“Ông Bụt” trên đỉnh Mồ Côi

Gần 50 tuổi rồi mà ông Nguyễn Tấn Bông (ngụ xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) vẫn nhất quyết không chịu lấy vợ để dành toàn thời gian, công sức chăm lo cho 12 đứa con nuôi

1. Năm 1987, chàng thanh niên Nguyễn Tấn Bông trở về quê hương sau thời gian dài tham gia quân tình nguyện Việt Nam làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia. Bằng sức trẻ và uy tín của người lính, anh được tín nhiệm cho giữ chức Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ.

Đến năm 1989, bà Võ Thị Ba (mẹ ruột anh Bông) muốn về vùng Bảy Núi, đặc biệt là địa danh núi Cấm (xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) để tham quan vãn cảnh. Mặc dù công việc bộn bề nhưng vốn tính hiếu thảo, anh Bông đã thu xếp thời gian chở mẹ đi một lần cho thỏa ước nguyện. Bám chặt tay con rồi lần theo lối mòn lên đỉnh núi Cấm, bà Ba thủ thỉ với con trai: “Nếu như có duyên, má sẽ bán nhà ở dưới quê để lên đây mua đất cất nhà, lập vườn trồng rau cải, cây ăn trái để hưởng cuộc sống thanh nhàn tuổi già”.

Hai năm sau đó, do thấy mẹ già cứ ngày đêm nhắc nhớ về núi Cấm nên anh Bông quyết định nghỉ việc tại đơn vị, trở lại tìm gặp một vài người quen trên đỉnh núi để mua đất. Cuối cùng, anh Bông cũng có được 4 ha đất nằm heo hút bên kia vách núi mà người dân thường gọi là vồ Mồ Côi. Hay tin, mẹ anh mừng rơi nước mắt rồi gọi các con lại bàn chuyện bán nhà để lên núi sống. “Má muốn đi đâu thì con phải theo đó. Vả lại, con đã từng quen sống với cảnh núi rừng trong thời gian đi bộ đội nên con cũng không ngại khó khăn để lo cho má” - anh Bông đáp lời mẹ.

2.Thời gian đầu mới đến ở, anh Bông phải đi gánh thuê đồ rẫy như chuối, măng, su hào, mít... để có tiền trang trải cho cuộc sống ở chốn thâm sơn cùng cốc này. Thế nhưng, điều kiện sống ở đây luôn thách thức sự chịu đựng của con người vì mỗi năm chỉ có được nguồn nước giếng sinh hoạt trong 2 tháng mùa mưa. Cuộc sống đúng là thanh nhàn nhưng cũng lắm khắc nghiệt.

Sau mỗi lần gánh đồ rẫy xuống, anh Bông phải đi xin nước giếng để gánh ngược lên núi. Dường như đất không phụ lòng người nên chỉ vài năm cần mẫn bên khu vườn theo kiểu vừa làm vừa học, anh cũng thu được thành quả đáng kể. Trung bình mỗi tuần, anh Bông tự gánh đồ rẫy xuống núi bán rồi sắm cũng được cả chỉ vàng.

Vào đầu năm 2001, anh Bông chở mẹ về quê thăm người em họ. Tại đây, anh nghe được câu chuyện về một phụ nữ quê ở Sóc Trăng dẫn theo đứa bé 8 tuổi và đang cần số tiền khá lớn cho ca mổ bắt con tại Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ.

Với lòng thương người, anh Bông cùng mẹ vào ngay bệnh viện giúp cho sản phụ này gần 5 triệu đồng để “vượt cạn”. Sau đó, sản phụ này giao đứa bé sơ sinh cho anh nuôi dưỡng vì gia đình chị quá nghèo mà chồng lại bỏ đi lấy vợ khác.

Chưa từng lấy vợ, có con nhưng cảm thông với hoàn cảnh của chị, anh cũng đồng ý nhận đứa bé làm con nuôi và gửi thêm cho mẹ cháu 2 triệu đồng để có vốn làm ăn. “Cái quý nhất chính là vào thời điểm đó, tôi có xin được giấy CMND của chị ấy để khi đứa bé lớn lên và đủ 18 tuổi thì nó có thể tìm lại mẹ mình” - anh Bông nhớ lại.

