Nỗi thổn thức của Đại thi hào Nguyễn Du

'Vết nứt quả đất xuyên qua trái tim nhà thơ', với Nguyễn Du, quả đúng như vậy! Nguyễn Du đau nỗi đau nhân thế. Âm hưởng chủ đạo trong thế giới văn thơ của Cụ là lòng xót thương vô hạn mọi kiếp người khốn khổ. Sợi chỉ đỏ xuyên suốt trước tác, dù viết bằng chữ Hán hay chữ Nôm, viết trong những hoàn cảnh, về những đề tài, đối tượng cảm hứng khác nhau, không gì khác, ấy là nỗi thổn thức thân phận khổ ải, bất hạnh của đồng loại.

Tượng đài cụ Nguyễn trong Khu di tích lưu niệm Nguyễn Du

Tượng đài cụ Nguyễn trong Khu di tích lưu niệm Nguyễn Du

Văn tế thập loại chúng sinh

Còn gọi là Văn chiêu hồn hay Văn tế chiêu hồn làm theo thể thơ song thất lục bát, gồm 184 câu viết bằng chữ Nôm. Cho đến nay chưa rõ thời điểm ra đời. Ông Trần Thanh Mại trên tờ Đông Dương tuần báo năm 1939, cho rằng, Nguyễn Du viết bài văn tế ngay sau một mùa dịch làm hàng triệu người chết, nơi nơi âm khí nặng nề, các chùa đều lập đàn cầu siêu cho các linh hồn. Nhưng học giả Hoàng Xuân Hãn lại có ý kiến: Có lẽ Nguyễn Du viết trước cả Truyện Kiều, lúc Cụ còn làm Cai bạ ở Quảng Bình.

Cuốn Từ điển văn học (bộ mới, NXB Thế giới, 2004, tr.1972) ghi: Người đầu tiên phát hiện bài văn tại chùa Diệc (TP Vinh) là Giáo sư Lê Thước. Nhưng cổ nhất là bản khắc ván năm 1895 của nhà sư Chính Đại, tàng trữ ở chùa Hưng Phúc, xã Xuân Lôi, huyện Võ Giàng, Bắc Ninh. Từ hai bản này, học giả Hoàng Xuân Hãn đã khảo chứng, hiệu đính kỹ, đưa ra một văn bản có độ tin cậy cao hơn. 184 câu thơ song thất lục bát có vần điệu uyển chuyển, truyền đến người đọc, người nghe lòng trắc ẩn, nỗi thổn thức, được trải ra 4 phần: 20 câu đầu - cảnh một chiều thu tháng bảy mưa dầm “sùi sụt”, “lạnh buốt xương khô” khiến Nguyễn Du chạnh lòng thương chúng sinh đang bơ vơ nơi cõi âm; 116 câu: nêu tên từng hạng người và những cái chết thương tâm của họ; 20 câu tiếp - thế giới cô hồn thê lương, thảm thiết Nghe gà gáy tìm đường lánh ẩn/ Lặn mặt trời lẩn thẩn tìm ra/ Lôi thôi bồng trẻ dắt già…; 28 câu cuối: thỉnh cầu phép Phật nhiệm màu giải thoát mọi cô hồn và lời mời gọi các cô hồn nhận phần lễ cúng.

Văn chiêu hồn là sản phẩm của một khiếu năng tưởng tượng phi thường và tính ẩn dụ thâm thúy về thế giới bên kia của ngòi bút thi hào. Người đọc sẽ tự nhiên liên hệ với Thần khúc, trường ca vĩ đại của nhà thơ Ý thời Trung cổ Dante Alighien (1265-1321). Nhưng điểm khác, ở Văn chiêu hồn, hai cõi dương và âm song hành, con người trong đó không ai hiện lên là tội đồ, dù khi sống quý hay hèn, hiền hay ngu, mà chỉ vì hoàn cảnh, tham vọng nên vấp phải cái chết thảm. Trong nhãn quan thi hào, cái chết là nỗi khổ chung của con người trong chuỗi sinh - lão - bệnh - tử, là nơi hội tụ của nhân loại, cầu Nại Hà kẻ trước người sau dù mỗi người một nghiệp khác nhau, nhà thơ thương hết thảy, một tình thương không ranh giới.

