Nước mắt người nuôi cá ngày cận Tết

Do ảnh hưởng của không khí lạnh, nhiệt độ giảm mạnh, nhiều hộ nuôi thủy sản ở tỉnh Thái Bình thiệt hại nặng nề. Theo thống kê sơ bộ, tổng diện tích mặt nước có thủy sản trên địa bàn tỉnh Thái Bình bị chết do rét đậm, rét hại ước khoảng trên 200ha, sản lượng trên 170 tấn gồm: cá vược, cá song, cá rô phi, cá rô đồng, cá chim trắng và 50 vạn cá giống.

Hai huyện ven biển là Thái Thụy và Tiền Hải có thiệt hại lớn nhất. Theo thống kê ban đầu, huyện Thái Thụy có 140ha đầm ao nuôi cá bị thiệt hại, hơn 130 tấn cá thịt và gần 60 vạn cá giống bị chết. Nhiều diện tích nuôi cá sắp đến lúc thu hoạch cung cấp cho thị trường Tết Nguyên đán thất thu, người dân thiệt hại về kinh tế.

Trong đợt mưa, rét vừa qua, trên địa bàn huyện Tiền Hải có 73 hộ nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng, diện tích mặt nước có thủy sản nuôi bị chết ước khoảng 62,33ha, sản lượng cá chết ước khoảng 21 tấn cá vược, loại cá cho giá trị kinh tế cao thuộc các xã: Đông Minh, Nam Cường và Nam Thịnh. Huyện Thái Thụy, diện tích mặt nước có thủy sản nuôi bị chết ước khoảng 140ha tại các xã: Thụy Trường, Thụy Xuân, Thụy Hải, Thái Thượng và Thái Đô. Sản lượng ước khoảng 150 tấn gồm cá vược, cá song, cá rô phi và 50 vạn cá giống.

Cá chết do trời rét.

Ngoài ra, các huyện nội đồng, thủy sản cũng chết hàng loạt do nhiệt độ xuống quá thấp. Tại huyện Kiến Xương, diện tích mặt nước có thủy sản nuôi bị chết khoảng 11ha, sản lượng thiệt hại khoảng 0,2 tấn cá vược, 0,7 tấn cá rô phi, 0,6 tấn cá chim.

Những ao nuôi có mực nước nông dưới 1,2m cá rô phi, cá chim trắng chết rải rác. Còn ở huyện Đông Hưng, diện tích thủy sản nuôi bị chết khoảng 700m², sản lượng thiệt hại khoảng 0,5 tấn cá rô đồng. Huyện Hưng Hà có khoảng 15ha thủy sản bị chết, không cho thu hoạch. Ngoài ra, một số diện tích mặt nước có nuôi cá rô phi, cá chim trắng đang chết rải rác tại những ao có mực nước nông. Cá chết trên diện rộng với sản lượng lớn không phải do ô nhiễm môi trường hay tác động nào khác mà do giá rét bất thường. Các cán bộ kỹ thuật của Chi cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Thái Bình đang có mặt tại các địa bàn để theo dõi, đánh giá mức độ thiệt hại.

Trước đợt rét hại này, huyện Thái Thụy hướng dẫn các hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn các biện pháp phòng chống rét như giữ kín cho ao nuôi, bảo đảm bờ chắc, ít bị rò rỉ nước; thả bèo tây trên 1/3 diện tích mặt ao về phía Bắc để chắn gió, ở những nơi có điều kiện thì che phủ bạt, nilon trên mặt ao. Đồng thời, khuyến cáo người dân chủ động thu hoạch các đối tượng thủy sản chịu rét kém khi đạt kích cỡ thương phẩm... Tuy nhiên, do nhiệt độ thấp nên nhiều diện tích ao nuôi xuất hiện tình trạng cá chết. Theo ông Trần Minh Tiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiền Hải, hiện Sở NN&PTNT và UBND huyện đang chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả, thực hiện các công việc sau: thu dọn cá chết, vệ sinh dọn sạch ao. Đối với cá còn sống thì che bạt, bảo quản, tăng chất dinh dưỡng để cá có sức đề kháng. Trước mắt, UBND tỉnh hỗ trợ Clozin khử trùng, tiêu độc ao; UBND huyện hỗ trợ vôi bột. Các hộ dân tát cạn ao, chuẩn bị con giống cho vụ mới.

Trước đó, để phòng tránh rét đậm, rét hại, Sở NN&PTNT tỉnh Thái Bình gửi Phòng NN&PTNT các huyện, thành phố công văn số về việc chuẩn bị công tác phòng tránh rét cho các đối tượng thủy sản nuôi. Yêu cầu các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn cho các hộ dân biết để thực hiện nhằm giảm thiểu thiệt hại. Ngày 26-1-2016, Chi cục Thủy sản, Sở NN&PTNT tỉnh Thái Bình gửi công văn về việc tăng cường phòng chống rét cho các đối tượng thủy sản nuôi cho UBND các huyện, thành phố. Theo khuyến cáo của Chi cục Thủy sản Thái Bình, các đối tượng thủy sản nuôi đạt kích cỡ thu hoạch thì tiến hành thu hoạch ngay để hạn chế thiệt hại do rét gây ra.

Đ.H.

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/doi-song/nuoc-mat-nguoi-nuoi-ca-ngay-can-tet-381626/