Nông dân lo mất mùa vì… thủ đô cấm đường

Dân Việt - “Chúng tôi đang sống dở chết dở vì Thủ đô cấm đường đây", ông Nguyễn Minh Hưng – Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề, Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên bức xúc. Nông dân, cán bộ Hội phải thức tới 3-4 giờ sáng để nhận và “canh” đống phân bón vừa chuyển đến.

Ông Hưng cho biết, những năm trước, đến thời điểm cận Tết Nguyên đán, Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên đã nhận tín chấp từ 700-800 tấn phân bón cung ứng trả chậm từ Công ty CP Phân lân nung chảy Văn Điển (Hà Nội) cho nông dân vào vụ mùa, kịp có phân bón cấy ngay trong Tết hoặc mùng 3, mùng 4 Tết. Nhưng Tết năm nay, tổng số phân bón mà Hội Nông dân Thái Nguyên nhận từ doanh nghiệp chỉ mới đạt 200 tấn.

Phân bón ứ đọng ở Công ty CP Phân lân nung chảy Văn Điển, trong khi nông dân nhiều tỉnh Bắc Bộ dài cổ chờ phân bón.

Chầu chực suốt đêm chờ phân bón

“Ngày thường, mỗi ngày chúng tôi nhận 3-5 xe tải phân bón, nhưng hiện nay chỉ nhận 1-2 chuyến. Ngay hôm qua (5.2), chúng tôi giao hàng ở xã Tân Dương (huyện Định Hóa, Thái Nguyên), cán bộ Hội và nông dân phải thức đêm từ 3-4 giờ sáng để đón phân bón, bốc dỡ giải phóng cho xe. Bà con nông dân và cán bộ Hội ở đây sẽ phải thức đêm đến tận 29 Tết đón phân bón, nhưng chưa chắc được cung ứng đủ– ông Nguyễn Minh Hưng cho biết. Với vai trò là tổ chức tín chấp phân bón trả chậm cho nông dân, nếu cung ứng chậm, uy tín của Hội ít nhiều cũng bị ảnh hưởng.

Trao đổi với phóng viên Báo Nông Thôn Ngày Nay vào cuối ngày 6.2, ông Nguyễn Xuân Vượng – Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phù Cừ (Hưng Yên) cũng cho biết: Do bị ách tắc chậm trễ, trong 10 ngày qua không có phân bón về, nên một số nông dân đã hủy “đơn đặt hàng” với Hội (khoảng 30-40 tấn) để mua phân bón các nguồn khác. Cũng giống như Thái Nguyên, vì xe tải nặng chỉ được lưu hành qua Hà Nội vào một số thời điểm ban đêm, Chủ tịch, Phó chủ tịch Hội Nông dân phải thức đêm nhận hàng, ngồi trông coi đến sáng.

Thái Nguyên, Hưng Yên không phải là địa phương cá biệt bị ảnh hưởng xấu bởi lệnh cấm đường của Hà Nội. “Nạn nhân” của lệnh cấm này còn trải rộng đến các tỉnh như Tuyên Quang, Thái Bình, Bắc Ninh…

“Cán bộ Hội và nông dân phải thức đêm từ 3-4 giờ sáng để đón phân bón, bốc dỡ giải phóng cho xe. Bà con nông dân và cán bộ Hội ở đây sẽ phải thức đêm đến tận 29 Tết đón phân bón, nhưng chưa chắc được cung ứng đủ”.

Ông Nguyễn Minh Hưng

Trao đổi với phóng viên Dân Việt qua điện thoại , chị Hoàng Thị Loan – Chủ đại lý phân bón Loan Ngôn (Chiêm Hóa, Tuyên Quang) phàn nàn về tiến độ chậm chạp trong cung ứng phân bón. Chị Loan cho biết: Không chỉ ảnh hưởng, mà ảnh hưởng rất lớn. Trước đây Hà Nội chưa cấm đường, xe tải chở mỗi chuyến 50-100 tấn phân bón lên Tuyên Quang, giá thuê chở từ 200.000 đồng/tấn. Nay xe tải nặng bị hạn chế lưu thông ở Hà Nội, Doanh nghiệp hoặc đại lý phải tìm thuê xe tải 20-22 tấn, giá chở thuê lên Chiêm Hóa đội tới 270.000 đồng/tấn (thêm 70.000 đồng/tấn so với thường ngày). Chi phí đội lên này, nông dân phải chịu chi trả. Đại lý của tôi thường nhận đến 2.000 tấn phân bón Năm Sao, Văn Điển, cung ứng cho 3 huyện Chiêm Hóa, Hàm Yên (Tuyên Quang) và Vĩnh Tuy (Hà Giang). Nhưng đến nay, nay chỉ mới đạt 1.000 tấn. Đến hôm qua (5.2), kho của tôi đã sạch sẽ, sáng 6.2 có thêm 1 xe 20 tấn, nhưng cũng đã được lấy hết.

Lợi đi lại, hại sản xuất

“Việc cấm đường mà không lưu ý thỏa đáng đến doanh nghiệp và lịch sản xuất nông nghiệp khiến cả doanh nghiệp, đại lý và nông dân đều khổ. Nếu nông dân cấy chay (không bón phân) thì lúa sẽ bị lốp, không cứng cây, năng suất lúa chắc chắn sẽ giảm” – Bà Hoàng Thị Loan nhận định. Không biết những người tham mưu và ban hành lệnh cấm đường ở Hà Nội có lường trước được những hệ lụy này?

Trước đó, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã đưa ra kế hoạch hạn chế phương tiện hoạt động trên hàng loạt tuyến phố dịp nghỉ Tết Quý Tỵ 2013, gây khó khăn và tổn thất cho nhiều doanh nghiệp ở Hà Nội (xem bài: Doanh nghiệp phân bón khốn đốn vì lệnh cấm đường ).

Cho dù các doanh nghiệp đã lên tiếng đề nghị thành phố Hà Nội điều chỉnh lệnh cấm đường theo hướng bỏ cấm đường vành đai 3, hoặc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp giải phóng hàng ra khỏi thành phố, nhưng đề nghị này chưa đáp ứng.

Việc cấm đường để điều tiết giao thông những ngày cận Tết là cần phải làm đối với Hà Nội, nhưng có thể cân nhắc “dỡ lệnh cấm” đường vành đai 3 hoặc phân luồng” để giảm tải đối với những con đường có nhiều doanh nghiệp phải cung ứng hàng ra ngoài Hà Nội. Thời gian từ 29 tháng Chạp đến mùng 7 Tết năm nay, người tham gia giao thông Hà Nội sẽ giảm một lượng lớn, cần có các giải pháp để cân bằng lợi ích. Nếu chỉ cân nhắc sự tiện lợi của giao thông Hà Nội mà không để ý, không cân nhắc những hệ lụy của nông dân nhiều tỉnh khác, thì cần sớm xem xét điều chỉnh. Bác Hồ từng dạy: Việc có ích cho dân dù nhỏ cũng hết sức làm, việc có hại cho dân, dù nhỏ cũng hết sức tránh”. Hi vọng, nhà chức trách Hà Nội không vì “bận bịu” chuyện mấy ngày Tết mà để nhiều người dân tỉnh khác phải thức đêm chầu chực đón phân bón, phải cấy chay hay phải chịu thêm cước phí 70.000 đồng/tấn phân bón vì một lệnh cấm.

Hoàng Sơn

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/123606p1c34/nong-dan-lo-mat-mua-vi-thu-do-cam-duong.htm