Nước mắt rừng cao su Nam Đông

Cơn bão số 11 vừa đi qua đã gây thiệt hại nghiêm trọng tại huyện miền núi Nam Đông (Thừa Thiên - Huế) và đặc biệt là đã có 170 ha cao su bị gãy đổ. Từ sáng sớm tuyến đường từ La Sơn (H.Phú Lộc) đi Nam Đông đã bị cây cối gãy đổ phong tỏa. Phải mất nhiều giờ, các lực lượng khắc phục hậu quả bão lụt địa phương mới giải phóng được mặt bằng để thông tuyến.

Tan hoang rừng cao su

Hằng trăm ha rừng trồng của người dân cũng đã bị gãy đổ ngả nghiêng. Nhiều năm nay, người dân huyện miền núi Nam Đông của tỉnh Thừa Thiên - Huế đã trở nên khá giả nhờ cây cao su đã đi vào khai thác. Nhưng chỉ sau vài giờ đồng hồ, cơn bão đã tàn sát 160 ha cao su, 10,5ha keo… ở các xã Hương Hòa, Hương Hữu và Thượng Nhật. Nhìn cảnh cao su ngã đổ ngổn ngang, la liệt, người trồng cao su chỉ còn biết kêu trời…

Đứng giữa rừng cao su ngã đổ, ông Trần Xuân Lực (ở xã Hương Hữu) chỉ biết nhìn "vàng trắng” mà ứa nước mắt. Công sức gần 10 năm tạo dựng vườn cao su tiểu điền đang vào độ tuổi thu hoạch trong phút chốc đã tan biến. Ông vừa kể vừa giàn giụa nước mắt: "Hết rồi mấy anh ơi, cả 2 ha cao su này là mồi hôi, nước mắt của gia đình tui trở thành công cốc cả. Không ai muốn có bão… Nhờ cao su, chúng tôi có tiền nuôi các cháu ăn học và có tiền để mua sắm các vật dụng trong gia đình. Bây chừ cao su không thu hoạch được lại còn phải mất gần 50 triệu đồng để thuê người đốn hạ và đưa xe múc về san bằng lại vườn cao su”. Ông Lực phân trần: Cứ 2 ha cao su trừ mọi chi phí, mỗi năm bà con cũng bỏ túi trên 100 triệu đồng. Chừ thì thua ông trời rồi”. Còn bà Trần Nguyên Hạnh (xã Thượng Nhật) khóc suốt hai hôm nay, vì diện tích vườn cao su của bà rộng gần 3 ha, chỉ còn lại 15 cây nguyên vẹn sau bão. Bà ca thán: "Trắng tay hết rồi, cao su không còn, mà nợ ngân hàng gần 100 triệu đồng thì vẫn còn đó, vốn bỏ ra để đầu tư không biết lấy cái chi để mà trả đây”.

Cây Cao su ở huyện miền núi Nam Đông

mới trồng lại gần 10 năm nay đã tan hoang

Ngay khi bão tan, bà Nguyễn Thị Thu Hòa (ở thôn 10, xã Hương Hòa, huyện Nam Đông) vừa chặt dọn vườn cao su bị đổ ngã, vừa rơm rớm nước mắt. Mấy năm nay, khi chồng bà ngã bệnh, cả gia đình đều nương nhờ vào vườn cao su hơn 1ha để sinh sống, nuôi con ăn học. Bà Hòa kể: Khi nghe tin bão số 11 đổ bộ vào bờ, suốt đêm bà không thể chợp mắt. Sáng dậy, vườn cao su đổ rạp, gãy ngang thân... ứa ra từng dòng nhựa trắng. Hàng loạt gia đình khác ở xã Hương Hòa, huyện Nam Đông cũng rơi vào cảnh trắng tay sau bão vì cao su bị gãy đổ hàng loạt. Toàn xã có 50 ha cao su bị bão quật gãy nát.

Trong phút chốc, hàng chục tỷ đồng của người trồng cao su

ở Nam Đông đã trôi theo cơn bão số 11

Sáng 16-10 theo ghi nhận của phóng viên, tại các xã Hương Phú, Hương Giang, Thượng Long… của huyện Nam Đông, các vườn cao su đều trong tình cảnh thiệt hại nặng nề. Bão số 11 cũng gây ra thiệt hại cho huyện Nam Đông trên 27 tỷ đồng. Ngoài cây cao su, huyện còn bị gãy đổ hơn 370 ha keo, chuối bị thiệt hại hơn 60ha, các đường dây điện trung và hạ thế bị đứt và hơn 60 nhà bị tốc mái.

Trước đó năm 2006, bão Xangsane cũng đã làm gãy đổ gần 1.000 ha cao su của huyện Nam Đông. 7 năm sau trận siêu bão ấy, người dân trồng lại, đến nay cao su vừa cho mủ thì tiếp tục bị bão số 11 tàn phá.

Bà Nguyễn Thị Thu (ở xã Hương Hòa) cho biết: Vườn cao su 3ha của gia đình đang khai thác mủ được 2 năm, bão qua đi giờ chỉ còn lại 1/3 diện tích. Cao su gãy hết rồi, giờ gia đình bà chẳng biết trông cậy vào đâu. Cao su là cây trồng chủ lực của huyện Nam Đông, với tổng diện tích 3.500ha, trong đó gần 1/3 diện tích đang được khai thác. Đây là cây giúp người dân miền núi Nam Đông xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu.

Người dân xã Hương Hòa ngậm ngùi nhìn cao su gãy đổ

Trước thực trạng này, ông Nguyễn Văn Cao - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho hay: Hiện chính quyền các địa phương đang chỉ đạo nhân dân tập trung rà soát, đánh giá cụ thể diện tích và mức độ thiệt hại cây cao su, keo, sắn và hoa màu để có biện pháp khắc phục; nếu khó khăn về nhân lực, phương tiện khắc phục thì đề nghị tỉnh chỉ đạo tăng cường lực lượng vũ trang tỉnh hỗ trợ.

Ngay sau khi cơn bão đi qua, người dân địa phương đã hối hả thu dọn diện tích cao su bị ngã đổ. Lãnh đạo huyện Nam Đông chia sẻ: "Trước mắt sẽ phối hợp cùng Ban chỉ huy quân sự tỉnh cử người đến dựng gốc cao su lên (đối với cây bật gốc) để chăm sóc. Khoảng 3 năm sau có thể thu hoạch được dù năng suất giảm bằng một nửa khi trước. Các cây gãy ngang thì cưa bỏ đi phần gãy, sau bôi thuốc có thể ra chồi lại. Mong Nhà nước quan tâm khoanh nợ, giãn nợ cho dân trồng cao su bị thiệt hại do bão”.

Thuận Hóa

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=70532&menu=1437&style=1