Phạm Văn Quyến: Đẳng cấp vô hình

Văn Quyến lên tuyển chắc chắn không nhờ phong độ. Thế nhưng, đẳng cấp không phải lúc nào cũng là mãi mãi như ông già gân Alex Ferguson huyền thoại của bóng đá thế giới từng lập luận.

Phong độ Hiển nhiên là không phải phong độ. Vì một cầu thủ lành lặn nhưng lại chỉ chơi chừng 5-6 trận và hầu hết đều xuất phát từ băng ghế dự bị, lại không ghi bàn nào, không thể là một tiền đạo có phong độ tốt. Có 2 khoảnh khắc đáng nhớ nhất của Văn Quyến ở mùa này tại V-League, một là khi “số 10” vào sân ở hiệp hai, giúp cho khán giả ở sân Thống Nhất đỡ buồn ngủ hơn trong trận SLNA gặp Navibank SG, và hai là khi Quyến vào sân, chuyền cho đồng đội ghi bàn duy nhất vào lưới HP.HN. Cũng ở trận thắng trên sân Hàng Đẫy có sự chứng kiến của HLV Calisto ấy, Quyến được chú ý bởi anh là “nạn nhân” của một Trọng Hoàng ích kỷ và như muốn cô lập Quyến, không chuyền cho “đàn anh” ở tư thế dễ dàng ghi bàn. Chỉ 2 khoảnh khắc là quá ít với một chân sút. Xét về mặt hiệu quả, Quyến thậm chí còn kém hơn cả Phan Thanh Bình trong màu áo ĐT.LA, người kịp ghi cho mình 1 bàn thắng ở mùa này, khi giải vào thế cờ tàn. So sánh với các cầu thủ cùng CLB, Văn Quyến mờ nhạt hơn Quang Tình, người chơi ở hàng tiền vệ, nhưng cũng có 3 bàn thắng. Và càng không thể đọ được với Trọng Hoàng với 8 bàn thắng trong vai trò của một cầu thủ tấn công tự do. Nhưng, điều đáng nói nhất, khi so với chính Văn Quyến 2009, Văn Quyến 2010 cũng chỉ là một cái bóng khá mờ. Năm ngoái, khi vừa trở lại sau hơn 3 năm không chơi bóng đỉnh cao, Quyến còn tỏa sáng ở nhiều trận đấu và ghi tới 8 bàn thắng. Đẳng cấp Quyến thỏa mãn khá nhiều điều kiện để được coi là một cầu thủ có đẳng cấp. Thậm chí, anh còn đạt tới điều đó từ khá sớm, ở một giải đấu mà người ta thường chỉ coi nó là nơi phát hiện cầu thủ tiềm năng: U16 châu Á, trong màu áo ĐTVN. Ông Calisto tin ở đẳng cấp của Quyến, nhưng tự cầu thủ này phải chứng minh Quyến đã từng ghi những bàn thắng quan trọng, 2 lần vào lưới Thái Lan trong cùng một giải đấu: SEA Games 2003, đã từng ghi bàn thắng lịch sử để hạ gục Hàn Quốc trong một trận đấu cạnh tranh chính thức. Và ở thời điểm ấy, Quyến xứng đáng được coi là cầu thủ xuất sắc nhất của BĐVN, là người làm được những điều người khác khó lòng, thậm chí không thể. Sút phạt là một vũ khí. Dứt điểm bóng sống rất thuần thục. Đi bóng từ biên, bó vào trong rồi cứa lòng trong chân phải vào góc xa là sở trường. Cầm bóng đột phá, thường xuyên chiến thắng trong tư thế mặt đối mặt với thủ môn. Quyến hội tụ mọi phẩm chất để là tiền đạo đẳng cấp không chỉ của BĐVN mà còn của cả khu vực. Chỉ riêng khả năng đi bóng từ ngoài, rồi cứa lòng, BĐVN vẫn chưa có ai làm tốt hơn Văn Quyến kỹ năng đó. Kể cả Công Vinh. Nếu ai tinh ý, Vinh đã cố gắng tỉa tót kỹ năng đó, cố gắng thực hiện hầu như trong mỗi trận đấu (ở mọi cấp độ), nhưng bất thành. Nhưng không phải mãi mãi Phàm đã là người theo dõi bóng đá, ai cũng biết một lập luận: phong độ là nhất thời, đẳng cấp là mãi mãi. Cuộc đối đầu giữa 2 phạm trù ấy, hoặc 2 đối tượng đại diện cho 2 phạm trù ấy, thường có kết cục nói theo kiểu văn học là “có hậu”: đẳng cấp chiến thắng. Với riêng các cá nhân cầu thủ, thường sau một quãng thời gian dài không chơi bóng đỉnh cao (với thế giới đa phần là vì chấn thương chứ không phải lý do như Quyến), họ vẫn trở lại với đẳng cấp và phong độ (tương đối) như trước. Những kỹ năng chơi bóng, tư duy chiến thuật không dễ dàng mất đi. Với các cầu thủ có những tố chất thiên bẩm, lại càng rất khó mất, ngoại trừ những trường hợp bị ảnh hưởng về tuổi tác, thể