Nông sản sạch cầu dẫn ra biển xa

Cuộc tọa đàm “nông sản sạch: đường dẫn tới tương lai” do TGTT tổ chức mới đây đã chỉ ra: làm nông sản sạch là có thị trường, không khó về công nghệ và chính là con đường đưa nông sản việt nam vượt hàng rào kỹ thuật, hội nhập thành công.

Anh Nguyễn Quang, chủ một tiệm bánh ở Thủ Đức bị vợ sai lên tận chợ Hòa Bình (quận 5) mua miếng thịt heo VietGAP, sau khi nghe một người bạn nói: “Luộc miếng thịt thơm, mỡ săn chắc, không sủi bọt, nước không đục. Giống như ăn miếng thịt heo hồi xưa ở quê”.

Việc người dân xếp hàng mua thịt heo VietGAP ở chợ Hòa Bình. Rồi các doanh nghiệp nhảy vào tranh mua heo VietGAP ở các trang trại trên Củ Chi chứng tỏ sản phẩm sạch là có thị trường, nếu doanh nghiệp tạo dựng được niềm tin nơi người tiêu dùng.

Có thị trường

Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, giám đốc công ty An Hạ, doanh nghiệp đầu tiên đưa thịt heo VietGAP đến tay người tiêu dùng TP.HCM, cho biết dù là một công ty nhỏ, nhưng An Hạ vẫn cạnh tranh được và có hướng đi bền vững khi không chỉ ra chợ, sản phẩm còn được đưa vào các nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể.

Một loại cà chua tím giống mới

Làm VietGAP mỗi trại cũng chỉ chừng 400 – 500 con. Các công ty lớn không theo được để mua. Mua qua thương lái thì không đúng quy trình, bởi không chắc thương lái có trộn heo thường với heo VietGAP hay không. “Nhưng An Hạ lại theo được để mua, xét nghiệm lại trước khi giết mổ, trước thực tế không biết người nuôi thỉnh thoảng có lén bỏ thuốc cấm vô thức ăn không”, bà Thắm nói. Chính sự cẩn thận này đã đảm bảo chất lượng cho miếng thịt heo của An Hạ, và người tiêu dùng tin tưởng sau khi dùng thử.

Thịt VietGAP bán chạy, các công ty lớn lĩnh vực phân phối nhảy vào tranh mua. Dù An Hạ hiện đang gặp trục trặc ở khâu phân phối khi các doanh nghiệp lớn tranh mua, nhưng thực tế của An Hạ cho thấy nhu cầu của thị trường là rất lớn, vấn đề là phải tạo được niềm tin của người tiêu dùng.

Ông Đoàn Hữu Đức, tổng giám đốc công ty AVC, cũng cho biết đã hợp tác với các đầu bếp khách sạn lớn dùng nguyên liệu sạch Việt Nam chế biến những món ăn vào khách sạn 5 sao để sản phẩm có giá trị cao. Ông cho biết sẽ đi tiếp đầu tư vào những nông dân sản xuất nhỏ nhưng làm hàng sạch giá trị cao, bán giá cao. Rõ ràng, đây là hướng đi mà cho dù có mở cửa, các tập đoàn lớn nước ngoài cũng không thể cạnh tranh được.

Công ty cổ phần TM & SX Viễn Phú là doanh nghiệp nổi tiếng với việc cung cấp thực phẩm hữu cơ có chứng nhận từ các tổ chức quốc tế với thương hiệu HoaSuaFoods. Từ vùng đất hoang U Minh Hạ phèn trắng, cá không sống được, nước trong veo nhìn thấy đáy sâu 3 – 4 thước. Sau sáu năm đầu tư hạ tầng, cải tạo đất, cá sống được, cây cỏ mọc được và cho ra những sản phẩm hữu cơ như gạo, rau quả, thủy sản. Sản phẩm HoaSuaFoods bán trong chuỗi cửa hàng thực phẩm hữu cơ HoaSuaFoods Market & Bistro và đã xuất khẩu được sang các thị trường khó tính như Anh, Mỹ…

