Phập phồng vụ mía 2012 - 2013

Các nhà máy đường (NMĐ) ở vùng ĐBSCL đang chuẩn bị vào vụ ép mía niên vụ 2012 - 2013. Ấy nhưng, dư âm của một niên vụ sản xuất hiệu quả kém (niên vụ 2011 - 2012) vẫn đọng lại nỗi lo đối với người trồng mía, ngành NNPTNT, chính quyền địa phương các vùng mía nguyên liệu: Năm nay liệu có lũ sớm, giá mía sẽ diễn biến như thế nào?...

Lo lũ ập về, lo giá mía thấp

Ở huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng), mục tiêu giữ ổn định 3.750ha đất trồng mía từ nay đến 2015 xem ra khó thực hiện vì ngoài việc bị ảnh hưởng ngập úng thường xuyên, thu nhập từ cây mía đã kém hấp dẫn so với những loại cây trồng khác; đặc biệt là cây lúa. Ngay niên vụ 2012 - 2013 này, diện tích mía ở Mỹ Tú đã giảm gần 210ha. Vùng mía nguyên liệu Long Phú (Sóc Trăng) cũng giảm 200ha do nhiều người... đã ban đất mía để trồng lúa! Ông Huỳnh Quốc Tỏn - tổ trưởng tổ hợp tác trồng mía ấp Văn Sáu (xã Đại Ân I, huyện Cù Lao Dung, Sóc Trăng) - cho rằng: “Nếu tính hết chi phí đốn mía, vận chuyển, mỗi ha cần từ 100 - 110 triệu đồng. Thành thử nếu đạt năng suất 110 tấn/ha và bán được giá 1.000 đồng/kg thì người trồng mía mới chỉ huề vốn”. Còn ở vùng mía nguyên liệu Phụng Hiệp (Hậu Giang), tuy năm nay diện tích trồng mía tăng trên 270ha so với vụ trước (trên 9.000ha), nhưng người trồng mía vẫn đang canh cánh nỗi lo. Do đê bao chưa hoàn chỉnh, nếu lũ về sớm như dự báo, nông dân vẫn phải thu hoạch mía “chạy lũ”. Ông Nguyễn Minh Triều ở xã Hiệp Hưng (huyện Phụng Hiệp) lo lắng: “Giá thành sản xuất mía năm nay tăng do giá thuê nhân công, phân bón đều tăng. Nếu phải thu hoạch “chạy lũ” chữ đường thấp, mía bán không được giá thì khó nói tới chuyện có lời...”.

Ông Huỳnh Ngọc Vân - Giám đốc Trung tâm Giống cây trồng Sóc Trăng - phân tích những nguyên nhân khiến cây mía ngày càng kém hấp dẫn nhà nông: “Cả tỉnh vẫn có tới ½ diện tích mía chưa được bao tiêu sản phẩm. Mía thu hoạch rộ từ tháng 11 năm trước đến tháng 2 năm sau nên rất dễ gây nên tình trạng ứ đọng nguyên liệu, giảm chất lượng nếu không được tiêu thụ kịp thời. Phương thức hợp đồng thu mua chưa được cụ thể, rõ ràng đã dẫn đến tình trạng thiếu nguyên liệu lúc đầu vụ, thừa nguyên liệu lúc thu hoạch rộ. Quan trọng là chi phí thu hoạch, vận chuyển đã chiếm khoảng 50% tổng chi phí”.

Để cây mía phát triển bền vững

Ngày 26.7, UBND tỉnh Hậu Giang có cuộc họp với Hiệp hội Mía đường VN, các NMĐ vùng ĐBSCL về việc chuẩn bị và thống nhất ngày vào vụ ép mía. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thành Nhơn yêu cầu 3 NMĐ trong tỉnh xác định khu vực có nguy cơ ngập lũ cao để tiêu thụ trước; đề nghị Hiệp hội Mía đường VN quan tâm ổn định giá mía từ đầu vụ đến cuối vụ, tránh giá xuống thấp khi thu hoạch rộ...

Đó là vấn đề “nóng” của niên vụ mía 2012 - 2013. Còn để cây mía thoát cảnh thu hoạch “chạy lũ”, phát triển ổn định và bền vững, Hậu Giang bắt đầu triển khai dự án “Tu bổ, nâng cấp đê bao vùng nguyên liệu mía Phụng Hiệp” với kinh phí đầu tư 153 tỉ đồng. Ở Sóc Trăng - nơi tiềm năng năng suất cây mía còn rất lớn - ông Huỳnh Ngọc Vân đề xuất: “Nếu tăng được năng suất mía lên 130 tấn/ha và tăng chữ đường trong mía thì chỉ cần 8.000 - 10.000ha là đáp ứng nhu cầu chế biến cho nhà máy”. Theo đó, chỉ những vùng có điều kiện đầu tư thâm canh gắn với hợp đồng bao tiêu mới khuyến khích phát triển cây mía; còn những vùng khác thì khuyến khích chuyển đổi sang cây trồng khác. Còn theo ông Cổ Trí Dũng - Tổng Giám đốc Cty Mía đường Sóc Trăng: “Việc quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu nên tập trung mạnh vào việc gia tăng chữ đường chứ không nên quá chú trọng vào năng suất, vì bất kỳ nhà máy nào cũng cần đường nhiều chứ không phải nhiều mía”.

Tuy nhiên, điều nông dân các vùng nguyên liệu mía ở ĐBSCL quan tâm nhất chính là chính sách đầu tư vùng nguyên liệu và giá cả hợp đồng bao tiêu sản phẩm của các NMĐ. Theo các ý kiến đề xuất, các NMĐ nên mở thêm diện tích hợp đồng bao tiêu theo công suất của mình để từ đó điều tiết việc thu hoạch mía một cách phù hợp, không để xảy ra ứ đọng mía trong dân hay tại nhà máy, gây thất thoát lãng phí. Đối với mối liên kết nông dân - thương lái - NMĐ trong chuỗi giá trị sản xuất, nên chăng thương lái chỉ nên đóng vai trò thu gom, vận chuyển cho các NMĐ và hưởng hoa hồng trên đầu tấn; còn giá cả do NMĐ ký kết trực tiếp với nông dân. Chỉ như vậy, nông dân mới yên tâm, đảm bảo hiệu quả sản xuất và các NMĐ mới có vùng nguyên liệu ổn định.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/kinh-te/phap-phong-vu-mia-2012-2013/77578.bld