Nỗi khổ của những người đẹp dám ước mơ

Câu nói nổi tiếng vẫn được nhiều người nhắc: “Không ai đánh thuế ước mơ. Chỉ sợ bạn không dám mơ ước?”. Nhưng ở xứ ta, cư dân mạng đang đổ xô chỉ trích, mỉa mai hoa hậu, chỉ vì cô ấy dám ước mình được đi thi sắc đẹp quốc tế, được trở thành ca sĩ thành danh, vì không “đẹp đúng chuẩn” theo quan niệm của họ.

Đầu năm 2016, Hoa hậu Kỳ Duyên (trái ảnh) ước mình được đi thi Miss World, còn Hoa khôi Nam Em muốn trở thành ca sĩ.

Kỳ Duyên có đáng bị chỉ trích?

Các cuộc thi sắc đẹp luôn được nhiều người quan tâm. Bằng chứng là cứ người đẹp nào đăng quang trong một cuộc thi nhan sắc đều trở thành tâm điểm, hoặc khen hết lời, hoặc chê đủ kiểu. Suốt vài tháng qua, câu chuyện về các hoa hậu “đem chuông đi đánh xứ người” vẫn chưa hết “nóng”. Đầu năm 2016, Hoa hậu Nguyễn Cao Kỳ Duyên lại “mở hàng” bằng lùm xùm về chuyện thi nhan sắc, khi “thổ lộ ước mơ muốn thi Miss World” để thử sức mình.

Người đẹp 9X cho hay, đi thi quốc tế là kế hoạch mà cô nghĩ tới từ lâu và đang tích lũy kĩ năng. Cô cũng bỏ 500 triệu đồng để theo học các khóa đào tạo ngoại ngữ, giao tiếp. Kỳ Duyên cũng chuyển vào TPHCM, vừa học tập, làm việc và tiếp tục theo đuổi ước mơ.

Ước mơ tuổi 19, được tham gia đấu trường nhan sắc quốc tế, là chính đáng, nhưng lại đang trở thành tâm điểm để dân mạng dè bỉu. Mọi người ném đá không ngớt và cho rằng Kỳ Duyên “không có cửa” trong cuộc thi này. Không chỉ bị chê xấu, hoa hậu còn bị chê về cách ứng xử, kĩ năng, bằng những ngôn từ không đẹp.

Nhẹ thì “Em mà đi thi quốc tế thì anh sẽ đón em về ở bãi giữ xe", "Cô này thi trượt ở vòng 150", "Rớt ngay vòng đầu", nặng đến mức mỉa mai, châm biếm: "Đừng làm xấu phụ nữ Việt Nam nữa", "Em thích chém gió thì cứ chém thôi. Cử em đi thi thế giới khác gì làm trò cười cho thiên hạ"...

Nhiều người không ngần ngại “dập tắt” ước mơ của cô khi cho rằng nhan sắc của Kỳ Duyên chỉ dừng lại ở mức xinh xắn chứ không nổi bật, hay không thể đại diện cho sắc đẹp Việt - một khái niệm rất trừu tượng, mà chính họ cũng khó trả lời “vẻ đẹp tầm quốc gia, thuần Việt” là gì?

Thêm nữa, sau một năm đăng quang, Kỳ Duyên liên tục dính nhiều scandal nên không được lòng công chúng. Lí do lớn nhất mà đám đông phản đối là những biểu hiện của Kỳ Duyên không xứng đáng để cô đại diện quốc gia. Những scandal về tư thế ngủ hớ hênh trên máy bay, ứng xử chưa khéo ở nơi công cộng… được nhắc nhớ.

Lâu nay, công chúng vẫn đặt lên vai các người đẹp đăng quang cuộc thi nhan sắc quốc gia những trọng trách nặng nề, phải đại diện cho hình ảnh nọ, vẻ đẹp kia của người phụ nữ Việt. Nhưng Kỳ Duyên mới chỉ 19 tuổi, ở cái tuổi ấy chưa thể hiểu hết những phẩm hạnh, hay đức tính nọ kia, cô cũng cần thời gian để hoàn thiện mình và học hỏi. Điều mà Kỳ Duyên còn thiếu đó chính là kinh nghiệm về ứng xử và cách "lấy lòng công chúng", khi vừa đăng quang đã bị “ném đá”, sóng gió này chưa qua thì bão dông khác lại đến.

