Ô nhiễm môi trường vì khu công nghiệp

(VOH) - Các Khu công nghiệp đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển KT-XH, là nhân tố chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp, tăng khả năng thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước vào phát triển công nghiệp, đẩy mạnh xuất khẩu, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người lao động. Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp tích cực, quá trình phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn về ô nhiễm môi trường do chất thải, nước thải.

Nhà máy xử lý nước thải tập trung KCN Tân Tạo. Ảnh minh h ọa.

Theo thống kê, đến tháng 6/2012 cả nước có 334 khu chế xuất, khu công nghiệp đã được phê duyệt thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên là 90.900 ha, trong đó có 232 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động và 102 khu công nghiệp đang trong giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ bản. Vùng kinh tế trọng điểm Miền Nam có 159 khu công nghiệp chiếm gần 50% tổng số khu công nghiệp trên cả nước. Việc phát triển các khu công nghiệp trên cả nước là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, hiệu quả kinh tế xã hội mà các khu công nghiệp mang lại đã thấy rõ, hàng năm tạo ra 40% giá trị sản xuất công nghiệp, hơn 60% giá trị xuất khẩu của cả nước và giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 2 triệu người lao động. Tuy nhiên bên cạnh các mặt tích cực thì sự phát triển quá nóng các khu công nghiệp đã làm nảy sinh nhiều vấn đề xã hội như lãng phí tài nguyên đất, thu hồi đất sản xuất nông nghiệp để tiến hành xây dựng các khu công nghiệp nhưng sau đó để hoang phế và quan trọng nhất là gây ô nhiễm môi trường do nước thải.

Tính đến tháng 6 năm nay, có khoảng 62% các khu công nghiệp đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung. Đánh giá chung của Cục cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường PC49, các công trình này dù đã đi vào hoạt động nhưng hiệu quả không cao, dẫn đến tình trạng 75% nước thải khu công nghiệp thải ra ngoài với lượng ô nhiễm cao. Đại tá Lương Minh Thảo, Phó cục trưởng Cục cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, PC49 khẳng định, lưu vực sông Cầu, sông Nhuệ, sông Đáy đã chết, còn sông Đồng Nai, sông Sài Gòn đang chết dần, chết mòn.

Trong năm 2011, Thanh tra Tổng cục Môi trường - Bộ Tài nguyên môi trường đã tiến hành thanh kiểm tra các cơ sở và công ty đầu tư hạ tầng của 51 khu công nghiệp trên toàn quốc nhưng đã phát hiện vi phạm tại 30 khu, chủ yếu là hành vi xả nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép ra môi trường. Bởi thế, không có gì lạ khi nhiều kênh rạch ở TPHCM hiện nay như Tham Lương, Ba Bò, Thầy Cai, An Hạ… đang được coi là những dòng kênh chết với màu đen ngòm và mùi hôi nồng nặc vì dòng chảy chở theo lượng nước thải khổng lồ và rác thải đủ loại từ các hoạt động sản xuất công nghiệp cũng như sinh hoạt. Đa số các doanh nghiệp hiện nay đều dùng các thủ đoạn tương tự nhau, xây dựng hệ thống ngầm kiên cố xả thẳng ra sông, rạch, chẳng hạn như công ty Hào Dương, Phạm Thu, Tường Trung, Tân Nhật Dũng tại TPHCM, hoặc lợi dụng thủy triều lên xuống để pha loãng nước thải chưa qua xử lý đưa ra môi trường mà gần đây nhất chính là sự kiện của công ty cổ phần Sonadezi Long Thành - Đồng Nai.

Không vận hành hệ thống xử lý nước thải nhằm giảm chi phí

Một vấn đề khác mới nổi lên là cán bộ vận hành hệ thống xử lý nước thải bớt xén các loại hóa chất để trục lợi. Cảnh sát môi trường cũng phải rất vất vả mới có thể phát hiện được những hành vi này. Đại tá Phan Hữu Vinh, Phó tổng cục trưởng Cục cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường PC49 kể lại: "Quá trình tiến hành cũng có nhiều khó khăn. Mỗi nhà máy, xí nghiệp có lực lượng bảo vệ canh gác cẩn mật khi xả thải ra ngoài. Chúng tôi phải theo dõi, phát hiện quy luật rồi đóng vai thành những người dân sinh sống ở địa phương hoặc công nhân điện, công nhân nước tiếp cận vào nhà máy, xí nghiệp đó. Ngoài ra, chúng tôi có kế hoạch phối hợp với các lực lượng khác để bắt quả tang".

