Ông Vũ Ngọc Hoàng: Nền kinh tế chủ yếu vẫn phải là kinh tế tư nhân

VietTimes -- “Thành phần chính của nền kinh tế vẫn phải là kinh tế tư nhân. Kinh tế tư nhân phát triển đến một giai đoạn nhất định nó sẽ vượt ra ngoài chính nó và chuyển sang kinh tế cổ phần”- Đó là phân tích của ông Vũ Ngọc Hoàng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương với VietTimes.

Ông Vũ Ngọc Hoàng

Trong báo của Chính phủ được trình bày tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 11, QH khóa XIII vẫn khẳng định chúng ta phát triển nền “kinh tế thị trường định hướng XHCN”. 30 năm qua chúng ta đã loay hoay với khái niệm này. Báo cáo tại Đại hội Đảng XII vừa qua Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn yêu cầu “tiếp tục nghiên cứu để làm rõ hơn, về mặt lý luận, “Kinh tế thị trường định hướng XHCN”. Vậy phải hiểu vấn đề này như thế nào?

- Trước hết phải hiểu XHCN là gì? Hiện nay, trong tư duy của không ít người vẫn còn nhiều điểm không đúng. Theo chỗ tôi hiểu, tư duy của K. Marx là: lịch sử nhân loại phát triển một cách tự nhiên, theo chiều hướng tiến bộ dần lên. Đầu tiên là nguyên thủy, phát triển lên thành nô lệ, rồi phong kiến, phát triển lên thành tư bản và cuối cùng là XHCN. K. Marx cho rằng CNTB phát triển đến một thời điểm “nó không còn là nó” nữa thì trở thành XHCN. Như vậy, kinh tế thị trường chủ yếu khác nhau ở trình độ phát triển.

Ở thời kỳ đầu của CNTB, nhà nước là của giới tài phiệt, thì ngày nay, ở nhiều nước, nhà nước đang chuyển dần thành của dân. Hiện nay chúng ta đang gọi một số nước phát triển ở Bắc Âu là các nước tư bản. Ta gọi ta là XHCN. Trung Quốc gọi Trung Quốc là XHCN (tất nhiên là nói tắt). Nhưng nếu xét về nhiều tiêu chí thì rõ ràng các nước Bắc Âu phát triển hơn rất nhiều. Họ gần với CNXH hơn ta.

Tôi nghĩ nên phân loại thế giới theo cách mới là: các nước chưa phát triển, các nước đang phát triển, các nước phát triển và các nước phát triển cao. “Anh” nào đạt được phát triển cao thì “anh” đó là XHCN. Như nước ta là loại thứ nhì, còn các nước tư bản phát triển là loại thứ ba, còn loại thứ tư thì thế giới chưa có.

Như vậy, theo trình tự: Nước ta đang thuộc nhóm hai, muốn lên được nhóm bốn thì phải qua nhóm ba.

Trong 30 năm qua các nhà lý luận nước ta đã bàn luận rất nhiều và xem ra sẽ vẫn còn phải bàn luận nữa về khái niệm “kinh tế thị trường định hướng XHCN”. Tuy nhiên, có một điều thú vị là từ lâu chúng ta đã xác định mục tiêu là xây dựng một xã hội “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đó cũng là khẩu hiệu lớn được treo tại Hội trường Đại hội Đảng XII. Đi đến mục tiêu đó có nhất thiết chỉ có một con đường là “định hướng XHCN” không, thưa ông?

- Có lần tôi đã phát biểu, chúng ta muốn giữ cụm từ “định hướng XHCN” thì nên thêm từ VỚI sau cụm từ “kinh tế thị trường”. “Kinh tế thị trường với định hướng XHCN”.

Lâu nay nói “kinh tế thị trường định hướng XHCN”, tức là đã đưa nội hàm “định hướng XHCN” vào trong nội hàm “kinh tế thị trường”, còn nếu thêm từ VỚI vào thì có thể ngắt ra làm hai mệnh đề gắn với nhau.

Cụm từ “kinh tế thị trường” là khái niệm được quốc tế hóa rồi. Còn về mặt lý luận thì lâu nay người ta cũng đã tranh luận nhiều, đưa ra nhiều khái niệm rồi. Nào là “kinh tế thị trường tự do”, “kinh tế thị trường xã hội”. Trung Quốc thì đưa ra “kinh tế thị trường XHCN”. Chúng ta thì “kinh tế thị trường định hướng XHCN”, rồi còn có khái niệm “kinh tế thị trường hội nhập”, “kinh tế thị trường hiện đại”... Những khái niệm như vậy, muốn nghiên cứu thì cứ nghiên cứu, nhưng khái niệm đã được quốc tế hóa và dùng trong các văn bản quốc tế là “kinh tế thị trường”. Cứ dùng như vậy là ngắn gọn nhất.

