Nữ thánh sống và ngày thứ 10 trong tết Dashain ở Nepal

Ngày thứ 10 trong Dashain- tết truyền thống của Nepal, gọi là Bijaya Dashami hay Vijaya Dashami- “ngày chiến thắng”. Vào ngày này, người phụ nữ lớn tuổi nhất trong mỗi gia đình sẽ chuẩn bị tika- hỗn hợp hạt, sữa chua và bột màu đỏ để ban phúc lành cho người thân, trước hết là với con cháu, sau đó là các vị khách đến thăm nhà.

Bồ câu bên ngoài đền Kamasutra.

Mỗi khi ban phúc, người phụ nữ nhón tay lấy một chút tika kèm một chút jamara- mạ non gieo từ hạt lúa mạch chỉ làm vào dịp Dashain, trát lên trán người nhận. Bột màu đỏ tượng trưng cho máu chỉ quan hệ huyết thống của người trong gia đình; với khách là bày tỏ lòng yêu quý như người thân. Người ban tika cũng đã chuẩn bị một số tiền nhỏ, thường là tờ tiền giấy mệnh giá 10 rupees, 20 rupees… để tặng người thân nhỏ tuổi hơn với ý nghĩa gửi đến lời chúc bình an.

Tại các cơ quan cũng diễn ra lễ ban tika như tượng trưng cho sự gắn kết đồng nghiệp. Có một buổi lễ ban tika dành riêng cho người dân Nepal, do đích thân Tổng thống tiến hành. Tika còn tiếp tục được các gia đình ban tặng cho đến khi kết thúc mùa Dashain. Tôi cũng từng được nhận tika và “tiền mừng” từ một gia đình Nepal mà tôi được mời đến ăn cơm.

Ở Nepal, sau khi chiêm bái đền Taleju Bhawami tôi muốn lễ Nữ thánh Kumari. Kumari hoặc Kumari Devi - nữ thánh sống ở Nepal, là biểu hiện của truyền thống thờ nữ đồng trinh mang nguồn năng lượng thần thánh bảo hộ người dân Nepal. Kumari có nguồn gốc từ Kaumarya trong tiếng Phạn, nghĩa là “trinh nữ”.

Các Kumari được tôn kính ở Nepal và một số quốc gia theo đạo Hindu, vì được coi là hiện thân sống của nữ thần Taleju, hóa thân của nữ thần Durga (nữ thần đã tiêu diệt quỷ vương Mahishasura mà lễ hội Dashain để tưởng nhớ sự kiện này).

Trên lãnh thổ Nepal có bốn vị Kumari là: Kumari ở Chabahil (nơi có tòa tháp do công chúa Charumati - con gái vua Ashoka xây dựng), Patan, Bhaktapur, Kathmandu. Trong đó Kumari hoàng tộc ở Kathmandu, sống tại Kumari Ghar trong sự bảo vệ của cảnh sát và quân đội, được coi là Nữ thánh sống có vai trò quan trọng nhất, vì là người nắm giữ bí mật Tantric của Nepal.

Ở Ấn Độ, vì nhiều lý do khác nhau mà tín ngưỡng thờ Kumari từ lâu đã bị cấm. Trong khi đó ở Nepal thì vẫn được lưu giữ. Theo truyền thuyết, thế kỷ 17 dưới thời Jayaprakash Malla- vị vua cuối cùng của triều đại Malla, hàng đêm nữ thần Taleju thường đến vừa chơi xúc xắc, vừa bàn luận việc điều hành đất nước với nhà vua, song dặn ông phải giữ bí mật tuyệt đối.

Đêm nọ, vì nghi ngờ nên hoàng hậu bí mật theo dõi và thấy nữ thần Taleju. Nữ thần rất tức giận, bèn nói với nhà vua rằng nếu muốn gặp lại nữ thần, muốn nữ thần bảo hộ đất nước của ông thì phải tìm hóa thân của nữ thần là một bé gái thuộc dòng họ Shakya của cộng đồng người Newar. Từ đó nhà vua bắt đầu tìm kiếm Kumari- tức là hiện thân đồng trinh của nữ thần Taleju.

Truyền thuyết khác lại kể: vua Trailokya Malla của vương triều Malla đã có hành vi tổn hại đến nữ thần, nên nữ thần giận dữ bỏ đi. Nhà vua hối hận cầu xin, và được nữ thần chấp thuận xuất hiện trở lại trong thân thể của một bé gái đồng trinh xuất thân từ dòng họ Shakya.

Kumari được gọi tên tùy theo tuổi của bé gái. Kumari 1 tuổi là Sandhya, 2 tuổi là Sarasvati, 3 tuổi là Tridhamurti, 4 tuổi Kalika, 5 tuổi là Subhaga, 6 tuổi là Uma, 7 tuổi là Malini, 8 tuổi là Kubjika, 9 tuổi là Kaalasandarbha, 10 tuổi là Aparajita, 11 tuổi là Rudrani, 12 tuổi là Bhairavi, 13 tuổi là Mahalakshmi, 14 tuổi là Pithanayika, 15 tuổi là Kshetragya, 16 tuổi là Ambika. Các cô gái hơn 16 tuổi thì không được chọn làm Kumari, vì ở tuổi này các cô đã có dấu hiệu tự nhiên của phụ nữ.

