Ông Hồ Xuân Mãn có cướp công? - Bài 1: Nhân chứng một thời

"Em đi đâu cũng nghe người ta bàn chuyện báo chí viết về anh Hồ Xuân Mãn. Theo em, với kinh nghiệm của mình anh nên tìm hiểu sự việc thế nào. Có phải anh Hồ Xuân Mãn là "người cướp công của đồng đội?”. Đó là E-mail của đồng nghiệp gửi cho tôi sau khi bài viết của nhà văn Nguyễn Quang Hà có tựa đề "Về lại Phong Điền” đã được photo phát tán nhiều nơi làm dấy lên sự hoài nghi, lo lắng về nhân phẩm, đạo đức và thậm chí bôi nhọ thanh danh của một con người từng là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế 2 nhiệm kỳ. Vì thế, chúng tôi đã vào cuộc tìm hiểu sự thật.

Giấy chứng nhận Dũng sĩ, Chiến sĩ thi đua

trong những năm chiến tranh mà ông Hồ Xuân Mãn còn lưu

Ông Hồ Xuân Mãn, sinh năm 1949, quê ở thôn Phò Ninh, xã Phong An, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế; tham gia cách mạng khi 14 tuổi, đến năm 1967 thì thoát ly gia đình, trực tiếp cầm súng đánh giặc. Trong những năm chiến tranh, từ một chiến sĩ an ninh vũ trang tỉnh Thừa Thiên, ông làm Đội trưởng Trinh sát an ninh vũ trang Ban An ninh huyện Phong Điền. Từ năm 1973 cho đến ngày quê hương Thừa Thiên - Huế giải phóng (26-3-1975), ông Hồ Xuân Mãn là Trưởng ban An ninh kiêm Xã đội trưởng xã Phong An, huyện Phong Điền. Suốt thời gian 5 năm (1970 -1975) bám dân, bám đất và kề vai sát cánh cùng đồng chí, đồng đội, ông Hồ Xuân Mãn đã lập nhiều chiến công xuất sắc và góp phần tạo nên vành đai Sơn - An - Nguyên diệt Mỹ nổi tiếng.

Năm 1994, tại khách sạn Hương Giang (Huế), thấy ông Lê Việt Hà (Trưởng Công an TP. Huế) gọi, xưng hô rất thân mật với ông Hồ Xuân Mãn (Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy), tôi hỏi: "Hai anh đã thân nhau à?”. Ông Lê Việt Hà cho biết: "Từ giữa năm 1968, ở vùng thượng nguồn sông Bồ, trên đường đi công tác, bọn mình gặp biệt kích Mỹ”. Rồi chỉ vào ông Hồ Xuân Mãn đang ngồi đối diện, ông Hà khẳng định: "Chính anh Mãn đã cõng và cứu mình thoát chết. Nghĩa tình sâu đậm lắm, không ở trong cuộc không biết mô!”.

Đại tá Nguyễn Việt Hùng - nguyên Giám thị Trại giam Bình Điền, quê ở xã Thủy Vân, thị xã Hương Thủy nhớ lại: "Toán chúng tôi có 3 người. Anh Lê Việt Hà đi đầu, kế đến là tôi và anh Hồ Xuân Mãn. Trong khi chúng tôi đang leo dốc thì địch bất ngờ nổ súng. Anh Hà kêu thất thanh: -Hùng ơi, mình bị thương rồi! Tôi hỏi anh Mãn: Anh Hà bị thương thì mần răng?Anh Mãn nói: -Phải đưa lui và cấp cứu ngay! Trong khi chúng tôi thay nhau cõng tìm nơi để vừa tránh địch vừa tiến hành băng bó vết thương thì anh Lê Việt Hà trăng trối: "Đ/c Lớn đang nợ tôi mấy chục triệu” (tiền của chế độ cũ, anh Hà ứng để về đồng bằng mua gạo cho đơn vị) và hô khẩu hiệu: Đảng Lao động muôn năm! Hồ Chủ tịch muôn năm! Hô đến lần thứ 3 thì anh Hà ngất lịm. Chúng tôi tưởng anh Lê Việt Hà đã hy sinh nên đem giấu vào một bụi rậm rồi tìm đường trở lại đơn vị, bởi lúc này địch đã gọi máy bay đến oanh kích rất dữ dội. Sáng hôm sau chúng tôi được đơn vị phân công quay trở lại tìm kiếm anh Lê Việt Hà. Ngoài 2 chúng tôi còn có thêm anh Hồ Văn Ninh, sau này là Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh Thừa Thiên - Huế (vừa nghỉ hưu). Tìm mãi không thấy, anh Mãn ngại rằng, không lẽ ngửi được mùi máu, cọp đã tha xác anh Hà? Dù vậy, cả mấy anh em chúng tôi phân nhau tìm kiếm, nếu hy sinh thì phải tìm cho được thi thể của anh Lê Việt Hà để mai táng và báo cáo cho đơn vị. Hóa ra nửa đêm tỉnh lại, anh Lê Việt Hà đã bò đi tìm nước uống và bị ngất xỉu nên nằm lại bên bụi lá nón, gần bờ khe. Anh Lê Việt Hà thoát chết trong hoàn cảnh ấy”.

