“Nói thẳng, nói hết, không có vùng cấm, vùng tránh”

( Ảnh: Ảnh: TRẦN HẢI )

TỰ PHÊ BÌNH, PHÊ BÌNH - CHUYỆN LUÔN LUÔN MỚI

Lâu rồi mới có dịp gặp lại anh Vũ Quốc Hùng, Phó tiến sĩ luyện kim được đào tạo tại Lê-nin-grát (Liên bang Xô-viết). Anh Hùng nay đã ở tuổi 73 và đã vinh dự nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng. Có gì gặp nhau giữa nghề luyện luyện kim và “nghề” kiểm tra? Anh Hùng bảo: Có đấy, ấy là cái “chất thép”. Có điều “nghề” kiểm tra đòi hỏi sự cứng rắn mang tình người, tình đời sâu nặng, mà ta thường hay nói tới tính nhân văn. Một điểm giống nhau nữa là sự chính xác với mong muốn hướng tới sự tuyệt đối. Đó là khoa học và cũng là nghệ thuật. Đó là trí tuệ và cũng là lương tâm.

Trong không khí thân tình tôi hỏi đồng chí Vũ Quốc Hùng.

- Thưa anh, lắng nghe dư luận xã hội và suy nghĩ của cá nhân, anh thấy tầm vóc Nghị quyết Bốn của Trung ương lần này thế nào?

- Tôi thấy rất mừng. Đây là sự dũng cảm của Đảng ta, mà Ban Chấp hành Trung ương đại diện cho sự dũng cảm đó. Nghị quyết đã chỉ rõ chỗ mạnh, chỗ yếu trong cơ thể Đảng; đã chỉ rõ những điều căn cốt, rất xác đáng và rất cần thiết. Một lần nữa chúng ta thấy quan điểm của Đảng ta được nêu từ Đại hội lần thứ VI (1986) lại thêm một lần khẳng định - “Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”.

Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói rất rõ rằng, nếu chúng ta không làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng lần này thì sẽ ảnh hưởng đến sự tồn vong của Đảng, của chế độ.

- Được biết, khi triển khai thực hiện Nghị quyết T.Ư 6 lần 2 (khóa VIII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, anh được Bộ Chính trị phân công làm Trưởng bộ phận thường trực. So với Nghị quyết T.Ư 6 khi đó, Nghị quyết T.Ư 4 lần này có gì mới?

- Tôi vẫn giữ nguyên những cảm xúc hồi đó, mặc dù đã 15 năm rồi.

Khi đó, việc chấp hành các nguyên tắc của Đảng, các quy định trong điều lệ Đảng được xem xét và chấn chỉnh lại. Mọi cấp ủy, mọi cán bộ, đảng viên có dịp soi lại mình, thấy rõ mình. Tôi nhận thấy, khi đó các đảng bộ trong cả nước đã tiến hành công tác kiểm điểm, tự phê bình, phê bình rất sôi động.

Với khí thế ấy, nhiều vụ tham nhũng tiêu cực đã được phát hiện và xử lý nghiêm minh. Tiêu biểu là các vụ án Năm Cam, Lã Thị Kim Oanh, cùng nhiều vụ việc khác (trước đó là vụ Thủy cung Thăng Long). Đã có hàng trăm cán bộ bị xử lý, trong đó có những cán bộ cao cấp thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

Còn lần này, cái mới nhiều lắm. Hoàn cảnh mới. Điều kiện mới.

Thuận lợi, thách thức đan xen. Tự phê bình và phê bình là nguyên tắc tồn tại và phát triển của Đảng, là chuyện tưởng như đã cũ rồi. Nhưng đặt trong hoàn cảnh và điều kiện mới, với tư duy mới, với một tâm thế mới thì không bao giờ cũ cả.

Ấy là nói cho to tát vậy. Còn thì, theo tôi, có những cái mới rất “nét”. Thứ nhất, Nghị quyết xác định bốn nhóm giải pháp có quan hệ mật thiết với nhau. Trong đó nhóm giải pháp tự phê bình và phê bình gắn với nêu cao tính tiên phong, gương mẫu của cấp trên. Thứ hai, lần này Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cấp ủy đảng, cán bộ chủ chốt, nhất là cấp trung ương, người đứng đầu làm trước để các cấp noi theo (Khi thực hiện Nghị quyết T.Ư 6 - lần 2, các ban, bộ, ngành ở trung ương và các địa phương cùng làm). Thứ ba, lần này Trung ương tổ chức lấy ý kiến rất công phu, rất quy mô trong hệ thống cán bộ đương chức và cán bộ hưu trí.

