Pháo đài bay B-52 – 60 năm vẫn chưa có đối thủ

Ra đời từ cách đây hơn 60 năm, chinh chiến trên khắp thế giới, có mặt tại hầu hết các điểm nóng, trở thành nỗi khiếp sợ của đối phương, ngoại trừ thất bại cay đắng trên bầu trời Việt Nam… Đến nay, quân đội Mỹ vẫn chưa thể tìm được kẻ thay thế xứng đáng cho mẫu máy bay ném bom chiến lược B-52.

Lịch sử phát triển

Máy bay B-52 là loại máy bay ném bom chiến lược hạng nặng, tầm xa, rất nổi tiếng của Không quân Hoa Kỳ, do hãng Boeing nghiên cứu thử nghiệm sản xuất từ những năm 1950.

Qua 8 lần cải tiến với các phiên bản B52 – A, B, C, D, E, F, G, H, cho đến nay, dù đã trải qua 60 năm, B52 vẫn giữ nguyên vai trò chiến lược của nó trong hàng ngũ máy bay chiến đấu hạng nặng của Không quân Hoa Kỳ.

B-52A - Phiên bản đầu tiên của mẫu máy bay ném bom chiến lược. Chỉ có 3 chiếc B-52A được sản xuất.

B52 được mệnh danh là “Stratofortress” nghĩa là “pháo đài chiến lược” hay “pháo đài bay” nhưng với đội phi công Mỹ, B52 thường được gọi là BUFF – chữ viết tắt của “Big Ugly Fat Fucker” – nghĩa là Tên Mập Xấu Xí.

Mặc dù B-52A là phiên bản được sản xuất đầu tiên, nó chỉ được dùng trong thử nghiệm và số lượng sản xuất vỏn vẹn chỉ 3 chiếc. Phiên bản được đưa vào thực chiến đầu tiên là kiểu B-52B vốn được phát triển song song với kiểu nguyên mẫu từ năm 1951 và được trang bị cho không quân Hoa Kỳ vào tháng 12 năm 1954.

Cùng với B-52A, B-52B, các phiên bản C, D, E, F được phát triển gần như song song với những cải tiến đáng kể về tải trọng, kích thước, phương thức chiến đấu và kỹ thuật chiến đấu, người ta gọi chung các phiên bản này là thế hệ B-52 thứ nhất.

Thế hệ B52 thứ hai bao gồm hai phiên bản cuối cùng G và H, được Không quân Hoa Kỳ chú trọng phát triển và cải tiến ở góc độ kỹ thuật chiến đấu, tối tân hóa việc trang bị vũ khí mang theo và tăng tải trọng thùng chứa nhiên liệu nhằm đạt được hành trình bay dài hơn và đáp ứng những đòi hỏi của tiến trình hiện đại hóa quân sự.

Theo đó, thay đổi đáng kể nhất đối với phiên bản B-52G là kiểu "cánh ướt" hoàn toàn mới có các thùng nhiên liệu tích hợp bên trong làm gia tăng đáng kể trữ lượng nhiên liệu. Trọng lượng toàn thể chiếc máy bay được tăng thêm 17.235 kg so với các phiên bản trước.

Kế thừa những ưu điểm của phiên bản G, những chiếc B- 52 phiên bản H bỏ dùng kiểu động cơ turbo phản lực J57 và thay bằng kiểu động cơ turbo quạt ép TF33-P-3. Cải tiến này không chỉ giúp cải tiện tính năng bay mà còn tiết kiệm một lượng nhiên liệu đáng kể, giúp B-52H đạt được những hành trình bay dài hơn. Về phương diện trang thiết bị, hệ thống điều khiển điện tử và hệ thống phản công điện tử (ECM) được cập nhật, một hệ thống kiểm soát hỏa lực mới được trang bị, vũ khí phòng thủ phía sau được thay đổi từ súng máy sang một khẩu pháo M61 Vulcan 20 mm. B-52H có khả năng mang bốn tên lửa đạn đạo AGM-48 Skybolt đồng thời có khả năng phóng tên lửa AGM-28 Hound Dog mang đầu đạn hạt nhân.