Hệ thống xử lý nước thải của Sonadezi Long Thành.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng số vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường vẫn còn nhiều là do chưa có quy hoạch tổng thể và đồng bộ cho các khu công nghiệp gắn liền với phát triển bền vững. Sự phát triển này mới chỉ chạy theo lợi nhuận và số lượng mà chưa đi sâu vào chất lượng, đặc biệt là chất lượng môi trường. Để giảm chi phí các chủ đầu tư tìm mọi cách giảm chi phí xây dựng và vận hành hệ thống xử lý nước thải. Bên cạnh đó, các hệ thống văn bản pháp luật chưa hoàn thiện, nên khó áp dụng, đặc biệt là những tình tiết định tội đối với các loại tội danh. Quy định mức xử phạt vi phạm về môi trường thấp, chưa đủ mạnh để răn đe và ngăn ngừa vi phạm. Chẳng hạn như vụ việc của công ty Sonadezi chỉ bị phạt hành chính với số tiền khoảng 400 triệu đồng, hay như một doanh nghiệp ở Bắc Ninh bị phát hiện dùng máy bơm bơm nước thải ra môi trường nhưng chỉ bị phạt hành chính 13 triệu đồng. Về những vấn đề này, đại tá Lương Minh Thảo Cục phó C49 bày tỏ ý kiến: "Chúng tôi kiến nghị với Tổng cục môi trường (Bộ tài nguyên và môi trường) tăng cường các biện pháp về quản lý nhà nước, cơ chế chính sách chặt chẽ hơn, giao quyền hạn cho ban quản lý khu công nghiệp, chính sách hạ tầng. Trong năm vừa qua, lực lượng cảnh sát môi trường cũng hết sức ráo riết. Trong thời gian tới chúng tôi tiếp tục yêu cầu Cảnh sát môi trường phải tiếp tục việc kiểm tra các khu công nghiệp, nếu chưa thực hiện thì phải tiếp tục triển khai một cách đồng bộ nhất".

PGS.TS Phùng Chí Sỹ, Phó viện trưởng Viện kỹ thuật nhiệt đới và bảo vệ môi trường hiến kế: "Thứ nhất là xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, một số địa phương như Đồng Nai đã có yêu cầu lắp đặt xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung trước khi kêu gọi đầu tư, chọn công nghệ phù hợp xử lý nước thải từ nhỏ đến lớn thay đổi lưu lượng phải vận hành được. Một số địa phương đã yêu cầu các khu công nghiệp phải lắp đặt hệ thống quan trắc xử lý nước thải, kiểm soát tự động nước thải nhưng nếu bắt doanh nghiệp phải lắp đăt hệ thống này thì không đồng bộ và tốn kém, cũng không kiểm soát được chất lượng đầu ra do phải kiểm chuẩn trước khi đưa vào lắp đặt".

Trong khi đó, ông Trần Thanh Hồng, Thó tổng giám đốc công ty TNHH Tân Thuận, cho rằng để giải quyết được áp lực về môi trường ở các khu công nghiệp, cần xiết chặt ngay từ khâu cấp giấy phép đầu tư và sau đó là quá trình hậu kiểm. "Có những ngành nghề mới, công nghệ mới mà chúng tôi không thể đánh giá được hết tình trạng ô nhiễm về môi trường, mức độ như thế nào.Chủ các nhà máy, xí nghiệp phải chịu trách nhiệm hết, phải cam kết như thế, khi vào rồi phải triển khai những biện pháp kiểm tra kiểm soát, phải có sự phối hợp giữa bên trong và bên ngoài, ý thức này không chỉ là cảnh sát môi trường, ban quản lý các khu chế xuất khu công nghiệp mà chính những nhà quản lý phải có trách nhiệm", ông Hồng nói.

Đã có nhiều bài học cho các nước vì quá coi trọng tăng trưởng kinh tế nhanh, tạo được sự bứt phá lớn, mong vượt lên các nước khác, song đã phải trả giá đắt về việc làm cạn kiệt và suy thoái môi trường. Do vậy, đảm bảo sự hài hòa giữa lợi ích kinh tế và môi trường là một bài toán khó nhưng không thể không thực hiện vì phát triển bền vững, mục tiêu mà quốc gia nào cũng muốn hướng đến.

Nguồn VOH: http://voh.com.vn/news/newsdetail.aspx?id=49345