- Vâng, tôi nghe nói nhiều cụ hưu “góp” mạnh lắm. Không biết việc tiếp thu sẽ như thế nào.

- Vấn đề là phương pháp tiếp thu. Tôi nghe nói, không chỉ “các cụ” đâu, mà còn ý kiến của các tổ chức, của cán bộ đương chức. Nội dung góp ý, phê bình được tập hợp một cách đầy đủ và bảo đảm tinh thần của từng ý kiến, chứ không chỉ là khái quát chung. Càng cụ thể vụ việc càng tốt. Chân lý là thực tiễn mà! Một điều nữa, cấp trên chỉ quan tâm nội dung góp ý, không cần biết ai góp ý. Tính cầu thị, khách quan, dân chủ là ở chỗ đó.

SUY THOÁI - ĐÂU PHẢI CHUYỆN TRÊN TRỜI

- Thưa anh, Nghị quyết nêu rõ: Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thoái hóa về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Nhưng trong một chi bộ, chỉ ra ai là người trong “bộ phận không nhỏ”ấ y thì thật khó. Với 20 năm kinh nghiệm làm công tác kiểm tra của Đảng, anh nghĩ gì về vấn đề này?

- Không khó đâu. Nói suy thoái đâu phải chuyện trên trời. Trước hết mình phải hiểu đúng thế nào là suy thoái về tư tưởng chính trị. Thế nào là suy thoái về đạo đức, lối sống? Ta phải đưa những khái niệm này vào đời sống, thật bình dị thôi thì mới dễ thấy, mới dễ chỉ ra người tốt, kẻ xấu. Bác Hồ căn dặn rất nhiều điều thật giản dị: Đã là người cách mạng thì phải yêu nước, thương dân, phải ít lòng tham muốn về vật chất.

Yêu nước, thương dân là phẩm chất cao quý của người cán bộ, đảng viên. Vậy người nào đó xa dân, khinh dân, vô cảm với mọi người chung quanh thì rõ ràng tư tưởng chính trị của anh là hỏng rồi. Anh chỉ chăm chắm cho nhà anh, “cháy nhà hàng xóm bình chân như vại”, chẳng quan tâm gì tới xóm giềng thì anh xa dân quá còn gì ! Thời gian qua báo chí nêu một loạt vụ bạo hành trẻ em đấy. Cha mẹ đánh con, chủ đánh người làm thuê rất dã man. Vậy mà hàng xóm giáp mặt với nhau không biết. Vô cảm quá, hoặc thấy mà không nói thì vô lương tâm, vô trách nhiệm quá!

Còn về đạo đức, lối sống thì tham nhũng to, tham nhũng nhỏ, tham nhũng vặt. Rồi chạy chức, chạy quyền, chạy tội, chạy chỗ. Rồi cửa quyền, hành dân, nói một đằng làm một nẻo... Thế là hỏng quá rồi.

Làm công chức không xứng, nói chi làm đảng viên. Vì vậy, tôi thấy chỉ ra cái sự suy thoái, cái bệnh trong con người không khó, chỉ cần anh có dũng khí, có tấm lòng trong sáng.

- Không khó, nhưng chi bộ lại khi phát hiện ra. Cấp dưới ít phát hiện ra cấp trên sai lầm, khuyết điểm. Các vụ việc tiêu cực chủ yếu vẫn do quần chúng tố giác, báo chí phanh phui.

- Thưa với nhà báo thân mến, không phải không phát hiện ra, mà là thấy mà không dám nói. Tôi biết có trường hợp cán bộ phải “cung cấp” thông tin cho người khác, để người ấy viết đơn tố cáo. Điều đó là không hay rồi, nhưng “đấu tranh” rồi “tránh đâu”?