Sau này, anh Bông còn thường xuyên liên hệ với Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ để xin tiếp nhận những trường hợp tương tự hoặc trẻ bị bỏ rơi sau khi sinh. Từ năm 2001 đến 2006, anh Bông lần lượt làm cha bất đắc dĩ của 11 đứa trẻ sơ sinh có hoàn cảnh đặc biệt như vậy trong mái nhà đơn sơ trên đỉnh vồ Mồ Côi. Khó khăn và tốn kém nhất đối với anh Bông vào thời điểm này là do anh nhận nuôi một bé trai bị bệnh não úng thủy. Anh đã chi đến hàng chục triệu đồng để chạy chữa thuốc thang nhưng đứa bé cũng chỉ sống được đúng 33 tháng.

Mỗi lần nhận thêm một đứa trẻ, anh lại ra sức làm lụng nhiều hơn để có đủ tiền mua sữa, gạo và quần áo cho các con. Bao nhiêu tiền bạc dành dụm từ trước đó được 10 cây vàng cũng dần cạn kiệt. Chỉ trong vòng 5 năm thôi mà số lượng vỏ lon sữa và giấy tã đã lấp đầy cả hố bom ở phía sau nhà nên nhiều người nhìn thấy vậy cũng thương. “Có người nói tôi cứ lo chuyện bao đồng chi cho khổ nhưng mình nghĩ rằng hễ là người Việt Nam thì ai cũng có trái tim nhân ái nên không thể làm ngơ trước những mảnh đời bất hạnh” - anh Bông chia sẻ.

3. Như một phép mầu, vào năm 2009, một Việt kiều tìm về đây và ngỏ ý muốn đưa đại gia đình mồ côi này xuống núi sinh sống. Vị ân nhân hỗ trợ tiền mua đất rồi xây căn nhà kiên cố dưới chân núi Cấm với tổng trị giá gần 600 triệu đồng. Sau khi có được cơ ngơi ấm cúng cũng như không còn phải đi gánh nước vất vả để cho các con tắm, từ năm 2009-2013, anh Bông nhận thêm 2 trẻ sơ sinh về đây nuôi dưỡng, trong đó có một bé gái sinh non tháng nên chỉ nặng có 1,3 kg. Hiện bé gái này đã hơn 6 tuổi và được chẩn đoán bị câm, điếc bẩm sinh. Tuy nhiên, các bác sĩ ở TP HCM cho biết bé gái này vẫn có thể nghe được bằng phương pháp cấy ốc tai với chi phí khoảng 10.000 USD.

Xuống núi khỏe hơn nhưng anh mất hết nguồn thu nhập vì rẫy, vườn trên núi. Mẹ anh đang bước qua tuổi 80, thường xuyên bị các căn bệnh tuổi già hành hạ. Thế là giờ đây, mình anh chăm sóc tới 13 người. Toàn bộ chi phí trong gia đình chủ yếu phụ thuộc vào sự trợ giúp của các nhà hảo tâm cùng với chế độ dành cho trẻ mồ côi do địa phương hỗ trợ.

Ông Phan Văn Tuấn, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh An Giang, cho hay sở từng lập đoàn đi kiểm tra đột xuất nơi nuôi trẻ mồ côi của gia đình anh Bông. Các thành viên trong đoàn hết sức cảm động trước tình cảm của mẹ con anh dành cho những đứa trẻ kém may mắn này. Từ chỗ ăn, ở, vui chơi cho đến khâu vệ sinh đều được gia đình sắp xếp rất gọn gàng và ngăn nắp.

“Đây là nơi nuôi dạy trẻ mồ côi quá tốt mà tôi từng biết đến. Họ chỉ làm việc nghĩa mà không biết vụ lợi là gì cả. Chính vì vậy mà ngoài chính sách hỗ trợ theo quy định cũng như các nguồn tài trợ của các nhà hảo tâm gần xa, chúng tôi luôn nhắc nhở chính quyền địa phương tạo điều kiện tốt nhất để những đứa trẻ mồ côi này được đến trường. Đó cũng chính là cách để chúng tôi động viên tinh thần làm việc thiện đối với gia đình anh Bông” - ông Tuấn khẳng định.

Bài và ảnh: THỐT NỐT

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/dia-phuong/ong-but-tren-dinh-mo-coi-20160127100013823.htm