Phạm Duy lá đã rụng về cội

Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Mùa xuân Bính Tuất 1946, Văn Cao và Phạm Duy có cuộc hành trình ngược. Khi Văn Cao cùng Hà Đăng Ấn đi tàu lửa vào Quảng Ngãi bàn giao vũ khí và tiền cho Sở chỉ huy mặt trận Nam Bộ rồi trở ra để kịp đón Tết ở Hà Nội, thì Phạm Duy lại cùng đồng đội đi tàu lửa “Nam tiến” vào mặt trận Nam Bộ để rồi đêm Giao thừa năm ấy, đứng hát trước chiến sĩ tại Bà Rịa.

Cả hai đều không ngờ hành trình ngược ấy như là định mệnh của hai tài năng âm nhạc Việt Nam. Văn Cao dù qua rất nhiều thăng trầm đã trở thành tác giả “Quốc ca Việt Nam” và được truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật vào năm 1996. Vẫn cứ với hành trình ngược ấy, mùa xuân năm Bính Thân 1956, Văn Cao viết trường ca “Những người trên cửa biển” nổi tiếng ở Hà Nội, thì Phạm Duy cùng ban hợp ca Thăng Long hát “Xuân nồng” trên Đài Phát thanh Sài Gòn, sau khi đi tu nghiệp âm nhạc ở Paris về. Mùa xuân năm Bính Ngọ 1966, khi Văn Cao âm thầm viết bài thơ dài “Năm buổi sáng không có trong sự thật” vào cuốn sổ tay nhỏ tại căn nhà 108 Yết Kiêu - Hà Nội, thì Phạm Duy sau khi viết những “Tâm phẫn ca”, “Vỉa hè ca”, với tâm trạng bi uất về chiến tranh, lại tự giải tỏa mình bằng việc viết ca khúc “Kỷ niệm”: “Cho tôi lại ngày đầu …”. Mùa xuân Bính Thìn 1976, khi Văn Cao hứng khởi viết “Mùa xuân đầu tiên” - khúc khải huyền mê đắm của hòa hợp dân tộc: “Từ đây người biết thương người/ Từ đây người sống yêu người”, thì Phạm Duy lại ôm đàn hát an ủi những người Việt di tản trên đất Mỹ. Định mệnh dường như an bài họ, người thì yên nghỉ trên đất mẹ, người chắc sẽ đành nằm dưới nấm mồ xa xứ với tâm trạng một kẻ ly hương. Nhưng sự kỳ diệu của tình khoan dung, của lòng độ lượng luôn tiềm ẩn trong lòng dân tộc Việt Nam đã mang đến cho Phạm Duy một sự an bài khác. Giờ thì ông cũng đã yên nghỉ trên đất mẹ như Văn Cao, từ ba năm qua. Chỉ có khác Văn Cao nằm ở nghĩa trang Mai Dịch (Hà Nội), còn Phạm Duy nằm ở nghĩa trang Bình Dương.

Có thể nói sự kỳ diệu của khoan dung Việt Nam bắt đầu được khởi dậy trở lại từ khi đất nước bước vào thời kỳ Đổi mới từ 30 năm trước, vào cuối 1986. Trong hồi ký của mình, Phạm Duy có nói đến chuyện một người Mỹ thấy ông băn khoăn trong cuộc sống nơi xứ lạ, người ấy đã khuyên ông nên học một cái gì đó, để rồi có lúc sẽ trở lại quê hương. Sự thực, lời khuyên ấy đã được chứng nghiệm.