- Vậy có cách gì bảo vệ những người dũng cảm đấu tranh, tố cáo cái sai, cái xấu của đồng chí mình, kể cả người đó đang nắm “cái dạ dày” của cả nhà mình, “cái ghế” của mình?

- Trước hết người cán bộ, đảng viên, muốn phê bình người khác, tố giác người có khuyết điểm, vi phạm pháp luật, thì bản thân anh phải sáng.

Anh phải là “đèn hai trăm nến” như Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn nói. Rồi anh phải có năng lực lãnh đạo, có sức chiến đấu. Năng lực lãnh đạo là anh phải biết thuyết phục người khác, tập hợp mọi người, để mọi người ủng hộ. Thế thì mới đấu tranh được. Năng lực kém, tri thức kém thì thấy đồng chí mình sai mà không biết, hoặc biết mà không dám phê bình, sợ bị hớ, sợ bị trù dập.

Nhưng, một điều quan trọng là chúng ta phải có cách tốt nhất để bảo vệ lẽ phải, bảo vệ người trung thực. Người dũng cảm đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực gian nan lắm, đủ tai ương rình rập. Có người từ miền nam ra Hà Nội phải ăn trực nằm chờ, làm thêm kiếm sống để được thực hiện quyền tố cáo, khiếu nại. Họ tìm đến tôi và một số đồng chí khác xin tư vấn. Họ kể rành rẽ đã bị làm khó, bị đe dọa, bị trù úm như thế nào. Cho nên chúng ta cần có quy định cụ thể về vấn đề này. Cấp trên trực tiếp không bảo vệ được họ thì cấp trên cao hơn phải bảo vệ. Dịp này Đài Truyền hình Trung ương đang chiếu bộ phim dài tập Đàn trời. Tôi thấy có cảnh, các nhân vật trong phim mừng rỡ bảo nhau: “Trung ương đã về rồi đấy!”. Nghĩa là, người ta còn tin vào công lý. Khi cơ sở, địa phương làm mất niềm tin thì phải có những Bao Công ở cấp cao hơn về tận nơi xem xét.

- Trở lại vấn đề tự phê bình, phê bình. Theo anh trong bốn nhóm giải pháp, giải pháp nào quan trọng hơn cả?

- Chữa bệnh thì phải có các liều thuốc tổng hợp. Trong Đông y có vị công, vị phạt, lại có vị trung tính - như Hoài sơn chẳng hạn. Tôi nghĩ tự phê bình và phê bình là thuốc tẩy độc, nếu làm tốt thì đó là giải pháp quan trọng nhất.

Còn để làm cho có kết quả, Bác Hồ nói rõ: “Phải thật thà tự phê bình, phê bình”. Phê bình người khác thì cần nhất tấm lòng trong sáng.

Không được quy chụp, nghi ngờ. Biết tới đâu nói tới đó, không nhân danh “dư luận”. Có câu: “Tiếng đồn làm khổ người ta/ Bao nhiêu nước mắt chảy qua tiếng đồn”. Phê bình mà dựa vào tiếng đồn thì thậm nguy!

Phê bình thì cũng nên hỏi cho rõ, cho đồng chí mình trả lời. Không phải cứ ai xây nhà to, sắm ô-tô cũng là tham nhũng cả. Cơ chế thị trường có những quy luật của nó, cho nên người có dấu hiệu vi phạm kỷ luật phải được giải trình đầy đủ. Trong phê bình cũng phải đề cao dân chủ, khách quan và công bằng.

KHÔNG CÓ NIỀM TIN THÌ CHẲNG LÀM ĐƯỢC VIỆC GÌ CẢ

- Xin anh nói thêm về tự phê bình. Có người so sánh, dù hơi quá, tự phê bình là cầm dao mổ bụng mình. “Bác sĩ” có cách gì “giảm đau” không?

- Bác Hồ và nhiều đồng chí lãnh đạo của Đảng ta đã nói về ý nghĩa tự phê bình. Lần này thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, tôi thấy để mọi cán bộ, đảng viên thật thà tự phê bình, cần có thời gian thỏa đáng để mọi người tự suy nghĩ, nhìn lại mình. Tôi hiểu, công việc của nhiều đồng chí cán bộ luôn bận rộn, nên cần phải nghiêm túc dành thời gian thỏa đáng cho việc tự kiểm điểm. Khi còn làm việc, tôi được biết có đồng chí phụ trách đã nhờ người viết giúp bản kiểm điểm. Kiểm điểm mà cứ như báo cáo thành tích. Rồi vào cuộc họp đồng chí ấy cứ thế đọc.