Chưa dừng lại ở đó, năm 1971, Hoa Kỳ móc hầu bao chi thêm 400 triệu USD nhằm cải tiến phiên bản G và H giúp cho hai phiên bản này có khả năng có thể mang đến 20 tên lửa đầu đạn hạt nhân AGM-69 SRAM.

Trong vòng 1 thập kỷ, tổng cộng 744 chiếc B52 được chế tạo với 8 phiên bản cho 2 thế hệ. Giá thành của mỗi chiếc rơi vào khoảng 70 triệu USD tính theo thời giá hiện nay.

Hầu hết các phiên bản máy bay B52 thuộc thế hệ thứ nhất đều được cho nghỉ hưu sau 10 đến 15 năm tham chiến. Một số ít được giữ lại nhằm sử dụng cho công tác huấn luyện thực chiến của không quân Hoa Kỳ. Những chiếc B-52 hưu trí này được giữ tại AMARC, một kho bãi giữa sa mạc được gọi là "Boneyard" tại Căn cứ Không quân Davis Monthan, Tucson, bang Arizona.

Riêng hai phiên bản thế hệ thứ hai G và H được Không quân Hoa Kỳ sử dụng đến tận mãi sau này. Chỉ sau khi Liên Xô tan rã, những chiếc B-52G mới được phá hủy theo những điều khoản của Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược (START). Theo đó có 365 chiếc máy bay B-52 đã bị phá hủy và tiến trình này được phía Nga giám sát trực tiếp hay thông qua hình ảnh vệ tinh.

Ngày nay, duy nhất còn lại phiên bản B-52H còn được tiếp tục các cuộc chinh chiến. Ngoài những cải biến về vũ khí và trang thiết bị, Không quân Hoa Kỳ không ngừng tìm kiếm những giải pháp về nhiên liệu mới nhằm giảm thiểu tiêu hao, tăng hành trình bay và không loại trừ việc cắt giảm hiệu ứng nhà kính.

B-52 – Nỗi khiếp sợ của đối phương

Không ai có thể nghi ngờ sức mạnh của mối đe dọa mang tên B-52. Không chỉ là loại máy bay có khả năng mang khối lượng vũ khí khổng lồ, trang thiết bị tối tân, khả năng tàng hình cùng một đội tiêm kích yểm trợ dũng mãnh, B-52 còn sở hữu những thông số đáng ngưỡng mộ như tốc độ lớn nhất lên tới 1.000 km/h, bán kính chiến đấu 7.210 km, tầm bay tối đa 15.000 km và trần bay tối đa 17.000 m, trong đó đáng kể nhất là khả năng “ném bom rải thảm” kinh hoàng khiến đối phương tổn thất vô cùng to lớn. Trong suốt lịch sử tổn tại của mình, B-52 đạt được không ít những chiến thắng quan trọng.

Khả năng ném bom theo kiểu "rải thảm", xóa sổ hệ thống phòng không mặt đất của đối phương là điểm "đáng sợ" nhất của B-52.

B-52 là “con Át chủ bài” trong suốt thời kỳ Chiến tranh lạnh giữa Liên Xô và Mỹ, phía Liên Xô đã không ít lần phải nhượng bộ trong các hành động can thiệp quốc tế do mối e ngại sự tấn công từ những “pháo đài bay” mang vũ khí hạt nhân tuần tra vòng vèo sát đường chân trời Liên Xô.

