của tăng đoàn thời Phật, không hề thấy có giới luật ăn chay. Tỳ - kheo đi khất thực ai có tấm lòng cho gì thì ăn đấy.

Trong thời kỳ ban đầu của đạo Phật, do điều kiện khách quan còn nhiều khó khăn, chưa thể hoạt động mạnh mẽ ở tất cả mọi phương diện nên Đức Phật đã phải tùy nghi phương tiện khất thực để vừa hoằng pháp, vừa phát triển, lại vừa sinh tồn.

Theo đó, các quốc gia theo đạo Phật hay các hệ phái Phật giáo có cách ăn uống khác nhau. Điều này, là do tâm chúng sinh khác biệt, do căn cơ và môi trường sinh sống của chúng sinh khác biệt, lại do không gian và thời gian khác biệt.

Việc ăn uống của người con Phật không giống nhau, tùy vào vùng văn hóa, quốc độ và thổ nhưỡng.

Có nhiều nước không thể có nhiều loại thực phẩm từ thực vật, ngũ cốc dồi dào được thì họ dùng tạm thực phầm từ thịt. Ví dụ như sang các nước sa mạc hoang vu, tuyết phủ quanh năm… họ phải dự trữ những thực phẩm từ động vật bằng cách phơi, nướng… thịt.

Người Phật giáo tu theo hệ phái Bắc Tông ăn chay nghiêm túc hơn nhưng ăn rất cầu kỳ, có khi thức ăn được làm gần như thật các món thịt cá của thế tục.

Còn tu theo Phật giáo Nam Tông, người xuất gia được phép thọ dụng các thức ăn thịt cá… do cúng dường, gọi là “tam tịnh nhục” (không thấy, không nghe và không nghi - PV). Nhưng theo truyền thống Phật giáo Đại thừa ở Trung Quốc người xuất gia không được ăn mặn, cho dù những loại thịt đó là tam tịnh nhục.

Ở Việt Nam có 3 truyền thống Phật giáo chính đó là: Nam Tông, Bắc Tông và Khất Sĩ. Trong đó Bắc Tông và Khất Sĩ thì ăn chay còn chư Tăng Ni của phật giáo Nam Tông thì còn dùng thực phẩm mặn.

Ngoài ra, hoàn cảnh quý Tăng Ni theo truyền thống Bắc Tông ở miền Nam Việt Nam ăn chay, cũng khác với một số Tăng Ni theo truyền thống Bắc Tông sống tại miền Bắc từ năm 1954 đến năm 1975 không ăn chay do hoàn cảnh chính trị và xã hội.

Nhưng đức Phật khuyến khích nên ăn chay

Mục đích ăn chay của đạo Phật là tôn trọng và bảo vệ sự sống - một trong những đặc điểm nổi bật của Phật giáo. Không sát sinh là giới luật nhằm bảo vệ sự sống ấy và ăn chay đối với những người theo đạo Phật chính là sự thực hành cụ thể cho đặc điểm ấy.

Mặt khác, đức Phật khuyên chúng ta không nên sát sinh vì mọi sinh vật đều sợ chết và xem sự sống là điều quý báu nhất trên đời. “Những không sát hại mà còn khuyên chúng ta nên tôn trọng và bảo vệ loài vật vì chúng cũng có quyền sống, có quyền được chia sẻ môi sinh trên trái đất, nơi mà con người đang ở” - trích lời dạy của đức Phật.

Vì thế, nếu thực phẩm có sự chết của chúng sinh thì tốt hơn là không nên ăn. Do đó mới gọi đạo Phật là đạo từ bi. Vì vậy, đức Phật đã dạy là không được giết hại, cũng không được vì bất cứ lý do nào để giết hại chúng sinh.

Như vậy, việc ăn chay không những có được những lợi ích trong hiện tại mà cả trong đời sống tương lai của người phật tử nữa. Còn những người không phải là Phật tử, nếu muốn thân thể được mạnh khỏe, tinh thần được khinh an, trí tuệ được minh mẫn, tiết kiệm được tài chính, gia đình được hòa thuận yên vui... nên làm quen với những thức ăn chay.

Tuy nhiên, Kinh Phật dạy có hai nguyên tắc quan trọng là tùy duyên và bất biến. Tùy duyên là tùy theo hoàn cảnh, thời tiết nhân duyên mà thay đổi các phương tiện cho thích hợp. Còn bất biến là không được thay đổi những yếu lý quan trọng như đặc tính từ bi và bình đẳng hay như giới luật của đạo Phật, không ai được vi phạm dù ở không gian hay thời gian nào. Việc ăn chay cũng vậy.

Bùi Hiền

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://bee.net.vn/channel/5640/201209/Phat-giao-Nam-Tong-cho-phep-tho-dung-thuc-an-thit-ca-1849700/