Ôi, Bản đồ du lịch Đà Lạt!

Một du khách Hà Nội đến Đà Lạt (Lâm Đồng), cẩn thận mang theo tấm bản đồ du lịch “New Đà Lạt - Lam Dong - Da Lat tourist map” do Nhà xuất bản Bản đồ (85 Nguyễn Chí Thanh, Đống Đa, Hà Nội) in tháng 1.2010. Có bản đồ trong tay nhưng anh ta vẫn không tài nào tìm được khách sạn trên đường Lê Hồng Phong, bởi tấm bản đồ có quá nhiều sai sót.

Trước hết về tên đường. Bản đồ in sai tên đường Lê Hồng Phong thành đường Pasteur (đoạn từ ngã ba Trần Phú đến Triệu Việt Vương), một phần đường Phù Đổng Thiên Vương ghi thành đường Mai Anh Đào. Một số địa danh, tên riêng ghi sai như khu phố Lữ Gia (ở phường 9) ghi thành Lương Gia; khách sạn Hàng Không ghi nhầm thành Hồng Kông, trường THPT Trần Phú ghi trường chuyên Lao Động (!?); trang trại hoa của Công ty Harfarm (trên đường Nguyên Tử Lực) ghi thành Trại hoa đa quốc gia. Nhiều cơ quan, trường học đã thay đổi địa chỉ gần chục năm qua vẫn còn trên bản đồ. Ví dụ: Sở Du lịch Lâm Đồng (đầu đường Hồ Tùng Mậu) thực tế nay là văn phòng Vietnam Airlines; rạp Giải Phóng (trên đường Phan Đình Phùng), rạp Thống Nhất (đúng phải là Ngọc Lan - trên đường Nguyễn Chí Thanh) nay đã là 2 khách sạn lớn ở Đà Lạt; Công ty du lịch Lâm Đồng (cuối đường Trần Hưng Đạo) nay đã là Sở Khoa học - Công nghệ; trường THPT Phan Chu Trinh (trên đường Phan Chu Trinh) đã dời qua đường Hùng Vương, nơi này hiện là một khách sạn và siêu thị... Điều đáng nói, đây là tấm “Bản đồ du lịch Đà Lạt” nhưng nhiều khách sạn 4 sao được đưa vào sử dụng vài năm qua lại không có tên trên đó như: khách sạn Sài Gòn - Đà Lạt, Ngọc Lan, Sammy; khu resort Hoàng Anh Gia Lai... Chưa hết, các điểm tham quan du lịch như Đồi Mộng Mơ, Thung lũng tình yêu... còn chú thích sai vị trí. Bên cạnh đó, từ hạ tuần tháng 7.2010, trên các trục đường trung tâm Đà Lạt như Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Đại Hành, Nguyễn Chí Thanh xuất hiện một số bản đồ TP Đà Lạt gắn trên thùng rác công cộng do Hub Book Coffee thực hiện. Đây là nét mới của thành phố du lịch. Tuy nhiên, nếu du khách dựa vào bản đồ ấy để tìm đường thì sẽ “chịu chết”, bởi có một số tên đường sau ngày đất nước thống nhất đã thay đổi nhưng trên bản đồ vẫn còn giữ nguyên như: đường Duy Tân (đúng phải là 3 Tháng 2), đường Thành Thái (đúng phải là Nguyễn Chí Thanh), Cường Để (đúng là Nguyễn Văn Cừ), đường Khải Định (là Phạm Ngũ Lão); đường Cầu Quẹo (là Phan Đình Phùng)... Không biết khi cho phép Hub Book Coffee gắn những tấm bản đồ ấy cơ quan chức năng ở TP Đà Lạt có kiểm tra không? Lâm Viên

Nguồn Thanh Niên: http://www.thanhnien.com.vn/news/pages/201032/20100807031255.aspx