Trong chiến tranh Vùng Vịnh, B-52 phát huy vai trò ném bom tầm thấp và khả năng rải thảm trấn áp đối phương, dọn đường cho những chiến dịch không kích rầm rộ của Liên quân sau đó khiến cho các lực lượng phòng không của đối phương không thể chống đỡ nổi. Với chiến dịch “Desert Storm” (Bão táp Sa mạc), B-52 giữ vai trò trọng yếu mặc dù tính phá hủy không cao so với các vũ khí hiện đại khác như bom chùm. Các kiểu tấn công thông thường của B-52 hiệu quả hơn hẳn vì chúng kinh tế và vì chúng nhanh chóng làm mất tinh thần các lực lượng phòng thủ Iraq.

B-52 cũng góp phần vào chiến thắng của Mỹ trong chiến dịch Thực thi Tự do (Enduring Freedom) tại Afghanistan năm 2001, nhờ khả năng bay lâu trên chiến trường và hỗ trợ tấn công mặt đất qua việc sử dụng các vũ khí dẫn đường chính xác, một nhiệm vụ trước đây chỉ được giao cho máy bay tiêm kích và máy bay cường kích. B-52 cũng giữ vai trò chủ chốt trong Chiến dịch “Tự do cho người Iraq” (Iraqi Freedom) năm 2003, khi nó hỗ trợ các lực lượng tấn công mặt đất của Hoa Kỳ và thực thi nhiệm vụ ném bom.

“Hùm thiêng sa cơ”

Khi cuộc chiến của Mỹ tại Đông Nam Á leo thang, Hoa Kỳ đã huy động một lực lượng không quân khổng lồ tham chiến trong đó hàng trăm chiếc máy bay ném bom B52, chủ yếu thuộc thế hệ D và G.

Không may, ngay trong vụ tấn công đầu tiên của chiến dịch “Sấm Rền” nằm trong đại chiến dịch “Đuốc Sáng” của Mỹ ngày 18/6/1965 nhằm vào các mục tiêu tại Bến Cát, Bình Dương, hai chiếc B-52F bị va chạm, làm tổn thất hai máy bay và tám người trong phi hành đoàn.

Thất bại cay đắng nhất của B-52 phải kể đến những tổn thất nặng nề trong cuộc không kích khổng lồ mang tên “Linebacker II” nhằm vào miền Bắc Việt Nam hồi cuối tháng 12 năm 1972, chiến dịch mà Mỹ đã huy động tới 200 chiếc B-52 cùng hàng nghìn tiêm kích chiến đấu, tấn công mặt đất khác.

Trong suốt lịch sử tồn tại, "Pháo đài bay" B-52 mới chỉ phải nhận thất bại nặng nề nhất trên bầu trời miền Bắc Việt Nam. Lần duy nhất B-52 bị bắn rơi bởi một chiếc tiêm kích loại nhỏ cũng là tại Việt Nam. (Ảnh: Xác chiếc B-52 do anh hùng phi công Hồ Hữu Tiệp bắn rơi tại làng Ngọc Hà - Hà Nội)

Kết thúc chiến tranh, Mỹ công bố chỉ có 31 chiếc B-52 bị thiệt hại tại Việt Nam nhưng theo nguồn tin của Việt Nam, riêng trong chiến dịch Linebacker II, số máy bay B52 mất hạ đã là 34. Và cũng lần duy nhất trên thế giới tính đến thời điểm này, B-52 bị bắn rơi bởi một tiêm kích chiến đấu nhỏ - máy bay MIG 21 do phi công Phạm Tuân của Không quân Nhân dân Việt Nam lái. Con số này phù hợp với những bình luận đầy lo lắng trên AP: "Cứ theo tốc độ bị bắn rơi như thế này thì chỉ sau ba tháng, B-52 sẽ tuyệt chủng"

"Những thất bại trên là do lực lượng phòng không của Việt Nam đã biết khai thác triệt để các kẽ hở rất mờ nhạt trong hệ thống phòng thủ của B52. Ngược lại, việc triển khai ồ ạt B52 trong khoảng thời gian ngắn không cho phép Mỹ khắc phục những điểm yếu, dẫn đến B-52 bị các tên lửa đất đối không của Việt Nam tiêu diệt", hãng thông tấn AP bình luận.

