Ông già Đan Mạch và người vợ bán chôm chôm 20 năm ăn tết Việt

Hai mươi năm sống và làm việc ở Việt Nam, ông Kurt Lender Jensen khá am hiểu ý nghĩa của tết Việt thông qua người vợ.

Ông bà Kurt hạnh phúc bên căn nhà nhỏ của mình tết này - Ảnh: Quốc Hanh

Vào năm 1992, trong một chuyến đi công tác ở TP.HCM, ông Kurt (sinh năm 1938, làm việc ở Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam) gặp và kết hôn với bà Tiêu Thị Ngọc Sang (sinh năm 1947, quê Quảng Ngãi), một người bán chôm chôm ở vỉa hè.

Sau khi nghỉ hưu, với sự trợ giúp của Đại sứ quán Đan Mạch, ông Kurt quay trở lại Việt Nam, giúp đỡ những địa phương mà ông từng đi qua xây dựng được 24 cây cầu treo, 6 ngôi trường cho trẻ em nghèo khó.

“Mỗi cái tết Việt đều để lại cho tôi một kỷ niệm đáng nhớ. Có năm chúng tôi đón tết ở Đắk Lắk, năm thì ở Lâm Đồng, Khánh Hòa... Đây là năm thứ ba vợ chồng tôi đón tết ở Bình Thuận với nhiều tin vui”, ông Kurt tâm sự.

Ngồi bên cạnh, bà Sang chen vào: “Ban đầu, ông ấy ngạc nhiên khi thấy người Việt chuẩn bị và nghỉ hẳn nhiều ngày để đón tết. Nhưng sau khi hiểu được ý nghĩa của ngày tết, đến ngày cận tết ông ấy thường giúp tôi chuẩn bị thức ăn cho những ngày xuân rất tươm tất. Vì kén ăn, nên bên cạnh món cổ truyền là bánh tét, tết nào tôi cũng phải chuẩn bị thịt nướng, khoai tây và cà phê... Đó là những món khoái khẩu của ông ấy”.

Từ thời trai trẻ, ông Kurt đam mê đi biển, đặt chân đến nhiều nước trên thế giới nên tiếp cận các văn hóa ẩm thực khác nhau. Bà Sang kể rằng mỗi sáng ông thích uống cà phê gói và dùng bánh mì. Món thứ hai mà ông thích là bún bò Huế, thịt nướng. Lần đầu tiên ăn bánh tét cũng là lần đầu ông Kurt biết món ăn cổ truyền chỉ có ở tết người Việt. “Tôi nhớ mãi hình ảnh khi ông ấy cầm nĩa ăn bánh tét lần đầu. Nhìn nó tức cười làm sao. Dù ăn lần đầu, nhưng ông bảo ngon, giống như ăn nhiều lần rồi”, bà Sang kể.

Khác với những năm trước, đây là năm đầu tiên mà hai vợ chồng ông Kurt được đón tết trong căn nhà của mình, mảnh vườn của chính mình theo đúng nghĩa, ở xã Chí Công, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.

Ngày 30.9.2015, UBND huyện đã trao sổ đỏ với diện tích đất 1,3 ha mang tên chung hai ông bà. “Khi nghe tin được chính quyền cấp sổ đỏ cho khu đất mà vợ chồng tôi đã mua, chúng tôi mừng lắm, quên cả ăn sáng. Tết này ông ấy vui lắm”, bà Sang khoe. Chưa hết, các thanh niên tình nguyện thuộc Huyện đoàn Tuy Phong còn đến giúp ông bà rào lại mảnh đất.

Những ngày cuối năm, khi đến thăm ông bà Kurt, mọi người vẫn thấy ông đội nón tai bèo đi chăm sóc từng cây xoài, cây dừa mới trồng; lấy nước cho đàn gà con mới nở uống. Khu vườn nhà ông đã xanh tươi hơn và có nhiều hoa vàng nở rực. Bà Sang vẫn tất bật bên bếp lo từng bữa ăn cho ông. Hạnh phúc của ông bà trở thành điều giản dị, bình thường như bao người dân sở tại.

Từ tết này, “ông già Đan Mạch” và vợ ông - “người phụ nữ bán chôm chôm” của mấy chục năm trước, đã trở thành công dân thực thụ của miền đất đầy nắng và gió Tuy Phong.

Quế Hà

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/thoi-su/ong-gia-dan-mach-va-nguoi-vo-ban-chom-chom-20-nam-an-tet-viet-665026.html