Có thể nói, tự phê bình là một cách tự cứu mình tốt nhất!

- Theo kinh nghiệm của anh, sau khi kiểm điểm, nếu các vụ tiêu cực đã rõ thì việc kết luận, xử lý còn gặp khó khăn gì?

- Đã rõ thì phải xử lý. Đương nhiên chúng ta không đặt “mục tiêu”, trong đợt chỉnh đốn đảng lần này phải xử lý kỷ luật bao nhiêu tổ chức đảng, bao nhiêu đảng viên. Điều quan trọng hơn cả là xem xét, xử lý đúng người, đúng việc, có lý, có tình, không có “vùng cấm”, “vùng tránh” trong Đảng. Tốt nhất là người mắc sai lầm, khuyết điểm phải thấy rõ sai trái tự nhận hình thức xử lý. Những trường hợp cố tình không nhận rõ khuyết điểm thì tổ chức đảng ở đó phải phân tích, chỉ rõ và quyết định đề nghị hình thức xử lý.

- Xin hỏi anh câu cuối cùng: Anh có tin chúng ta sẽ thành công trong việc thực hiện nhiệm vụ cấp bách này?

- Không có niềm tin thì chẳng làm được việc gì cả. Khi mới vào quân đội, tôi được nghe: “Tư tưởng không thông vác bình-tông không nổi”.

Trung ương đã xác định, không nóng vội, cực đoan, nhưng cũng không rơi vào trì trệ, hình thức, không chuyển biến được tình hình, nơi nào làm không đạt yêu cầu thì phải làm lại. Việc gì làm được thì làm ngay, sai tới đâu sửa tới đó, không phải chờ đợi gì cả.

Xây dựng, chỉnh đốn đảng là nhiệm vụ thường xuyên. Không phải như có người nói, đến ngày 31 tháng 12 thì xong (!). Và như thế công việc của hôm nay, của ngày mai còn nặng lắm, đồng chí thân mến ạ.

Có một chi tiết nhỏ, đồng chí Vũ Quốc Hùng kể với chúng tôi vào cuối buổi trò chuyện. Anh học cùng khối lớp 8 Trường phổ thông cấp ba Chu Văn An với chị Đặng Thùy Trâm. Trong nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm có đoạn mà anh rất thích: “Con tự hào vì đã dâng trọn đời mình cho Tổ quốc. Dĩ nhiên con người cũng cay đắng vì không được sống tiếp cuộc sống hòa bình, hạnh phúc, mà mọi người trong đó có con đã đổ máu xương để giành lại. Nhưng, có gì đâu, hàng triệu người như con đã ngã xuống vì ngày mai của dân tộc”. Đoạn ấy chị Trâm viết ngày 14-7-1969. Hơn một năm sau, ngày 22-6-1970, chị Trâm anh dũng hy sinh!

Vâng, chiến tranh đã lùi xa. Cái gì thành gỉ thì đã thành gỉ rồi. Cái gì còn lại phải là thép tôi. Những người sống hãy gần nhau, thương nhau, sống tốt với nhau hơn nữa!

* Trước hết người cán bộ, đảng viên, muốn phê bình người khác, tố giác người có khuyết điểm, vi phạm pháp luật, thì bản thân anh phải sáng. Anh phải là “đèn hai trăm nến” như Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn nói. Rồi anh phải có năng lực lãnh đạo, có sức chiến đấu. Năng lực lãnh đạo là anh phải biết thuyết phục người khác, tập hợp mọi người, để mọi người ủng hộ. Thế thì mới đấu tranh được. Năng lực kém, tri thức kém thì thấy đồng chí mình sai mà không biết, hoặc biết mà không dám phê bình, sợ bị hớ, sợ bị trù dập.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/cmlink/nhandanhangthang/nhan-dan-h-ng-thang/chinh-tr/noi-th-ng-noi-h-t-khong-co-vung-c-m-vung-tranh-1.358781