Ông Bành Tổ sống bao nhiêu tuổi?

Ai cũng từng nghe câu 'Sống lâu như Bành Tổ', trong 'Luận ngữ', Khổng Tử cũng nói: 'Ta trộm ví mình với Lão Bành', tương truyền ông sống đến gần 800 tuổi, có 49 vợ, 50 con trai. Vậy thực hư thế nào?

Bành Tổ là nhân vật có thật, tức là quan đại phu Tiền Kiên, cháu 6 đời của Hoàng đế Chuyên Húc. Ông giỏi về nấu ăn, từng dâng món canh (thang) gà rừng cho Vua Nghiêu và được khen ngợi. Bành Kiên sống trải qua các triều Hạ, Ân, Thương, Chu. Do được đất phong ở vùng Bành Thành (nay là thành phố Từ Châu, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc) nên sử thường chép là "Bành Tổ" và nói tuổi thọ của ông là 767 tuổi. Người đời xem ông là Nam Cực Tiên ông chuyển thế.

Thực ra, vào thời Hán Vũ Đế, Lỗ Cung Vương phá nơi nhà ở của Khổng Tử, tìm được một số lượng lớn "trúc giản" (sách chép trên thẻ tre), trong đó có phần chép về Bành Tổ, nói rằng ông thọ "767 giáp tý". Theo phép tính can chi thời thượng cổ thì 1 giáp tý là 60 ngày. Như vậy Bành Tổ sống 46.020 ngày, tức khoảng 126 tuổi. Con số này về cơ bản là đáng tin. Hiện nay ở Từ Châu còn có nhiều di tích về Bành Tổ như miếu thờ Bành Tổ, giếng Bành Tổ, lầu Bành Tổ… Các nhà tư tưởng từ Khổng Tử, Trang Tử, Tuân Tử đến Lã Bất Vi đều có nói đến Bành Tổ.

Bí quyết dưỡng sinh

Bành Tổ là người rất giỏi về thuật dưỡng sinh bằng phép đạo dẫn - hành khí. Các cổ thư như “Thần tiên truyện” của Cát Hồng, hay “Bành Tổ dưỡng tính kinh”, “Bành Tổ nhiếp sinh luận”… đều có nói về thuật dưỡng sinh trường thọ của Bành Tổ. Ngoài những phép hít thở, xoa bóp, xoay chuyển gân cốt, Bành Tổ có nói đến các yếu tố kéo dài tuổi thọ như muốn trường thọ thì đừng làm tổn thương cơ thể. Có 7 yếu tố làm tổn thương rất lớn đến cơ thể cần phải tránh là: lo buồn quá độ; lạnh nóng thất thường, vui chơi quá mức, phẫn nộ không giải, suy nghĩ quá độ, nóng nảy hấp tấp, âm dương không thuận.

Bốn yếu tố để trường thọ, đó là: cơ thể thoải mái; tinh thần thông suốt; ý chí chuyên nhất; tâm trạng an vui. Trong đó liệu pháp quý trọng tinh khí được đặt lên vị trí quan trọng. Bành Tổ đề xướng "Bậc thượng sĩ thì ngủ riêng giường, bậc trung sĩ thì ngủ riêng chăn, uống ngàn thang thuốc không bằng ngủ một mình".

Ăn quế chi trường thọ

Theo "Sưu thần ký" đời Đông Tấn thì bí quyết trường thọ của Bành Tổ lại là "thường ăn quế chi". Cây quế từ xưa đã được xem là vị thuốc tốt, là 1 trong 4 loại thuốc quý đã xếp hạng, đó là "sâm, nhung, quế, phụ". "Thuyết văn giải tự" của Hứa Thận giải thích quế là "đứng đầu trăm thứ thuốc", "Bản thảo cương mục" của Lý Thời Trân chép: "Quế có thể trị bách bệnh, dưỡng tinh thần, hòa nhan sắc, dùng lâu nhẹ người không già, da mặt bóng mịn, sắc diện như đồng tử, hoa quế có tác dụng sinh tân dịch, trừ mùi hôi, tiêu đàm, trị đau răng do sâu, nhuận tóc".

Trung y hiện đại cho rằng quế chi (cành quế) có tác dụng làm phát hãn (xuất mồ hôi), trừ phong hàn ở tứ chi, làm thông kinh mạch, là thuốc tốt để trị phong thấp tê bại, đau nhức xương khớp. Như vậy, quế có công hiệu trị bệnh, cường thân, diên niên ích thọ, vì vậy sách chép rằng Bành Tổ nhờ thường ăn quế mà trường thọ cũng là có cơ sở. Chỉ có điều ăn thế nào, liều lượng ra sao thì quả thực chưa được rõ.

Theo Công An Nhân Dân

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/cong-nghe/ong-banh-to-song-bao-nhieu-tuoi-960320.tpo