Khi Nữ thánh sống Kumari 16 tuổi, cô sẽ kết thúc vai trò của mình và rời khỏi Kumari Ghar. Việc phải làm tiếp theo là tìm kiếm và lựa chọn Nữ thánh Kumari mới. Mặc dù là nữ thần của tín đồ Hindu nhưng Kumari lại do những nhân vật cao cấp của Vajracharya quyết định. Vajracharya là truyền thống Phật giáo Kim Cương thừa được người Newar bản địa hóa, mà Newar là tộc người gốc của Nepal. Nói cách khác, sự tồn tại của Kumari theo tôi chính là sản phẩm việc hòa trộn Phật giáo với đạo Hindu trong cộng đồng người dân Nepal.

Quá trình tìm kiếm Kumari diễn ra theo một thể thức có nhiều điểm tương đồng với tìm kiếm hóa thân của Tulku (Phật sống) như là Đạt Lai Lạt Ma, hay Ban Thiền Lạt Ma của Phật giáo Tây Tạng. Và một hội đồng gồm năm thành viên cao cấp của Vajracharya được lập ra. Nhà vua, các vị lãnh đạo tôn giáo khác được thông báo cho biết về quá trình này.

Ứng viên vào vị trí Kumari phải là một bé gái dưới 16 tuổi, xuất thân từ một gia đình đạo đức, tận tâm, thuộc dòng họ Shakya (tức là Thích Ca- dòng họ của Thái tử Tất Đạt Đa, người sau này trở thành Đức Phật Thích Ca) của tộc người Newar. Yêu cầu chung đối với ứng viên là sức khỏe tốt, chưa từng bị thương đến mức chảy máu, đáp ứng một số tiêu chuẩn về hình dáng thân thể và giọng nói… Điều quan trọng nhất là bé gái đó phải thật sự can đảm, không sợ hãi.

Có một số buổi lễ kiểm tra các ứng viên, nhưng việc quyết định ai sẽ trở thành Kumari lại diễn ra vào “Đêm Đen” - đêm giữa ngày thứ 8 và ngày thứ 9 mùa Dashain, khi người ta hiến tế 54 con trâu và 54 con dê. Tại cung điện Mul Chowk, các thầy tư tế làm lễ, còn mỗi ứng viên được đưa vào một căn phòng tối nhìn thẳng ra sân, để tận mắt chứng kiến cảnh các con trâu, con dê bị giết. Sau khi hiến tế xong, các thầy tư tế sang lễ bên đền Taleju còn những bé gái vẫn ngồi lại đó. Đợi tới khi họ quay trở lại, bé gái nào vẫn bình thản, không sợ hãi thì sẽ được Hội đồng các nhân vật cao cấp của Vajracharya thừa nhận là Kumari kế nhiệm.

Khi tôi đến Kathmandu hỏi mọi người, họ đều nói ngày đảnh lễ Kumari là ngày thứ 10. Chiều hôm đó, tôi đến nhà Nữ thánh. Ngày thường vào các buổi chiều khoảng 16h, người dân và khách du lịch có thể tới để nhìn bóng áo đỏ của Nữ thánh qua cửa sổ, nghiêm cấm chụp ảnh. Riêng ngày hôm nay thứ 10 của tết Dashain được lên căn phòng nơi cô sống. Có điều, việc đảnh lễ Nữ thánh Kumari chỉ dành riêng cho người Hindu.

Tới Kumari Ghar, tôi đã không gặp may vì không vào được bên trong. Ở đây không có cảnh sát, chỉ có mấy người bảo vệ thay phiên nhau đứng chắn lối vào. Gặp nói tiếng Nepali, dĩ nhiên tôi không hiểu và đành đứng ngoài, dù cách cái cửa có một bước chân. Sau thì nán lại chuyện trò với người bảo vệ biết tiếng Anh, tôi hỏi về Nữ thánh Kumari, nghe họ kể về truyền thuyết nữ thần Taleju rồi so sánh với những điều mình đã biết. Chỉ tới khi trời tối tôi mới đứng lên. Ra tới cửa còn gặp một nhóm du khách nước ngoài. Họ đi cả gia đình, muốn nhờ tôi chụp giúp một tấm ảnh đứng dưới cửa sổ mà ngày thường Kumari vẫn xuất hiện. Tôi chụp xong thì đi về nhà trọ.

Ngày thứ 10 cũng là ngày kết thúc phần nghi lễ. Năm ngày còn lại của lễ hội Dashain là dịp để mọi người cùng nhau vui chơi, nghỉ ngơi sau những tháng ngày lao động, học tập vất vả. Ở Nepal ngày nay vẫn còn lưu giữ những trò chơi dân gian như thả diều, đu ping… Các gia đình đều cố gắng chuẩn bị những món ăn ngon nhất để cùng ăn với người thân và tiếp đãi khách khứa. Dashain là lễ hội của người Hindu Ấn Độ và Bangladesh, nhưng tại những quốc gia đó người dân chỉ tổ chức lễ trong vài ngày.

Riêng đối với người Nepal thì Dashain là lễ hội dài nhất, lớn nhất và quan trọng nhất. Đến Kathmandu vào dịp Dashain, tôi thực sự đã được hòa mình vào không khí náo nức, hồ hởi, nhộn nhịp của người Nepal trong những ngày đầu năm mới.

Thanh Tiêu

Nguồn Tin Nhanh: http://vntinnhanh.vn/a/nu-thanh-song-va-ngay-thu-10-trong-tet-dashain-o-nepal-87708