Nước hồ bơi thừa clo, nhiều vi khuẩn

Nhiều hồ bơi không đạt chuẩn về vi khuẩn E.coli, Coliform, lượng clo thấp hoặc cao hơn mức cho phép. Đó là kết quả đợt kiểm tra mới nhất về chất lượng nước hồ bơi ở TP HCM và Hà Nội.

>> Tức ngực, ngạt thở vì mùi của bể bơi >> 'Yêu râu xanh' ở bể bơi >> Teen 'diễn trò người lớn' ở bể bơi Tiến sĩ Trần Hòa Bình, Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, cho biết, từ đầu tháng 5 đến nay, đoàn kiểm tra của trung tâm mới đi kiểm tra được 20/52 bể bơi trên địa bàn Hà Nội. Trong 20 mẫu nước được xét nghiệm, có ba mẫu thuộc ba bể bơi có hàm lượng clo dư 0,6 - 0,7 mg/l, cao hơn tiêu chuẩn và ba mẫu nước có hàm lượng clo dư 0,1 - 0,2 mg/l, thấp hơn tiêu chuẩn. Ông Bình đánh giá, công tác vệ sinh của các bể bơi hiện tương đối tốt, chất lượng nước hồ bơi đã được chú trọng hơn mấy năm trước. Tuy nhiên, ông Bình cũng thừa nhận: “Vào những ngày nóng nực, lượng người bơi tại bể quá đông dẫn tới trình trạng nước vẩn đục, chất lượng không được tốt. Hệ thống các bể bơi vẫn còn các hạn chế như chưa có khu tắm tráng cưỡng bức, nhiều bể bơi chưa có phòng y tế, công tác cứu hộ chưa đạt chuẩn”. Nhiều hồ bơi chưa đạt tiêu chuẩn chất lượng nước. Ảnh: Linh. Mới đây, Trung tâm Y tế Dự phòng TP HCM cũng công bố kết quả kiểm nghiệm về chất lượng nước ở 42/63 hồ bơi trên địa bàn, kết quả bốn cơ sở không đạt chuẩn về vi khuẩn E.coli, Coliform…, ba cơ sở có lượng clo dư. Đó là chưa kể nhiều hồ bơi bị nhắc nhở về vấn đề vệ sinh hồ bơi, an toàn hồ bơi, nhân viên cứu hộ không có giấy khám sức khỏe, không có sổ theo dõi hóa chất, chất lượng nước “đổ” vào hồ bơi. Giải thích về việc chỉ tiến hành lấy mẫu ở 42 hồ bơi trên địa bàn thành phố, lãnh đạo Trung tâm Y tế Dự phòng TP HCM cho biết, lẽ ra kiểm tra đến 63 hồ bơi nhưng do một số nơi đã đạt chuẩn năm ngoái nên… thôi. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hồ bơi mà trung tâm chưa một lần lấy mẫu kiểm tra, như hồ bơi nằm ở các khách sạn, hồ bơi tư nhân… Chồng chéo chuẩn chất lượng nước Theo Trung tâm Y tế Dự phòng TP HCM, các hồ bơi không thuộc quyền quản lý của ngành y tế mà thuộc về Sở Văn hóa Thể thao Du lịch hoặc Trung tâm Văn hóa Thể thao quận, huyện. Do đó, ngành y tế chỉ phối hợp kiểm tra nhưng lại không được xử phạt. Một lãnh đạo ngành y tế TP HCM cho biết, hiện các văn bản, quy định chưa thống nhất nhau về việc đánh giá chất lượng nước, gây khó khăn cho việc công bố kết quả kiểm nghiệm. Ví dụ, để đánh giá độ clo dư của nước hồ, theo Quyết định “Việc ban hành quy chế hoạt động của hồ bơi trên địa bàn TP HCM” của giám đốc Sở Thể dục Thể thao TP HCM (cũ) ngày 9/7/2001, chỉ số cho phép là 0,4 - 0,8 ppm (tương đương 0,4 -– 0,8 mg/lít). Tiêu chuẩn này trùng khớp với tiêu chuẩn quy định trong công văn liên sở 1342 giữa Sở Y tế và Sở Thể dục Thể thao trước đây. Tuy nhiên, tiêu chuẩn độ Clo dư trong nước hồ bơi ở công văn ngày 27/4/2007 của Sở Thể dục Thể thao (cũ) về việc hướng dẫn tạm thời tiêu chuẩn kỹ thuật các loại hình hoạt động của cơ sở Thể dục Thể thao, lại là 0,4 - 1 mg/lít; trong khi ở Quyết định 1329/2002/QĐ-BYT của Bộ Y tế là 0,3 - 0,5 mg/lít. Ngoài ra, các văn bản này còn “đá nhau” về mùi vị nước hồ, có nơi quy định chỉ cần nước không có mùi tanh, nơi thì không có mùi vị lạ, nơi thì không có mùi (trừ mùi Clo của thuốc sát trùng nước). Theo bác sĩ Đặng Hoàng Sơn, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP HCM, khi bơi trong nguồn nước không đảm bảo vệ sinh, trẻ thường hay mắc các bệnh về tai, mũi, họng. Bác sĩ Võ Quang Phúc, Bệnh viện Tai - Mũi - Họng TP HCM cảnh báo, sau khi bơi xong, nên vệ sinh mắt bằng nước muối sinh lý để loại bỏ cặn bã, hóa chất trong hồ bơi. Cần vệ sinh tai bằng que tăm bông để tránh nước đọng lại trên tai, gây viêm nhiễm.

Nguồn Đất Việt: http://www.baodatviet.vn/Home/Nuoc-ho-boi-thua-clo-nhieu-vi-khuan/20097/49054.datviet