Lâu nay tại các diễn đàn quốc tế hoặc trong các cuộc làm việc với các nhà lãnh đạo các nước phát triển chúng ta đều yêu cầu họ công nhận nước ta có nền kinh tế thị trường. Vậy, chúng ta muốn họ công nhận nền kinh tế thị trường “đã được quốc tế hóa”như ông nói hay nền “kinh tế thị trường định hướng XHCN”?

- Mình yêu cầu các nước công nhận mình là kinh tế thị trường, chứ không thể yêu cầu các nước công nhận “kinh tế thị trường định hướng XHCN” được, vì thực ra, chưa chắc họ đã hiểu thế nào là “kinh tế thị trường định hướng XHCN”.

Theo tôi, đã đến lúc chúng ta nên hiểu là nếu muốn có một nước XHCN thì phải phát triển hơn, dân chủ hơn, tự do hơn, nhân văn hơn, sự phân hóa giàu nghèo ít hơn so với các nước mà ta gọi họ là tư bản.

Khái niệm “đinh hướng XHCN” không đơn thuần chỉ là… khái niệm, mà nó dẫn đến hệ quả là “kinh tế nhà nước phải là chủ đạo” trong nền kinh tế thị trường. Liệu có mâu thuẫn không?

- Lâu nay chúng ta đang lẫn lộn khái niệm kinh tế nhà nước (KTNN) và doanh nghiệp nhà nước (DNNN); coi DNNN đồng nghĩa với KTNN. Thực ra thì kinh tế doanh nghiệp và KTNN là hai phạm trù khác nhau, nằm ngoài nhau, chỉ quan hệ với nhau ở chỗ nộp và thu thuế.

Thứ nữa, “anh” nói bình đẳng các thành phần- điều này đúng, nhưng “anh” lại nói thành phần này (tức DNNN-NV) chủ đạo, thành phần kia không chủ đạo là dẫn đến mâu thuẩn về logic trong tư duy. Nên theo tôi là phải tách ra, DNNN là chuyện khác, còn KTNN là chuyện khác. Nhà nước làm nhiệm vụ quản lý chung, trong đó có quản lý ngân sách, thu thuế. Nhà nước không kinh doanh. Còn DNNN thì bình đẳng như mọi thành phần kinh tế khác.

Vậy KTNN và DNNN sẽ đảm nhận vai trò gì trong nền kinh tế quốc dân?

- Về nguyên tắc thì doanh nghiệp nhà nước chỉ làm những gì rất cần thiết nhưng người dân không làm được hoặc không muốn làm. Theo tôi, DNNN làm thứ rất cần cho phục vụ Quốc phòng. Thứ nữa là làm nhiệm vụ “bà đỡ”. Nghĩa là những ngành cực kỳ quan trọng, cần phải có, nhưng tư nhân không chịu đầu tư vì tính mạo hiểm cao, thì nhà nước làm. Nhưng nhà nước cũng chỉ nên đầu tư ban đầu, “đẻ ra”, sau đó bán lại chứ không phải Nhà nước giữ lại để kinh doanh lâu dài.

Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng XI, tôi có nói cần cổ phần hóa mạnh dạn đi, cổ phần hóa “bằng hết” thì thôi. Nhưng cổ phần hóa không có nghĩa là biến thành của tư nhân theo kiểu “lợi ích nhóm”, để tư nhân lợi còn nhà nước thì thiệt. Còn nhà nước chỉ tập trung hai việc. Thứ nhất, làm ra luật và thực thi pháp luật về kinh tế. Thứ hai, quản lý ngân sách và xây dựng các quỹ tài chính tập trung của nhà nước. Các quỹ tập trung để điều tiết nền kinh tế.

Trước đây ta nói rằng doanh nghiệp nhà nước là phương tiện vật chất để điều tiết nền kinh tế. Đây là tư duy không thực tế. Chỉ có quỹ tập trung khi cần mới điều tiết được.

Như vậy, thành phần chính của nền kinh tế vẫn phải là kinh tế tư nhân. Kinh tế tư nhân phát triển đến một giai đoạn nhất định nó sẽ vượt ra ngoài chính nó thì sang kinh tế cổ phần. Điều này là do yêu cầu của bản thân các doanh nghiệp chứ không phải ai ép cả. Khi phổ biến kinh tế cổ phần (và sở hữu xã hội) thì vị trí của “ông chủ” bắt đầu thay đổi. Điều này như K. Marx đã dự đoán là xã hội mới sẽ ra đời (XHCN).

Xin cám ơn ông!

Nguồn VietTimes: http://viettimes.vn/viet-nam/thoi-su-chinh-tri/ong-vu-ngoc-hoang-nen-kinh-te-chu-yeu-van-phai-la-kinh-te-tu-nhan-46216.html