Nỗi niềm đón Tết ngoài Trường Sa

Mùa xuân là mùa của sự sum họp. Nhưng có nhiều gia đình, sự đoàn viên phải bắc qua biết bao dặm sóng Biển Đông.

Bà Phạm Thị Mai Phương: “Thì chúng nó cũng có xóm giềng ngoài đó, mình cứ kêu nó về nó lại không yên tâm”.

Có thể bạn quan tâm

Cả nhà gắn bó với Trường Sa

“Mọi năm chúng nó ở nhà là chúng nó hay gói bánh tét cùng tui này. Năm nay không có nhớ lắm”, bà Phạm Thi Mai Phương, đảo Bình Ba, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa rơm rớm nước mắt. Gia đình người con trai thứ hai, anh Trần Kim Châu ra đảo Song Tử Tây sinh sống đã nhiều năm. Năm nay anh báo không về, bà tuy miệng nói động viên con, nhưng lòng vẫn buồn: “Thì chúng nó cũng có xóm giềng ngoài đó, mình cứ kêu nó về nó lại không yên tâm”. Anh Trần Kim Châu kể, năm nay được một công ty tài trợ cho một con lợn, các hộ dân trên đảo Song Tử Tây hẹn nhau ngả lợn ngày 28 Tết rồi gói bánh. Đảo xa nhà, nhưng cũng bánh chưng, bánh tét đủ cả.

“Bố mẹ mình có gửi tàu ra cho một chai rượu với ít bánh kẹo, thế là đủ Tết”, anh Châu chia sẻ. Bà Phương bảo con ở ngoài đó có Tết đủ là bà mừng rồi. Nói vậy nhưng bà nhìn xa xăm, Tết này bà sẽ thiếu hai đứa cháu quấn lấy chân bà, đòi bà gói cho đòn bánh tét nhỏ để riêng, thiếu tiếng trẻ cười đùa gọi nhau: “Thằng Nhật (con anh Châu) mập thù lù à, nó lanh lắm, còn thằng hai nữa, chúng nó cứ quây lấy bà gọi”, bà Phương kể.

Hiếm có gia đình nào gắn bó với Trường Sa như nhà bà Phương. Vợ chồng người con cả của bà, anh Trần Kim Sơn đã từng sinh sống trên đảo Sinh Tồn nhiều năm. Khi đã trở về quê cũ, chị Liên vợ anh Sơn vẫn nói nhớ những ngày tháng ngoài đó quay quắt. “Ngoài đảo có khổ một chút nhưng vui”, chị Liên kể. Hồi về bờ cả gia đình hụt hẫng mất một thời gian. “Sắp nhỏ về bờ mất mấy tháng mới quen lại. Chúng cứ kêu không phải nhà mình, đòi về nhà ngoài đảo”, chị Liên nhớ lại. Thành quen, thi thoảng Tết đến, hai vợ chồng vẫn đến gặp những người hàng xóm ngoài đảo khi xưa để nói chuyện về những ngày quây quần bên nhau cùng ngả một con lợn, gói một nồi bánh chưng đợi Tết.

Hộp quà của ba

Chị Phạm Thị Hải, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình đã ba cái Tết không có chồng bên cạnh. “Tết mà anh ấy ở nhà thì mình chẳng phải làm gì cả”, người vợ của Trung tá Đỗ Thế Tuyến hiện đang là Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa chia sẻ. Lấy nhau được hơn chục năm nhưng thời gian chị gần chồng chẳng là bao. Chị nói nhẹ nhàng: “Mình ở nhà có bao nhiêu người, có anh em bạn bè, bố mẹ con cái thì buồn gì. Chỉ thương anh ấy ở ngoài đó không có gia đình bên cạnh là buồn thôi…”.

Mỗi năm Tết đến, anh chị chỉ dựa vào cái điện thoại để động viên nhau. Những ngày cuối cùng của năm, dòng người đổ ra đường sắm Tết thì chị Hải vẫn ngày ngày vừa đi dạy học vừa cơm nước chăm lo cho gia đình. Những đứa trẻ cũng đã quen với việc bố không ở nhà nên rất tự giác. Trước khi ra đảo, biết Tết làm nhiệm vụ không về, anh Tuyến chuẩn bị sẵn một hộp quà để cho hai con, dặn khi nào giao thừa mới được mở. Chồng vắng nhà, chị Hải vẫn không quên mua một cây quất chơi Tết, vì anh thích nhất cây này. Hai năm nay, chị đều mua quất, chụp ảnh gửi cho anh xem để anh đỡ nhớ nhà, và cũng là để chị đỡ nhớ anh.

Cao Thị Nguyện, cô giáo tiếng Anh Trường THPT Ngô Gia Tự, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa lại mang nỗi niềm khác. Chồng chị, Thượng úy Mai Văn An năm nay phải trực. Thế nên dù ở gần nhau mà anh cũng chẳng mấy khi được ở cạnh vợ con. Hồi chị sinh đứa con đầu lòng, anh phải làm nhiệm vụ trên tàu, không về được. Hỏi có vất vả không, Nguyện cười: “Cứ có con mới hiểu được”. Chuyện đàn bà vượt cạn một mình không còn là chuyện hiếm với hậu phương những người lính nữa. Nhưng nghe kể, vẫn thấy cay mắt cho những người phụ nữ.

Tết lại về, lại có những ánh mắt người vợ, người mẹ dõi ra đảo ngóng con, ngóng chồng. Chẳng có cái giá nào bằng sự sum vầy gia đình, bằng sự xuất hiện của những người chồng, người cha, người con mỗi độ mùa Xuân. Nhưng “khi Tổ quốc cần họ biết sống xa nhau”, đấy là điều giản dị từ trong ánh mắt những con người ấy. Trường Sa dù xa, mà rất gần cũng vì lẽ ấy.

Mai Nguyên/NDĐT

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/xa-hoi/phong-su/noi-niem-don-tet-ngoai-truong-sa-287148.html