Trước khi Đổi mới, hầu như trong nước không ai dám đả động đến các văn nghệ sĩ xa xứ bằng nhiều con đường khác nhau, trong đó có Phạm Duy. Sự thật chiến tranh hai chiến tuyến dường như vẫn còn váng vất đâu đây, váng vất trong khói lửa cuộc tranh chấp hai phía biên giới Tây Nam và phía Bắc. Những đóng góp âm nhạc của Phạm Duy thời kháng chiến, đóng góp một cách xuất sắc thì người ta muốn quên đi hoặc chôn sâu tận đáy lòng. Những sáng tác của ông từ sau khi ông về thành cho đến năm 1975 thì vẫn đang nằm giữa những nhìn nhận nhiều chiều, trái chiều. Chỉ đến khi Đổi mới, lần đầu tiên, báo Đại Đoàn Kết in bài viết của tôi mang tên “Về một thời âm nhạc về một dòng âm nhạc” có nhắc đến Phạm Duy với những ca khúc trữ tình như “Về miền Trung”, “Bà mẹ Gio Linh”, “Bao giờ anh lấy được đồn Tây” (khi về Thành, Phạm Duy làm lời khác và lấy tên là “Quê nghèo”). Điều này cũng ngược với Văn Cao khi theo cách mạng thì viết lời khác cho “Bến xuân” và lấy tên là “Đàn chim Việt”). Bài báo ra vào lúc chúng ta muốn nhìn nhận lại giá trị những ca khúc trữ tình thời kỳ đầu Tân nhạc, mà suốt thời gian chiến tranh bi lụy kết là “nhạc vàng”, có lúc cực đoan gọi là “nhạc phản động” và cấm lưu hành. Ngay cả khi bài báo của tôi in ra, cũng rất nhiều ý kiến tranh luận. Những ngày đó, dần dà những ca khúc trữ tình của Văn Cao, Đoàn Chuẩn, Hoàng Giác, Nguyễn Thiện Tơ, Dương Thiệu Tước… được đón nhận trở lại như đồ cổ quý. Song Phạm Duy thì chưa. Chưa được đưa lên sân khấu, nhưng có thể hát chơi đâu đấy thì cũng coi như chuyện thường. Chỉ đến thế! Năm 1994, khi làm chương trình “Nửa thế kỷ bài hát Việt Nam”, Ban tổ chức rất muốn giới thiệu bài “Về miền Trung” của Phạm Duy và nhờ đến cả Bộ trưởng Trần Hoàn can thiệp, nhưng cuối cùng vẫn phải gác lại. Vẫn phải chờ đợi. Năm 1997, nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Sông Lô, tôi có viết bài “Sông Lô - 1 + 4” in trên báo Thể thao&Văn hóa. Ở bài viết, bên cạnh 3 bài Sông Lô đã rất nổi tiếng là “Trường ca sông Lô” của Văn Cao, “Lô gang” của Lương Ngọc Trác, “Chiến sĩ sông Lô” của Nguyễn Đình Phúc, tôi viết thêm về “Tiếng hát bên bờ sông Lô” của Phạm Duy. Lúc này, qua chương trình “Nửa thế kỷ bài hát Việt Nam”, Phạm Duy đã liên lạc với tôi qua thư từ và điện thoại, ông còn gửi cho tôi những tài liệu về ông qua bưu điện. Tôi nghĩ Mỹ bỏ cấm vận với Việt Nam, việc Phạm Duy về nước dần dà sẽ có lối đi. Và càng ngày càng rõ rệt hơn. Tuy nhiên, qua trao đổi, tôi biết ông rất sốt ruột. Nghệ sĩ mà. Nhưng làm sao có thể đốt cháy thời gian được. Mãi đến Tết Canh Thìn 2000, Phạm Duy mới được trở về Hà Nội sau nửa thế kỷ xa. Khi được tin ông về, tôi hứa sẽ lên sân bay đón ông. Trước ngày đó, Quốc Minh - một cán bộ công an bảo vệ văn hóa và là bạn của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, nói với tôi rất thực lòng về những băn khoăn của anh về trường hợp Phạm Duy. Tôi nói rằng, tôi đón nhạc sĩ Phạm Duy, chứ không có ý đi ngược lại những xem xét của họ về nhân thân xã hội của ông. Sáng ấy, cùng đi với tôi có Hoàng Kỳ - con trai nhà thơ Hoàng Cầm, thay mặt bố đón bác Phạm Duy. Lần đó về Hà Nội, qua tài tử Ngọc Bảo, Phạm Duy đã được ông Phạm Thế Duyệt - Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc - tiếp tại phòng khách Mặt trận ở cuối đường Tràng Thi. Buổi tiếp có thêm nhạc sĩ Trọng Bằng - Tổng thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam, nhạc sĩ Hồng Đăng - Phó Tổng thư ký Hội nhạc sĩ Việt Nam và tôi. Trong mạn đàm, Phạm Duy đề nghị với ông Phạm Thế Duyệt xin về nước cư trú. Tôi nhớ ông Phạm Thế Duyệt rất cởi mở trả lời rằng, chắc 5 năm nữa, ước muốn của Phạm Duy sẽ thành sự thật. Từ đấy, Phạm Duy thường xuyên về thăm nước. Tết Ất Dậu 2005, Phạm Duy ăn Tết tại Hà Nội. Tôi đưa ông đến dự buổi tất niên của Hội Nhạc sĩ Việt Nam tại 51 Trần Hưng Đạo. Bữa tất niên thật đầm ấm, có người đến 60 năm mới gặp lại Phạm Duy. Khi xưa đầu xanh, giờ đầu đã bạc trắng. Giữa năm 2005, Phạm Duy được về cư trú tại thành phố Hồ Chí Minh. Ông gọi máy cho tôi nói rằng, sau 30 năm, ông mới có được một giấc ngủ ngon lành.

