PGS Trần Lâm Biền: Không ai gọi rùa hồ Gươm bằng 'cụ' cả

Sự việc rùa hồ Gươm chết vào chiều 19.1 thu hút sự chú ý của dư luận và các nhà khoa học với nhiều ý kiến khác nhau.

Rùa ở hồ Gươm

Có thể bạn quan tâm

Báo điện tử Một Thế Giới đã có cuộc trò chuyện ngắn với PGS-TS Trần Lâm Biền là một trong những nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam, với các công trình nghiên cứu về văn hóa dân gian, tín ngưỡng tôn giáo Việt Nam về vấn đề này.

- Chào ông, sau khi có thông tin về rùa hồ Gươm chết và được bảo tồn, ý kiến của ông về việc này như thế nào?

Theo tôi được biết không ai gọi con rùa đó là “cụ” rùa cả, chỉ có mỗi ông Hà Đình Đức gọi con rùa đó là “cụ” thôi. Không ai định tuổi được con rùa đó cả nên đừng “bịa” rằng nó có từ thời Lê Sơ, gắn với Lê Lợi, hoàn toàn không có chứng cớ về mặt khoa học.

Việc một con rùa chết, có lẽ chỉ có mỗi PGS Hà Đình Đức coi là "cụ" và để tang mà thôi. Các nhà khoa học không ai coi con rùa đó là "cụ" cả.

- Vậy con rùa biểu tượng cho điều gì, thưa ông?

Biểu tượng của con rùa lúc nào cũng có 2 mặt, mặt tích cực và mặt tiêu cực. Mặt tích cực là nó gắn với thần bảo tồn trong thần thoại, còn ở Việt Nam nó gắn với thần Kim Quy. Ý nghĩa tích cực của nó là có mái khum, tượng trưng cho bầu trời, bụng nó phẳng tượng trưng cho mặt đất. Và cái nhà sàn người Việt ở chính là biểu tượng bắt nguồn từ hình tượng con rùa, mang ý nghĩa vững chắc. Con người sống trong nhà sàn đó là sống trong nguồn sinh lực nối giữa trời và đất nên người ta cảm thấy hạnh phúc, khỏe mạnh.

PGS-TS Trần Lâm Biền

Còn ý nghĩa tiêu cực về rùa đó chính là rùa và rắn là 2 con vật thủy quái luôn luôn dâng nước làm lũ lụt. Cả người Á Đông đều có ý chống lại việc đó. Biểu hiện đầu tiên của việc chống lại đó gắn với ông Lý Ông Trọng, ông ấy đã thò tay xuống nước khoắng đưa con rùa (còn được gọi là con giải) đó lên vì nó dâng nước phá đê.

Ở Hà Nội, người ta còn kể sự tích rùa dâng nước làm lụt lội cả vùng ấy và khi đó người ta gọi là hồ Lục Thủy - một cái hồ rất to, nay đã bị thu hẹp lại và người ta gọi là hồ Gươm. Còn sự tích “trả gươm cho rùa” của ông cha ta chính là sự huyền thoại hóa việc sống chung với lũ lụt để phát triển nghề nông nghiệp ở thời Lê Sơ. Đó chính là sự tích văn nghệ hóa, huyền thoại hóa của ông cha ta kể cho con cháu sau này mà thôi.

- Nhưng thông tin về con rùa trong hồ Gươm đã chết gây nhiều sự chú ý trong dư luận, thậm chí có người còn nói đến tâm linh?

Người dân Hà Nội nhìn con rùa hồ Gươm như là một kỷ niệm, là một con vật mà họ thường gặp nên họ yêu quý. Bởi lẽ nó đã được thuần dưỡng. Nó giống như thể con chó nào ban đầu cũng là chó sói, nhưng khi được thuần dưỡng thì thành chó cưng. Con rùa này cũng vậy. Sống lâu thì có tình cảm, quen thuộc thì thấy thân thương, nên nó chết tất nhiên là người dân Hà Nội sẽ cảm thấy thiếu vắng mà thôi.

- Cảm ơn ông!

Minh Khuê

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/khoa-hoc-giao-duc/pgs-tran-lam-bien-khong-ai-goi-rua-ho-guom-bang-cu-ca-280767.html