Nhưng không thể nói Kỳ Duyên "ảo tưởng". Để tham dự đấu trường nhan sắc thế giới phụ thuộc vào nhiều yếu tố, từ phía BTC đến quyết tâm của các người đẹp tham gia. Kỳ Duyên ước được thi Miss World, nhưng chưa chắc được mãn nguyện khi đơn vị nắm bản quyền cuộc thi ở Việt Nam đang rầm rộ tổ chức một cuộc thi để tuyển chọn nhan sắc. Kỳ Duyên chỉ đang ấp ủ ước mơ chinh phục những thử thách cao hơn và đang quyết tâm thực hiện điều đó.

Một nhan sắc đạt được danh hiệu từ một cuộc thi sắc đẹp cấp quốc gia, muốn tham gia đấu trường quốc tế thiết nghĩ là một nguyện vọng hoàn toàn chính đáng, lẽ ra phải được khích lệ thay vì bị “dập vùi”. Xưa nay, rất nhiều cô gái đăng quang tại các cuộc thi trong nước đều ấp ủ những ước mơ này, huống hồ Kỳ Duyên không vi phạm quy chế cuộc thi, không vi phạm pháp luật và cũng không ai đánh thuế ước mơ, nên không đáng bị chê bai, xúc phạm.

Nước mắt hoa khôi

Một người đẹp khác cũng đang trở thành tâm điểm của truyền thông, vì bị hồ nghi khi quyết định theo đuổi ước mơ trở thành ca sĩ. Cô là Nguyễn Lệ Nam Em - Hoa khôi Đồng bằng sông Cửu Long 2015. Khi đăng quang trong cuộc thi hoa khôi, Nam Em cũng mơ sẽ được làm hoa hậu và thử sức mình ở những cuộc thi cao hơn. Tham gia Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam, Nam Em dừng chân ở top 10 và dính scandal “ví mình là chó”, hay “đá giầy, vứt dép” trong hậu trường vì không được đăng quang.

Sau những thị phi này, cô quyết định không tham gia cuộc thi nhan sắc nào nữa mà tập trung cho ước mơ cả đời của mình. Cô bắt tay luyện giọng, thu âm và vừa có buổi ra mắt MV đầu tay, đánh dấu con đường ca hát. Trong ngày ra mắt, Nam Em nhận được nhiều câu hỏi, đa phần thắc mắc tại sao đang là hoa khôi, đang đắt show sự kiện lại quyết tâm khổ luyện để trở thành ca sĩ. Trước các câu hỏi, Nam Em khóc. Cô nhớ về quá khứ, vì nghèo khổ, dù rất đam mê ca hát nhưng không có điều kiện để theo.

Nam Em kể rằng, cô lớn lên trong một gia đình không mấy ấm êm, nếu không nói là bất hạnh. Năm lên 3 tuổi, Nam Em phải chứng kiến cảnh mẹ bị bố bạo hành. Cô bị ám ảnh bởi cái ngày đứng trước sân gào khóc nhìn mẹ dắt chị bỏ đi, còn cô phải ở lại với bố. Rồi bố mẹ cô cũng li hôn sau những trận cãi vã. Nam Em và chị được cô ruột đưa về nhà nuôi. Hằng ngày, Nam Em vừa đi học vừa nuôi lợn, làm đủ việc phụ giúp để cuộc sống bớt khó khăn.

Cô khóc nhiều hơn khi nghĩ đến người cha của mình. Những ngày cuối đời, ông sống trong nỗi cô đơn cùng quẫn. Ông ra đi trong một ngôi nhà lụp xụp, không vợ con, không bất cứ người thân thiết bên cạnh; trên môi ông còn dính một cọng bún và trong túi chỉ có hai nghìn đồng… Đó là nỗi ám ảnh đã hằn lên tuổi trẻ của Nam Em! Cô cũng không giấu việc mình đăng quang trong một cuộc thi sắc đẹp đã giúp cuộc sống của cô thay đổi, nhưng cô cũng thừa nhận mình bớt khổ, thoát nghèo vì dám có ước mơ. Nếu không ước mơ trở thành hoa hậu, cô đã không đăng ký cuộc thi sắc đẹp, nếu không muốn trở thành ca sĩ, cô cũng không ép mình phải khổ luyện ngày đêm.

Nam Em hay Kỳ Duyên đều mới bước sang tuổi 19 và có những ước mơ, nguyện vọng để phấn đấu. Dù là một người bình thường hay là một hoa hậu, dù ước mơ cao sang, hay bình thường thì cũng đáng được tôn trọng, vì không ai “đánh thuế ước mơ”.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/lao-dong-doi-song/noi-kho-cua-nhung-nguoi-dep-dam-uoc-mo-515432.bld