Nữ CEO 8X mở 12 cơ sở dạy tiếng Anh trên khắp cả nước

Với Phương Bùi, tấm bằng đại học chưa đủ để đánh giá một con người, quan trọng nhất vẫn là việc hoàn thiện bản thân và luôn biết mình muốn gì​.

Gặp Phương Bùi tại một quán cà phê nhỏ, ấn tượng đầu tiên về cô là dáng người nhỏ nhắn, khuôn mặt trẻ trung, nhanh nhẹn, linh hoạt trong lối ăn nói.

Sau nhiều năm ở Hà Nội, Phương đã trở thành trụ cột chính của gia đình. Đặc biệt, mỗi dịp có người ở quê lên, mọi công việc và sự tin tưởng đều gửi gắm ở cô. Điều này mang đến cho Phương niềm vui và hạnh phúc riêng trong cuộc sống.

Phương cho biết, chưa bao giờ cô thấy mệt mỏi khi người khác nhờ cậy. Bởi điều này khiến cô luôn cảm nhận được tầm quan trọng của bản thân, nhạy bén hơn trong giao tiếp và có thêm nhiều kinh nghiệm sống bổ ích.

Tiền chỉ là phương tiện, không phải mục đích sống

"Mục đích làm việc của mình là đạt được những mong muốn trong cuộc sống. Mình kiếm niềm vui từ công việc, không phải vì tiền. Với mình, tiền chỉ là phương tiện" là câu trả lời từ Bùi Thị Phương khi được hỏi về mục tiêu phấn đấu của mình.

Hiện tại, cô gái sinh năm 1989 là chủ một trung tâm tiếng Anh lớn, với hơn 12 cơ sở trên khắp cả nước như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP HCM…

Khi phát triển các cơ sở, điều đầu tiên nữ CEO quan tâm là chất lượng đầu ra. Tiêu chí Phương đề ra là 80% học viên đều phải đạt chuẩn khi tốt nghiệp tại trung tâm.

Trong quá trình xây dựng thương hiệu, Phương Bùi chưa từng có khái niệm về “đối thủ”. Hướng đi duy nhất cô lựa chọn là tìm hiểu, phát triển lối đi riêng sao cho phù hợp nhu cầu thị trường.

Phương Bùi hiện là chủ một trung tâm tiếng Anh lớn, với hơn 12 cơ sở trên khắp cả nước.

Sau những thành công ban đầu ở tuổi 27, Phương cho rằng, yếu tố giúp cô thành công không phụ thuộc vào tài năng, mà là niềm tin ở chính mình.

“Mình không phải người có nhiều ưu điểm. Song mình có thể tự tin nói mình ít nhược điểm hơn các bạn. Thay vì cố gắng tìm ra thế mạnh lớn, mình luôn tìm cách hạn chế các khuyết điểm. Từ đó, mình ngày càng hoàn thiện bản thân” - Phương Bùi thẳng thắn chia sẻ.

Nữ CEO cũng cho rằng, mỗi người trẻ đều có những điểm mạnh riêng. Điều quan trọng nhất là cần biết bản thân muốn gì để có thể đề ra mục tiêu, hướng đi và các giải pháp khắc phục khi gặp trở ngại.

Trong công việc, cô gái 27 tuổi mong muốn đem niềm vui tới cho mọi người. Tại công ty, Phương luôn hướng nhân viên tới sự thân thiện và cởi mở lúc giao thiệp.

Theo Sỹ Anh - trưởng phòng truyền thông, thay vì đóng vai trò lãnh đạo, nữ doanh nhân trẻ như người truyền cảm hứng tới những ai cùng làm việc.

"Chị Phương thường hướng nhân viên tới sống hạnh phúc. Chị sẵn sàng truyền cho mọi người những kinh nghiệm của bản thân. Với chị, cuộc sống phải biết cho đi. Đây cũng chính là điều mình học hỏi được từ chị ấy” - chàng trai chia sẻ.

Còn với Dương Phương Anh - quản lý tại cơ sở 2, nữ CEO 27 tuổi là người rất mê sách.

“Chị Phương cũng luôn hướng các nhân viên chú trọng việc đọc sách, khai thác thông tin và cách tư duy từ sách. Nhờ những buổi training của chị, mình có thêm kinh nghiệm, biết cách giao tiếp, đối nhân xử thế, cùng phương pháp giải quyết, khắc phục những rắc rối từ chị” - Phương Anh nói.

Thành công từ muôn vàn thất bại

Bùi Thị Phương từng là học sinh lớp chuyên Lý, trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ (Hòa Bình). Thời phổ thông, cô luôn giữ vững danh hiệu học sinh giỏi nhất nhì lớp. Điểm nổi bật của cô gái sinh năm 1989 là tiếp thu nhanh và tính toán nhạy bén.

Thế nhưng, thời gian đầu trở thành sinh viên Đại học Ngoại thương, Phương gặp nhiều khó khăn trong các môn, điển hình là tiếng Anh. Điều này khiến cô chán nản với những kiến thức, vỡ mộng về cuộc sống sinh viên từng mơ ước trước đó.

