Nói với em

Thơ Vũ Quần Phương.

Nếu nhắm mắt trong vườn lộng gió
Sẽ được nghe nhiều tiếng chim hay
Tiếng lích chích chim sâu trong lá
Con chìa vôi vừa hót vừa bay.

Nếu nhắm mắt nghe bà kể chuyện
Sẽ được nhìn thấy các bà tiên
Thấy chú bé đi hài bảy dặm
Quả thị thơm, cô Tấm rất hiền

Nếu nhắm mắt nghĩ về cha mẹ
Đã nuôi em khôn lớn từng ngày
Tay bồng bế sớm khuya vất vả
Mắt nhắm rồi, lại mở ra ngay.

Con người ta ngoại trừ khi ngủ, thường nhắm mắt trong một số trường hợp: hoặc vì sợ hãi, xúc động, hoặc vì e lệ... Ấy là những trường hợp nhắm mắt đột ngột bởi tác động ngoại cảnh. Còn những trường hợp chủ động nhắm mắt như nhân vật nhỏ của bài thơ, thì cả ba trường hợp ấy, sự nhắm mắt mỗi lần đều có một ý nghĩa khác nhau.

Trường hợp thứ nhất:

Nếu nhắm mắt trong vườn lộng gió
Sẽ được nghe nhiều tiếng chim hay

Ấy là nhắm mắt để cảm nghe. Bao giờ cũng vậy, khi ta khép bớt một giác quan lại, thì giác quan kia sẽ làm việc mạnh hơn, có tính tập trung hơn. Nó như việc ta khép bớt cửa phòng, để âm thanh bên trong đừng bị phân tán. Và vì nhắm mắt để cảm nghe nên em bé trong bài thơ có thể nghe được những tiếng chim ẩn chìm sâu lắng nhất. Hơn thế, còn phát hiện ra được tiếng "con chìa vôi vừa hót vừa bay". Khi mắt đã nhường cho sự dõi theo của tai, người ta có thể dễ dàng cảm nhận được điều kì diệu ấy thôi.

Trường hợp thứ hai:

Nếu nhắm mắt nghe bà kể chuyện
Sẽ được nhìn thấy các bà tiên

Đây là nhắm mắt để tưởng tượng, để hình dung. Điều này hay xảy đến với các cô cậu giàu mơ mộng, lại đang được bà kể cho nghe những câu chuyện cổ tích li kỳ. Nếu biết lặng im nghe bà kể, các em sẽ bắt gặp rất nhiều, rất nhiều những nhân vật huyền thoại đẹp đẽ kì diệu vô cùng, cả về con người và tâm tính.

Trường hợp thứ ba:

Nếu nhắm mắt nghĩ về cha mẹ
Đã nuôi em khôn lớn từng ngày

Ấy là nhắm mắt để nghĩ về lẽ đời. Có lẽ ở một lứa tuổi nào đó mới có đặc điểm này. Công lao nuôi nấng vất vả của bố mẹ, có nhiều người chỉ nghĩ đến, mà khi chết, thấy mình chưa làm gì đền đáp được, còn chẳng nhắm mắt nổi, huống hồ đây lại là nhắm mắt mà nghĩ ngợi. Tác giả đã phải dùng một động tác mạnh, xốc dậy cảm xúc:

Nếu nhắm mắt nghĩ về cha mẹ
Đã nuôi em khôn lớn từng ngày
Tay bồng bế sớm khuya vất vả
Mắt nhắm rồi lại mở ra ngay.

Thật là: "Lạ thay sức mạnh của tâm hồn". Chỉ có con người mới có những cái "mở mắt" bừng thức như thế này, kiểu thế này.

Đây là bài thơ có âm điệu ngọt ngào, như một lời ru thuở ấu thơ. Bài thơ vừa có chỗ viết cho các em bé, lại có chỗ là để dành cho các em lớn hơn, đã biết phân tích, ngẫm ngợi, nghĩ suy về lẽ đời, về gia đình. Bài thơ vừa đem đến những hứng cảm về thẩm mỹ lại vừa có ý nghĩa giáo dục. Các em nhỏ đọc, thuộc, thấm đẫm trong hồn cái ngọt ngào chan chứa của bài thơ, và đến một ngày nào, chợt giật mình bừng thức bởi những ý tưởng của nhà thơ ở những câu thơ cuối. Bài thơ sẽ có cách đi, cách đến từng bước trong tâm hồn và trong trí tuệ của các em như thế...

Nguồn CAND: http://vnca.cand.com.vn/vi-vn/diendan/2012/8/57369.cand