Trong hồi ký của mình, ông Lê Sáu, quê ở huyện Phú Lộc, nguyên Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên, nguyên Bí thư Huyện ủy Phong Điền thuật lại: "Ngày 6-9-1969, tôi được Thường vụ Khu ủy Trị Thiên - Huế điều động trở lại Phong - Quảng Điền thay đồng chí Vũ Thắng (sau này là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế) làm Bí thư Huyện ủy Phong Điền phụ trách Quảng Điền. Đầu năm 1970, sau khi đồng chí Hồ Xuân Mãn dự học lớp nghiệp vụ An ninh ở Quảng Bình vào, theo đề nghị của tôi, đồng chí Tư Minh - Phó Bí thư Khu ủy, Trưởng ban An ninh Khu đồng ý không để đồng chí Hồ Xuân Mãn về lại đơn vị cũ mà chuyển về công tác tại Ban An ninh huyện Phong Điền do tôi làm Trưởng ban. Mãi đến khi đồng chí Ngô Văn Viện (cần vụ) bị thương mới chọn đồng chí Hồ Xuân Mãn làm thư ký và bảo vệ cho tôi. Lớp học nghiệp vụ An ninh 3 tháng được tổ chức tại xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình do ông Hồng Lam, cán bộ An ninh Khu ủy Trị Thiên - Huế phụ trách. Đồng chí Nguyễn Đình Bảy - Phó Ban An ninh Khu ủy Trị Thiên - Huế; Vĩnh Thành - Trưởng Ty Công an Đặc khu Vĩnh Linh cùng nhiều cán bộ của C500 được Bộ Công An cử vào tham gia giảng dạy. Lớp học chỉ có 2 trung đội. Một do ông Ngọc Anh (quê Hương Trà, chồng của chị Lành, nguyên Phó Chủ tịch UBMTTQ Huế) làm Trung đội trưởng. Trung đội còn lại do ông Hồ Xuân Mãn làm Trung đội trưởng. Số học viên nay chỉ còn vài người như: ông Nguyện (nguyên Phó Phòng Tổ chức Công an Thừa Thiên - Huế), ông Cựu (Công an Phong Điền), bà Điền, bà Hợi (Công an Hương Điền cũ), ông Cống (Công an Quảng Điền), ông Kiên (Công an Phú Lộc), ông Nguyễn Việt Hùng (nguyên Giám thị Trại giam Bình Điền), chị Lê Thị Thu (nguyên Phó Chánh Văn phòng UBMTTQ tỉnh Thừa Thiên - Huế)... Cuối năm 1970, Thường vụ Huyện ủy Phong Điều quyết định cử đồng chí Hồ Xuân Mãn làm Đội trưởng Trinh sát An ninh ở Phong An - Phong Sơn”.

Ông Ngô Kha, quê ở Quảng Trị, sau khi tốt nghiệp Đại học, năm 1964 đã vào chiến trường Thừa Thiên - Huế công tác. Trong những năm chiến tranh, ông Phụ trách Báo Cờ giải phóng, Bí thư Đảng ủy Ban Tuyên huấn Thừa Thiên. Ông Ngô Kha cho biết: "Hễ lần nào tỉnh mở Đại hội chiến sĩ thi đua thì lần đó đều có anh Hồ Xuân Mãn tham dự. Tôi biết rõ điều này vì tôi được phân công viết giúp bản báo cáo thành tích cho anh Mãn và nhiều người khác. Năm 1973, sau Đại hội thi đua của tỉnh Thừa Thiên, một số cán bộ tiêu biểu được chọn đi dự Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua tổng kết 18 năm chống Mỹ của Quân khu Trị Thiên - Huế tổ chức ở Cồn Tiên - Quảng Trị. Ông Ngô Kha là đại biểu chính thức. Nhà văn Tô Nhuận Vỹ tham dự Đại hội với tư cách là phóng viên Tạp chí Văn nghệ Trị Thiên - Huế vừa mới thành lập”.

Ông Hồ Viết Lễ - nguyên Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Thương mại Thừa Thiên - Huế, một trong những Chiến sĩ thi đua tham dự Đại hội ở Cồn Tiên nhớ lại: "Theo kế hoạch, tôi được phân công báo cáo điển hình xã T.(tức Phú Thạnh - Phú Đa ngày nay), anh Nguyễn Văn Thạnh báo cáo điển hình xã M. (tức Mỹ Thủy - Thủy Phương), anh Hồ Xuân Mãn báo cáo điển hình xã A. (tức xã Phong An).”

Ngoài 3 lần tham dự Đại hội chiến sĩ thi đua, ông Hồ Xuân Mãn từng đã có 33 lần được tặng danh hiệu Dũng sĩ, 3 Huân chương Chiến công hạng Ba, 3 Huân chương Giải phóng các hạng và 1 Huân chương Quyết thắng, 3 huy hiệu Chiến sĩ thi đua, nhiều bằng khen và cả giấy chứng nhận danh hiệu "Tấn công, nổi dậy, anh dũng, kiên cường”.

Trong những chiến công xuất sắc của ông Hồ Xuân Mãn, theo ông Lê Sáu thì việc ông Hồ Xuân Mãn phối hợp với lực lượng của 2 xã Phong An -Phong Sơn vào đầu tháng 10-1972 diệt được tên ác ôn khét tiếng (xin không nêu tên) là vang dội nhất, vì tên này có đặc điểm là sau khi sát hại cán bộ, du kích của ta, hắn tự xẻo tai rồi đeo lên cổ. Hắn khoe đã giết được 82 cán bộ, du kích Phong - Quảng nằm vùng. Trong hồi ký của mình, ông Lê Sáu còn dẫn nhiều trường hợp anh Hồ Xuân Mãn đã cùng đồng đội tham gia diệt ác trừ gian và tổ chức đánh địch rất cụ thể, nhưng vì đó là chiến tranh và phần lớn vợ con họ hiện đang còn sống, có những người cùng quê; hơn nữa Đảng ta chủ trương khép lại quá khứ nên ông Lê Sáu không đồng ý nêu cụ thể.

Hữu Thu-Bảo Hân

[Bài 2: Những chiến công thầm lặng]

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=59848&menu=1390&style=1