Ông Võ Minh Khải, giám đốc Viễn Phú, nhận xét: “Qua thực tế tiếp cận, tôi thấy nhu cầu về sản phẩm hữu cơ của thị trường trong nước là rất cao, chứ không chỉ xuất khẩu”. DNTN Cỏ May chuẩn bị đưa ra thị trường sản phẩm nấm rơm “lớn như cái tách” vào tháng 1.2016. Ông Phạm Minh Thiện, giám đốc kinh doanh DNTN Cỏ May, cho biết: “Nấm được nuôi trồng trong nhà kính, trồng trên loại rơm mua từ vùng lúa VietGAP, được hấp và xử lý vôi. Ăn êm lắm, có hương vị đặc trưng. Chúng tôi đã kiểm tra sản phẩm ở nước ngoài và kết quả là sản phẩm không nhiễm kim loại nặng hoặc chỉ nhiễm ở mức cho phép”. Làm nấm rơm mở ra cơ hội nữa là sau khi trồng xong thì có rơm sạch làm phân. “Và chúng tôi sẽ nghiên cứu làm đất sạch xuất khẩu”.

Các doanh nghiệp tham dự tọa đàm đều đồng ý rằng, áp dụng công nghệ có thể giúp sản phẩm đẹp, gia tăng năng suất, giảm chi phí nhưng sản phẩm làm ra không phải là sạch. Và nếu chỉ như thế thì không thể cạnh tranh với các nước. Bởi hiện nay về nông sản cung đã vượt cầu. Nhưng thiếu cái người ta cần là sản phẩm sạch có tiêu chuẩn. Công nghệ hữu cơ không phải là cao siêu và nếu Việt Nam làm thì chi phí sẽ thấp hơn các nước, và cánh cửa thị trường sẽ mở ra.

Doanh nghiệp đơn độc

“317 hecta nông trại của chúng tôi chỉ là mô hình mẫu để chuyển giao cho nông dân làm theo và mô hình có thể nhân rộng lên vài chục ngàn hecta. Muốn thành công thì phải làm lớn. Mà làm lớn thì phải đầu tư”, ông Khải nói.

Dâu Hạ Châu đang được canh tác theo xu hướng sạch

Ông Khải cho biết từng thất bại tám năm khi ông đi “dụ” nông dân làm: “Chúng tôi ra sản phẩm sạch, nhưng “da beo”, không chứng nhận quốc tế được”. Đây là khó khăn chung của nhiều doanh nghiệp trong sản xuất sạch, bởi cần vùng đệm an toàn trong tiêu chí đánh giá. Do vậy, ông Khải phải làm lớn. Câu chuyện của ông Khải lại gợi ra vấn đề quy hoạch và hạn điền. Nếu Nhà nước muốn sản xuất sạch, cần hỗ trợ doanh nghiệp.

Có chính sách, thì cần thực thi. Nghị định 61 của Chính phủ nêu rõ khuyến khích, ưu đãi nhà đầu tư trong vùng đặc biệt khó khăn, được ưu tiên tiếp cận vốn... Vậy mà ông Khải nói: “Từ lúc làm tới nay, chúng tôi không vay được đồng nào”. Ông Bùi Phong Lưu, giám đốc công ty Bùi Văn Ngọ, cũng nói: “Chính phủ có nhiều chính sách nhưng không thực hiện. Chẳng hạn, không ai vay được tiền làm xay xát lúa…” Từ thực tế của mình, ông Khải cho rằng: “Để hội nhập thành công, không phải vấn đề kỹ thuật, cũng không phải vấn đề thị trường, mà là chính sách”.

Nếu Nhà nước muốn phát triển nông sản sạch, vừa phục vụ người dân trong nước, vừa vượt rào cản kỹ thuật của TPP hay FTA với EU, thì phải hành động. Nếu có chính sách cụ thể, dòng chảy đầu tư sẽ đổ vào sản xuất nông sản sạch.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/nha-nong/nong-san-sach-cau-dan-ra-bien-xa-659424.html