Một bức vẽ theo Văn tế thập loại chúng sinh bằng chất liệu chì và sáp của họa sĩ Tô Bích Hải

Dù là kẻ tính đường kiêu hãnh, giàu sang trong màn loan trướng huệ, làm quan to mũ cao, áo rộng, những viên tướng bài binh, bố trận giải thây trăm họ nên công một người, những kẻ rắp cầu chữ quý, Sống thời tiền chảy bạc ròng/ Thác không đem được một đồng nào đi và Những kẻ vào sông ra bể, Gặp cơn sóng tố giữa dòng/ Đem thân vùi rấp vào lòng kình nghê, kẻ đi về buôn bán, Đòn gánh tre chín dạn hai vai, kẻ mắc vào khóa lính, Bỏ cửa nhà đi gánh việc quan ở Buổi chiến trận mạng người như rác, kẻ Liều tuổi xanh buôn nguyệt bán hoa/ Ngẩn ngơ khi trở về già/ Đâu chồng con tá biết là cậy ai?, kẻ Dõi tháng ngày hành khất ngược xuôi, Sống nhờ hàng xứ, chết vùi đường quan, kẻ mắc oan tù rạc, Gửi mình vào chiếu rách một manh/ Nắm xương chôn rấp góc thành, Những tiểu nhi tấm bé, Lỗi giờ sinh lìa mẹ lìa cha/ Lấy ai bồng bế vào ra/ U ơ tiếng khóc thiết tha nỗi lòng, kẻ hữu sinh vô dưỡng, cả đời không con cái và bao kẻ chết thảm bởi đủ loại tai nạn: thủy, hỏa, ác thú...

Tuy vậy, tình cảm thi hào vẫn nghiêng, đọng ở những người nghèo khổ, thấp cổ, bé họng trong xã hội. Bởi ngoài cái khổ chung - cái chết, họ còn chịu thêm cái khổ riêng khi ở trần ai; vả lại, trong nhãn quan thi hào, bên phần bác ái của một hành giả, người tu tập còn có cái nhìn cụ thể, trực giác của người nghệ sỹ. Viết về họ, Nguyễn Du có những câu thơ hết sức thống thiết, quả là xưa nay chưa từng có dù đó là nhà thơ cùng xương thịt với nhân dân (Xuân Diệu).

Văn tế thập loại chúng sinh đề cập đến rộng khắp mọi kiếp người. Số 10 (thập loại) chỉ là một con số tượng trưng cho sự toàn vẹn. Diễn tả cảnh khổ ải ở cõi âm, Nguyễn Du như muốn cảnh báo người sống đang lao đầu vào hố lợi danh, tiền của. Người đọc, nhất là người đọc ngày nay, soi mình vào những câu: Sống thời tiền chảy, bạc ròng/ Thác không đem được một đồng nào đi/… Thịnh mãn lắm, oán thù càng lắm/ Trăm loài ma mộ nấm chung quanh/ Nghìn vàng khôn đổi được mình/ Lầu ca, viện hát tan tành còn đâu? đâu dễ không giật mình tỉnh ngộ!

Nằm trong hệ văn tế cúng - ngày nay, rằm tháng bảy xá tội vong nhân, một số đền, chùa vẫn tụng đọc, Văn tế thập loại chúng sinh lại không viết bằng thể văn tế biền ngẫu thường thấy hay bằng văn xuôi, mà bằng thể thơ song thất lục bát có sức truyền cảm mạnh. Trong bài văn có một ít điển tích nhà Phật nhưng hầu hết là ngôn từ đời thường rất dễ hiểu; cùng giọng điệu thơ biến đổi liên tục, bất ngờ, ngôn ngữ ấy truyền đến người đọc, người nghe nỗi thống khổ, tình thương vô biên của Đại thi hào Nguyễn Du đối với con người - nhân loại.