Từ khi Phạm Duy trở về Việt Nam để an hưởng tuổi già, về phía Nhà nước, Cục Nghệ thuật biểu diễn cũng nhanh chóng cấp phép lưu hành một số ca khúc trữ tình của ông. Công ty Phương Nam cũng nhanh chóng mua tác quyền âm nhạc và văn học của Phạm Duy. Nhiều chương trình giới thiệu ca khúc Phạm Duy đã được biểu diễn ở Hà Nội. Qua từng năm, số ca khúc Phạm Duy được lưu hành ngày càng tăng. Những fan hâm mộ ông từ thời chống Pháp giờ mới được thưởng thức lại ông. Vui mừng về sự kỳ diệu của lòng khoan dung, Phạm Duy như trẻ lại nhiều tuổi, mặc dù ông đã bị bệnh tim nặng và đã từng mấy lần phẫu thuật ở Mỹ. Sự khoan dung này không chỉ dành riêng cho ông mà còn cho rất nhiều văn nghệ sĩ ở hải ngoại. Ở một phía khác, sự khoan dung còn được thể hiện như sự nhìn nhận lại đóng góp của Văn Cao, Đoàn Chuẩn, Hoàng Cầm, Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán, Nguyễn Hữu Đang… Năm 2007, Hoàng Cầm, Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán đã được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật. Cục Nghệ thuật biểu diễn cũng đã thẩm định và cho lưu hành một số ca khúc phản chiến của Trịnh Công Sơn. Sự khoan dung đã làm dịu nỗi đau trong tâm hồn không chỉ người xa xứ mà còn ở cả những người trong nước. Nó hiện diện như chính nhân bản và ngày càng lan tỏa mạnh mẽ trong mọi nhìn nhận, trong mọi ứng xử của các cơ quan nhà nước, trong đời sống nhân quần.

Cứ thế, Phạm Duy khi thì đăng đàn về tác phẩm “Minh họa Kiều” mà ông quen gọi là “Kiều ca”, khi thì đăng đàn về những ca khúc phổ thơ của ông, khi thì bày tỏ lòng mình trước khán giả khi thưởng thức chương trình ca khúc của ông. Nhiều CD ca khúc của ông được ấn hành. Nhiều cuốn sách của ông được xuất bản. Ông đã sống qua tuổi 90 lúc nào không hay, chính ông lại là người đưa tiễn Hoàng Cầm tại Hà Nội giữa năm 2010. Ông rất cảm động khi ca khúc “Phố buồn” của ông và “Chiều Kinh thành” của anh ông - nhạc sĩ Phạm Duy Nhượng được đưa vào “Tuyển tập 1.000 ca khúc Thăng Long - Hà Nội”, để rồi viên mãn từ trần vào đầu xuân Quý Tỵ 2013 trong tình khoan dung vô bờ bến của đất nước.

Cây cội nguồn Việt Nam là cây xanh đặc biệt. Do thăng trầm của lịch sử, nó rất nhiều cành nhánh đâm ngang nhiều phía. Nhưng với sức hút của lòng khoan dung, những chiếc lá số phận đa số vẫn tìm về cội mà rụng. Phạm Duy là một chiếc lá như thế!

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/lao-dong-cuoi-tuan/pham-duy-la-da-rung-ve-coi-516185.bld