Ô mai 'ngậm' đường hóa học tàn phá sức khỏe thế nào?

Các chuyên gia cho biết, ô mai 'ngậm' đường hóa học vượt quá mức giới hạn có thể gây nguy cơ ung thư, ngộ độc...

Mới đây, Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế công bố công bố một số sản phẩm không đạt về chỉ tiêu Saccarin và hàm lượng Cyclamate như công bố khiến nhiều người bất ngờ.

Cụ thể, ô mai "ngậm" đường hóa học có hàm lượng Cyclamate vượt quá mức giới hạn công bố tới 8,3 lần, Saccarin vượt quá 6,5 lần công bố.

Theo tìm hiểu, saccarin và Cyclamate được các nhà khoa học gọi là siêu chất tạo ngọt. Cụ thể, saccarin có độ ngọt gấp 200-700 lần đường ăn, còn Cyclamate cũng có độ ngọt 30-50 lần đường mía ăn. Thực tế, đã có nhiều nghiên cứu khoa học chứng minh loại đường này có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe nếu dùng vượt quá hàm lượng cho phép.

Trao đổi với của PV Kiến Thức, PGS – TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Thực phẩm Đại học Bách Khoa cảnh báo: “Nếu dùng quá hạn lượng đường hóa học sẽ gây nên hiện tượng ngộ độc trường diễn (ngộ độc chì kinh niên)”.

Thạc sĩ Bùi Thị Minh Thủy, giảng viên khoa Công nghệ hóa học và Thực phẩm, ĐH Nguyễn Tất Thành, TP HCM cũng lưu ý, một trong những loại đường hóa học bị cấm được sử dụng nhiều nhất là sodium cyclamate. Các nhà sản xuất sử dụng cyclamate vì hai yếu tố: nó ngọt gấp 30-50 lần đường mía, nhập khẩu chủ yếu từ biên giới phía Bắc, giá thành hạ, phí vận chuyển thấp, mang lại lợi nhuận hấp dẫn.

Trong khi đó, chất tạo ngọt cyclamate vào cơ thể được vi khuẩn trong ruột chuyển thành mono hay dicyclohexylamine là chất có thể gây ung thư gan, thận, phổi, dị dạng bào thai trên thực nghiệm. "Ăn phải thực phẩm chứa nhiều đường hóa học còn có thể gây cảm giác nhức đầu, chóng mặt, ù tai, buồn nôn hoặc có thể dị ứng nếu dùng với số lượng nhiều",Thạc sĩ Bùi Thị Minh Thủy nhấn mạnh.

Cũng theo các chuyên gia trong ngành, bất kỳ một loại đường hóa học nào cũng có thể gây nguy hại đến sức khỏe con người nếu không dùng đúng hàm lượng cho phép. Nếu dùng đúng hàm lượng cho phép thì các hóa chất đó sẽ được cơ thể người đào thải ra ngoài. Còn dùng quá hàm lượng cho phép, cơ thể người không thể đào thải ra ngoài hết, các hóa chất còn sót lại trong cơ thể thì kiểu gì cũng có ảnh hưởng đến sức khỏe.

Theo các tài liệu nghiên cứu, đường Cyclamate có tên khoa học là Sodium Cyclamate, là một chất làm ngọt, màu trắng, không mùi, dạng bột tinh thể, tan nhiều trong nước, có thể tạo vị ngọt gấp 30 – 50 lần đường mía.

Cyclamate được phát hiện vào năm 1937 tại đai học Illinois bởi nghiên cứu sinh Seveda. Lúc đó Seveda đang nghiên cứu về tổng hợp thuốc chống sốt. khi ông đặt điếu thuốc lá xuốn băng ghế dự bị ở trong phòng thí nghiệm sau đó ông đặt vào miệng mình thì thấy có vị ngọt của Cyclamate.

Năm 1966, một nghiên cứu báo cáo rằng một số vi khuẩn có thể sử dụng cyclamate để sản xuất cyclohexylamine , một hợp chất bị nghi là có độc tính mãn tính ở động vật. Các nghiên cứu năm 1969, các hỗn hợp thường lệ 10:01 cyclamate: saccharin tăng khả năng ung thư bàng quang chuột. Các nghiên cứu khác cho thấy có cyclohexylamine trong teo tinh hoàn ở chuột. Năm 1970, cyclamate bị cấm bán tại Hoa Kỳ.

Hiện nay vẫn chưa có bằng chứng chắc chắn cho thấy cyclamate gây ra ung thư ở người. Nó vẫn được cho phép sản xuất và sử dụng ở hơn 55 quốc gia tuy nhiên ở Mỹ thì vẫn bị cấm từ năm 1969.

Kiến Thức sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc ô mai "ngậm" đường hóa học tới độc giả.

Ngọc Anh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/thoi-su/o-mai-hong-lam-ngam-duong-hoa-hoc-tan-pha-suc-khoe-the-nao-631526.html