Phá sản, sàng lọc và tạo dựng

Doanh nghiệp (DN) đang hoạt động khó khăn, tồn kho cao, mức nợ xấu lớn.

Nhìn lại 5 tháng đầu năm, tiền gửi tăng5,42%, tổng phương tiện thanh toán tăng 4,47%, nhưng tín dụng vẫn âm (-0,8%). Đáng chú ý, tín dụng đã âm tới 2% trong tháng 5, sau khi đã tăng gần 1,3% trong tháng 4.

Đọc E-paper

Đây là hiện tượng đảo nợ cho DN: Luồng vốn mới của các ngân hàng đã dùng thay nợ cũ, không phải cho nợ mới của các DN để sản xuất. Độ thẩm thấu tín dụng của các DN thấp, trong khi ngân hàng “khôn ngoan” tránh rủi ro bằng cách tránh cho DN vay mới, dồn tiền vào mua trái phiếu chính phủ (đã bán 7.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ trong phiên 11/5 mặc dù lãi suất năm xuống dưới 9%) hay tín phiếu NHNN (đã vượt con số 70.000 tỷ đồng vào giữa tháng 5).

Ngoài ra, hiện tượng đáng lo song hành là nguồn vốn cạn kiệt cho khu vực tư đang chảy vào đầu tư công - khu vực kém hiệu quả nhất: Dân gửi tiền tăng dù lãi suất xuống mạnh, tiền vào trái phiếu Chính phủ do ngân sách huy động để tăng chi tiêu công bởi Chính phủ và các DNNN. Như vậy, vấn đề bội chi ngân sách nhảy vọt, tăng nợ công sẽ xảy ra trong phần còn lại của năm2012. và đó là đi ngược lại Nghị quyết 13 vừa ban hành?

Thông tin mới nhất về tổng nợ 415.000 tỷ đồng của các DNNN, nhất là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, đã gây rúng động dân chúng, các định chế tài chính quốc tế và các nhà quan sát, phân tích chính sách. Sẽ cần một phân tích chi tiết về định lượng, về tác động trung hạn lên ổn định tài chính quốc gia cũng như bàn về giải pháp thực tiễn cho việc tái cơ cấu DNNN.

Điều này đặc biệt quan trọng khi có sự liên kết chặt chẽ giữa DN và các NHTM, có sự liên kết chặt chẽ giữa các DNNN và NHTM sở hữu bởi Nhà nước (mà thực chất là DNNN) và nợ công của Việt Nam nguy hiểm chủ yếu nằm trong các DNNN làm ăn thua lỗ đã nhận vốn vay từ các NHTM này.

Vấn đề nợ xấu của hệ thống ngân hàng và phí tổn của giải pháp tái cấp vốn, hay giải pháp xử lý qua một công ty mua bán nợ sắp được thành lập với số vốn 10.000 tỷ đồng và sẽ được điều hành trực tiếp bởi NHNN, đây sẽ là hai chủ đề chính cho vấn đề ổn định tài chính quốc gia trong lâu dài. Gói giải pháp của Chính phủ nhằm cứu DN trị giá khoảng 29.000 tỷ đồng.

Thực chất, nếu tính chi phí hỗ trợ thật mà DN được nhận, tổng số tiền chỉ khoảng 9.489,5 tỷ đồng, dự đoán làm tổng cầu tăng thêm không quá 0,8%. Gói giải pháp do đó chỉ có tác động làm giảm bớt khó khăn, giúp DN duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Để vực dậy nền kinh tế, Chính phủ cần có thêm các biện pháp nhằm kích thích sức mua của người dân và các cơ chế hỗ trợ để DN dễ dàng tiếp cận được vốn vay ưu đãi. Khi Chính phủ tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cần chọn những lĩnh vực ưu tiên trong chính sách mới: Kích thích sức mua bằng biện pháp giảm thuế thu nhập cá nhân, trợ cấp an sinh xã hội, giảm hoặc không thu các khoản phí trong năm nay, hỗ trợ người có thu nhập thấp; hỗ trợ công nghệ, vốn, kết nối với nhà tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.

Tiếp tục cải tổ hệ thống tài chính - ngân hàng, giảm lãi suất xuống thấp hơn nữa, bỏ lãi suất trần, giúp DN tiếp cận vốn dễ dàng hơn, đồng thời khiến người dân bớt gửi tiết kiệm mà thay vào đó là chi tiêu hoặc đầu tư trực tiếp vào nền kinh tế. Bên cạnh đó, Chính phủ cần đưa ra thông điệp điều hành ổn định (mức dự báo lãi suất, lạm phát) trong một vài năm tới nhằm giúp định hướng hành vi kinh tế.

Sự phá sản của các DN là một hệ lụy của chính sách tiền tệ thắt chặt, nhưng đó cũng là một sự sàng lọc, tạo ra thế hệ DN mới có kỹ năng quản lý rủi ro và hoạt động hiệu quả.

Để hỗ trợ sự hình thành thế hệ doanh nghiệp mới, Nhà nước cần nhanh chóng đơn giản hóa và lành mạnh hóa các biện pháp quản lý hành chính DN, từ việc thành lập đến quản lý DN, triệt tiêu cơ hội nơi có dấu hiệu tham nhũng tồn tại, tránh cho DN phải đóng các khoản phí không tên.

Nguồn DNSG: http://doanhnhansaigon.vn/online/dien-dan-doanh-nhan/thoi-su/2012/07/1066104/pha-san-sang-loc-va-tao-dung/