Sở kiến hành (Những điều trông thấy)

Bài thơ nằm gần cuối tập thơ chữ Hán Bắc hành tạp lục, thi hào sáng tác trong chuyến làm trưởng đoàn sứ bộ đi sứ Trung Quốc từ tháng 2/1813 đến cuối năm 1813. Chọn thể hành”- thể thơ có thể ghi chép, mô tả - Những điều trông thấy như một thiên ký sự về cảnh ngộ của Một mẹ cùng ba con/ Lê la bên đường nọ/ Đứa bé ôm trong lòng/ Đứa lớn tay mang giỏ tha hương cầu thực. Hình dung con người và nghệ sỹ Nguyễn Du, có thể hiện lên một chân dung tai mắt dương rộng, luôn lắng đọng Những điều trông thấy mà đau đớn lòng (Truyện Kiều).

Nói bài thơ như thiên ký sự, viết theo thể hành, nhưng hết thảy nỗi bi thương của bốn mẹ con người Trung Hoa, thi hào đã khắc vào tim óc, viết ra bằng máu và nước mắt mình. Nhà thơ Việt Nam nhập thân, hòa làm một với nỗi lòng người mẹ khốn khổ:

Kiến nhân bất ngưỡng thị,

Lệ lưu khâm lang lang.

Quần nhi thả hỉ tiếu,

Bất tri mẫu tâm thương.

(Gặp người chẳng dám nhìn,

Lệ sa vạt áo ướt,

Mấy con vẫn cười đùa,

Biết đâu lòng mẹ xót).

(Nguyễn Hữu Bổng - dịch thơ)

Bài thơ thật nhiều đối lập: gió lạnh tràn về - quần áo bốn mẹ con lam lũ; trưa qua, chiều xuống - bốn mẹ con vẫn chưa có miếng gì vào bụng; lòng mẹ xót - con thơ dại vẫn hồn nhiên cười đùa; bốn mẹ con đói khát - đêm qua ở trạm Tây Hà, mâm cỗ cung đốn cho đoàn sứ bộ sang vô kể: Vây cá hầm gân hươu, lợn dê mâm đầy ngút/ Quan lớn không gắp qua/ Các thầy chỉ nếm chút/ Thức ăn thừa đổ đi/ Quanh xóm no đàn chó. Ở đây, sự hài hòa giữa nghệ thuật đối lập và nội dung tư tưởng của bài thơ đã đạt đến độ nhuần nhuyễn. Trong tập Bắc hành tạp lục, không ít lần Nguyễn Du đã đặt bên nhau theo chiều đối sánh sự thừa mứa cơm gạo, rượu thịt của đoàn sứ bộ mà mình là trưởng đoàn với cảnh thiếu thốn, đói khát của người dân lao lực Trung Hoa. Giống như nhiều sáng tác của văn hào Lỗ Tấn (1881-1936), thi hào Việt Nam luôn “tự kỷ ám thị”, tự thấy xót xa và hối lỗi. Bài thơ kết lại đột ngột, rất quả cảm nhưng không làm người đọc bất ngờ:

Thùy nhân tả thử đồ,

Trì dĩ phụng quân vương

(Ai vẽ bức tranh này,

Dâng lên nhà vua rõ!)

Vua Trung Hoa và dĩ nhiên cả vua Việt Nam, triều Nguyễn! Dọc đường đi sứ, Nguyễn Du luôn liên hệ tình cảnh người dân bản xứ với dân Việt Nam mình:

Chỉ đạo Trung Hoa tẫn ôn bão,

Trung Hoa diệc hữu như thử nhân!

(Thường nghe nói đất Trung Hoa, ai cũng no ấm,

(không ngờ) Trung Hoa cũng có người như thế ấy!)

(Thái Bình mại ca giả - Người hát rong ở thành Thái Bình)

Trái tim vĩ đại của Đại thi hào - Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du dành trọn cho những con người đau khổ, cho dân tộc mình, cho người dân Trung Hoa và rộng khắp cho nhân loại “Suốt nghìn năm xa…”.

Lê Thái Phong

Nhà giáo ưu tú, Hội viên Hội Kiều học Việt Nam

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/van-hoc/noi-thon-thuc-cua-dai-thi-hao-nguyen-du/100480.htm