Nồng nàn hương mùi già sáng mồng 1 Tết

Sớm đầu năm an lành, nhiều gia đình vẫn duy trì phong tục rửa mặt bên chậu mùi già thơm nồng ấm áp, khiến tâm hồn thư thái, dễ chịu, hòa quyện tinh hoa đất trời, gột đi hết những muộn phiền năm cũ.

Người Việt Nam coi việc đón năm mới là điều vô cùng hệ trọng. Nó khởi đầu cho cả hành trình mười hai tháng tiếp theo. Đầu có xuôi thì đuôi mới lọt. Chính vì thế mà đón năm mới cũng đồng nghĩa với tâm trạng mới, sức sống mới, niềm vui mới, cùng với cả một cơ thể, tinh thần khác không còn như năm cũ.

Điều đó thể hiện qua tất cả những công việc chuẩn bị đón Tết theo phong tục truyền thống như tắm tất niên, làm cỗ cúng giao thừa, xông đất, chúc Tết… và nhất là rửa mặt sáng sớm mùng 1 đón tân niên bằng nước mùi già.

Người xưa quan niệm hương thơm của cây mùi sẽ đẩy lùi và rửa sạch những điều không tốt của năm cũ trên thân thể để đón chào năm mới với những điều tốt lành. Trước đó, vào ngày 30 Tết, mọi người đã tắm tất niên, với nước tắm được nấu từ cây mùi già, lá bưởi, đại bi, lá quế, xuyên tâm liên...được cha ông ta dùng để gột rửa cơ thể, tẩy trừ hết bụi bặm cùng những điều không may mắn của năm cũ để đón năm mới đến với bản thể sạch sẽ, thanh khiết.

Những ngày 28, 29, 30 từng gánh hàng rong chở hàng bó rau mùi đã thơm dịu dàng khắp ngõ phố. Các bà, các cô vội vã chọn mua để dành nấu nước cho cả gia đình vào tinh mơ mùng 1 Tết. Mẹ tôi cũng treo trên gác bếp một bó mùi to, suốt hơn 20 năm qua chưa một lần mẹ quên đun thứ nước nồng nàn kỳ diệu ấy cho bố và chị em tôi. Mẹ luôn chuẩn bị một chậu to cho cả nhà hân hoan rửa mặt trong cái se lạnh mùa xuân. Thức dậy sau đêm giao thừa mà không ngửi thấy hương mùi, có lẽ tôi sẽ hụt hẫng vô cùng...

Cây mùi dùng để nấu nước rửa mặt phải là cây già đã có hoa, thân cây to, mập, hạt trĩu đầu cành. Để hương thơm của lá mùi được nguyên vẹn, thứ nước dùng để đun phải là nước mưa được lọc sạch. Lấy một bó mùi rửa sạch, cuộn trong nồi sau đó đổ ngập nước đun lửa to. Nước mùi già dần chuyển sang màu nâu nhạt, từng sợi khói lan tỏa hương thơm nồng nàn như kết tinh của thiên nhiên, của đất trời, của hương vị đồng quê, của rơm của rạ...làm ấm lòng biết bao người.

Chỉ đơn giản thế thôi mà khiến ai cũng cảm thấy Tết ý nghĩa và hạnh phúc đến nhường nào. Nhất là những người xa quê hương ở hải ngoại, tết đến xuân sang lại nao lòng nhớ hương nước mùi nấu bằng bàn tay của người mẹ, người vợ Việt Nam, đậm nét văn hóa Việt và thấm đượm tinh khôi...

Linh Thành

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/nong-nan-huong-mui-gia-sang-mong-1-tet-211588.html