Ngoài ra, những chiếc B-52 cũng đã từng gặp các sự cố nghiêm trọng khi mang vũ khí hạt nhân. Điển hình là ngày 17 tháng 1 năm 1966, một chiếc B-52G đụng phải một chiếc KC-135 Stratotanker bên trên vùng trời Palomares, Tây Ban Nha và bốn trái bom hạt nhân cỡ megaton bị rơi xuống biển (cả bốn sau này đều được tìm thấy). Hai trong số bốn trái bom bị vỡ một phần do một vụ nổ nhỏ, gây phát tán nghiêm trọng các chất liệu phóng xạ plutonium và uranium. May mắn là các chốt an toàn đã giữ không gây ra vụ nổ dây chuyền hạt nhân, nếu không một thảm họa hạt nhân thật sự đã xảy ra. Sau sự cố, 1.400 tấn đất bị nhiễm phóng xạ được gửi sang Hoa Kỳ. Vụ tai nạn và việc xử lỹ nhiễm xạ vô cùng tốn kém đến nỗi trong năm đó, Hoa Kỳ chấm dứt chương trình tuần tra cảnh giác trên không.

Một tai nạn khác, ngày 22 tháng 1 năm 1968, một chiếc B-52G khác đang chở bốn trái bom hạt nhân lại bị rơi trên tuyết tại vịnh North Star trong khi đang cố gắng hạ cánh khẩn cấp xuống Căn cứ không quân Thule, Greenland. Đám cháy sau đó cũng gây nhiễm xạ lan rộng và việc xử lý kéo dài cho đến tận tháng 9 năm đó.

Vẫn sẽ là vũ khí chiến lược

Không quân Hoa Kỳ dự định sẽ duy trì hoạt động của những chiếc B-52 ít nhất là cho đến năm 2040, một khoảng thời gian hoạt động dài chưa từng có trong lịch sử đối với một máy bay quân sự. Chiếc B-52 cuối cùng được sản xuất vào năm 1962, nghĩa là đến thời điểm đó, chiếc B-52 có tuổi thọ kỷ lục lên tới 80 tuổi. Để đạt được điều này, những chiếc B-52 tân trang định kỳ tại các kho bảo trì của Không quân Hoa Kỳ tại Căn cứ Không quân Tinker, Oklahoma. Do đó, tuy tuổi đời của các BUFF đã “già”, song nhờ sự chăm chút của Không quân Hoa Kỳ nên hiệu quả và sức mạnh mà chúng phô diễn vẫn cho thấy chúng còn khá “trẻ”.

Không quân Hoa Kỳ tiếp tục sử dụng chiếc B-52 vì nó vẫn là kiểu máy bay ném bom hạng nặng có hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt là cho kiểu xung đột xảy ra sau thời kỳ Chiến tranh Lạnh nhằm chống lại những nước có khả năng phòng không hạn chế.

Hơn nữa, trong nhiệm vụ mở đường, B-52 luôn chứng tỏ ưu thế vượt trội. Tốc độ và khả năng tàng hình của những chiếc B-1 Lancer và B-2 Spirit chỉ thực sự hữu ích khi hệ thống phòng không đối phương bị tiêu diệt mà B-52 thường hoàn thành nhiệm vụ này một cách nhanh chóng và xuất sắc trong các cuộc xung đột.

Chiếc B-52 cũng đạt được tỉ lệ thời gian thực chiến cao nhất trong số ba kiểu máy bay ném bom hạng nặng đang được Không quân Hoa Kỳ sử dụng. Trong khi chiếc B-1 đạt được tỉ lệ thời gian trung bình là 53% và chiếc B-2 đạt được 26%, chiếc B-52 vượt trội lên hẳn với con số trung bình lên tới 80%.

Phan Vinh

Tổng hợp

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/the-gioi/phao-dai-bay-b-52-60-nam-van-chua-co-doi-thu/a19844.html