lực. Ông Calisto dựa trên nguyên tắc này để triệu tập Văn Quyến trở lại. Đẳng cấp của Văn Quyến có thể được khôi phục thông qua sự thay đổi môi trường và cả sự nỗ lực của bản thân. 1 năm trước, Quyến chơi tốt dù có 3 năm nghỉ thi đấu đỉnh cao. Môi trường: Là đương nhiên khi kết luận, rằng môi trường ở đội tuyển tích cực hơn hẳn so với SLNA, nơi còn chưa thể đạt tới tầm của các CLB khác tại V-League. Môi trường của đội tuyển được xây dựng từ các yếu tố tham vọng rõ ràng, cạnh tranh tương đối lành mạnh, sinh hoạt tương đối kỷ luật, và không có quá nhiều tệ nạn chi phối, dù cho có thực tế là nhiều cầu thủ sau khi lên tuyển về CLB lại hư. Vai trò của HLV cũng là một yếu tố quan trọng cấu thành nên môi trường cho các cầu thủ. Một khi ông Calisto đã gọi Quyến, tức là ông cũng sẽ cho anh những cơ hội, và có thể dìu dắt không chỉ với tư cách là một HLV, trong khi ở Sông Lam, Quyến dường như còn bị “dìm”, ít cho ra sân, để hạ giá trị chuyển nhượng - lót tay. Nỗ lực: Trên giấy tờ, Văn Quyến năm nay 26 tuổi. Nhưng phải xét một cách nghiêm túc khi nói đến chuyện tuổi, bởi ở đây chúng ta không còn “ăn gian tuổi” để xây dựng đội hình đá các giải bóng đá trẻ nữa. Chuyện tuổi của Văn Quyến được đề cập với duy nhất một khía cạnh: độ trưởng thành về tính cách. Phải tính Văn Quyến như một người đã 28 tuổi, sinh năm 1982 chứ không phải 1984. Độ tuổi ấy với một cầu thủ, anh ta đã bước vào độ chín của sự nghiệp. Trên khía cạnh một con người, đã bắt đầu chững chạc trong suy nghĩ, đĩnh đạc về cách sống và ứng xử. Nói theo kiểu người ở quê, thì ở tuổi ấy, Quyến đã vợ con đề huề, là ông chủ của một gia đình rồi. Và lẽ thường, nói theo kiểu “xã hội”, thì những người đã va vấp, đã từng chịu sự phán xét của cả lương tâm và luật pháp, thì phải cứng cáp hơn bình thường. Có thể hy vọng Quyến sẽ có những (hoặc chỉ vài) điều nói trên để nhận biết rằng đây là một cơ hội thực sự, phải nắm bắt, để không chỉ trở lại mà thay đổi. Hãy cứ nói một cách kim tiền, đội tuyển giống như một cỗ máy đánh bóng tên tuổi, nâng giá cầu thủ lên vài lần khi họ trở về CLB và trở thành mục tiêu chuyển nhượng. Ông Calisto là người hay để ý tới “vòng 2” của các cầu thủ. Và ông đủ kinh nghiệm để biết rằng Quyến thừa cân, cơ bụng không đủ săn chắc (chỉ có múi mỡ) của một cầu thủ chuyên nghiệp. Ngày tập thứ hai của đội tuyển, ông Calisto cho Văn Quyến ra tập riêng, “đánh bụng” ở một góc sân, trong khi các cầu thủ khác tập với bóng. Và đấy mới chỉ là bước khởi đầu cho hành trình phục dựng lại một cầu thủ đẳng cấp khá hiếm hoi của BĐVN trong 10 năm qua. Phạm Tấn Nếu được nằm trong kế hoạch của ông Calisto, Văn Quyến sẽ chơi ở đâu và vị trí nào dành cho anh? Hãy còn quá sớm ở thời điểm hiện tại, nhưng có một khả năng lớn, là Quyến sẽ phải quen với một vai trò mới: tiền đạo cánh. Ông Calisto cho tới lúc này hầu như không có lý để thay đổi sự lựa chọn Việt Thắng đá cắm trên hàng công. Bản thân Quyến cũng không phù hợp với vị trí ấy-anh sinh ra không phải để chơi tì đè, càn lướt và hy sinh cho người khác tỏa sáng. Nếu được chơi ở đó, Quyến sẽ còn phải xếp sau Quang Hải. Như thế, Quyến sẽ phải cạnh tranh với những Thành Lương, Vũ Phong, Xuân Thành và cả Quang Hải (người chơi được khá nhiều vị trí). Có một khả năng là Quyến sẽ làm khán giả ở Cúp 1.000 năm Thăng Long cuối tháng này, hoặc khả dĩ nhất với anh là một vị trí dự bị, ở hành lang trái, để phát huy sở trường đi bóng vào trong tạo đột biến với cái chân phải sở trường.

Nguồn TT&VH: http://thethaovanhoa.vn/128n20100910144317101t128/pham-van-quyen-dang-cap-vo-hinh.htm