Phương cho biết, chính thời điểm này, cô cảm thấy bị coi thường vì vốn tiếng Anh ít ỏi. Sự thất vọng về những kiến thức khô khan và thua kém bạn bè khiến cô mỗi ngày đến lớp đều cảm thấy nặng nề.

“Năm nhất ĐH trôi qua nhanh nhưng trong mình không đọng lại gì ngoài sự thất vọng. Mình từng buồn chán và suy nghĩ rất nhiều về chuyện học tập. Bản thân cũng tham khảo không ít ý kiến từ các anh chị khóa trên. Hầu hết đều hoang mang trước câu hỏi “Bạn sẽ làm gì sau khi tốt nghiệp?” - Phương Bùi chia sẻ.

Với suy nghĩ mông lung về tương lai, cùng cảm giác không chấp nhận sự chững lại của bản thân, năm 2009, 8X bắt đầu hành trình khởi nghiệp. Công việc cô chọn là buôn bán quần áo.

Khó khăn đầu tiên Phương gặp phải là vấn đề về vốn. Song với nữ sinh năm nhất, một khi đã quyết tâm, cô sẽ luôn cố gắng tìm cách.

“Lúc ấy, mình dùng cái mác sinh viên Ngoại thương đề xuất ý kiến kinh doanh với gia đình. Mọi người không hài lòng khi con gái học trường danh tiếng lại quyết định làm con buôn kiếm tiền. Nhưng với sự thuyết phục không mệt mỏi, cuối cùng, người thân cũng cho vay" - Phương kể.

Theo Phương, tấm bằng ĐH chưa đủ để đánh giá một con người, quan trọng nhất vẫn là việc hoàn thiện bản thân và luôn biết mình muốn gì.

Đến năm 3 đại học, từ một shop thời trang nhỏ trên đường Láng, 8X gây dựng cho mình 3 cơ sở mới tại những địa điểm khác nhau. Song thành công ban đầu chưa đem đến cho cô gái Hòa Bình sự thỏa mãn. Số tiền kiếm được ngoài đem trả nợ vốn ban đầu, phần lớn Phương dùng cho các khóa học bổ trợ kiến thức.

Sau 3 năm, số tiền dư lời không nhiều, Phương Bùi cho rằng, cửa hàng thời trang không phải đích đến cô hướng tới. Suy nghĩ nhanh chóng, cô quyết định chuyển nhượng "cơ ngơi".

Năm 2012, cô gái sinh năm 1989 bắt tay vào kế hoạch mới - mở trung tâm tiếng Anh.

Lần thứ hai khởi động cũng gặp không ít khó khăn từ việc tìm kiếm địa điểm, thuê nhân viên… Số tiền vốn không nhiều, Phương tiếp tục vay 40 triệu từ người thân.

Ban đầu, trung tâm của Phương chỉ có hai phòng học nhỏ. Cô gần như không có lúc nghỉ ngơi vì một mình phụ trách nhiều công việc. Ngày mới thành lập, trung tâm gần như lỗ vốn bởi chưa thu hút được học viên.

Khó khăn không khiến cô nản lòng. Phương luôn tự nhủ, nếu bỏ cuộc một lần, sẽ dễ dàng buông xuôi những lần tiếp theo. "Không con đường nào khác ngoài cố gắng. Mỗi lúc như vậy, đầu óc mình lại mở ra, sẵn sàng học hỏi và chăm chỉ tìm ra giải pháp" - 8X nói.

Tính đến nay, với số vốn ít ỏi, Phương đã xây dựng được một doanh nghiệp có giá trị. Song cô cho hay, phần lớn số tiền kiếm về cô đều dành để phát triển chất lượng và mở rộng chi nhánh các tỉnh.

Bằng tốt nghiệp không nói lên tất cả

Phương Bùi tiết lộ, đến giờ, cô vẫn chưa tốt nghiệp đại học. 8X luôn quan niệm, bằng cấp không nói lên tất cả.

“Nhìn tấm bằng đánh giá một con người là chưa đủ. Yếu tố mình quan tâm nhất là việc hoàn thiện bản thân, biết mình muốn và có thể làm gì để luôn cảm thấy hạnh phúc, bình an" - Phương bày tỏ.

Trong tương lai, Phương vẫn tiếp tục tập trung cho giáo dục với kế hoạch mở trường phát triển tài năng trẻ và trường dạy nghề.

Đầu năm 2016, 8X dự định đưa các sản phẩm rau quả, thịt sạch của bà con nông dân ra thị trường với mong muốn phát triển nông nghiệp Việt Nam và giáo dục người Việt dùng bảo vệ sức khỏe lâu dài.

"Sau 45 tuổi, mình muốn đi làm từ thiện với 90% tài sản của công ty đóng góp. Mình hy vọng luôn mạnh khỏe để có thể theo đuổi đam mê và mang điều tốt đẹp tới cho những người nghèo khó" - Phương chia sẻ.

Nhật Ánh

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/nu-ceo-8x-mo-12-co-so-day-tieng-anh-tren-khap-ca-nuoc-post616958.html