Nói dối vô hại khi nào?

Đôi khi có những mâu thuẫn vợ chồng xuất phát từ sự quá "chính chuyên", chuyện gì từ to đến bé, trong làng ngoài ngõ cũng nói... thật. Có thể bạn sẽ ngạc nhiên, nhưng đôi khi nói dối cũng có lợi. Điều quan trọng là biết ranh giới giữa lời nói dối có lợi và có hại.

Lợi tôi lợi ả, lợi cả đôi đường Thời buổi của khôn người khó, tiền mất giá nên tiết kiệm luôn đặt lên hàng đầu trong mọi gia đình. Nhưng sống mà thỉnh thoảng không hưởng thụ hoặc chiều bản thân cũng thấy... gò ép hoặc bí bách. Tuy nhiên, nếu tiêu tiền một cách tùy tiện hoặc không vì mục đích chung sẽ dễ gây mâu thuẫn vợ chồng. Từ đó, khi thấy xét kinh tế có đủ khả năng, nhiều người tìm cách "tương kế tựu kế" để "vui vẻ hóa" cho việc làm của mình bằng cách nói dối. Lâu ngày không tụ tập bạn bè uống vài cốc bia nên anh Nhân cảm thấy thiêu thiếu cái gì đó. Anh nhắn tin mời vài chiến hữu. Không biết nói với vợ thế nào để vợ vui vẻ cho đi và không cằn nhằn khi anh hỏi tiền. Anh nghĩ kế nói dối: "Em nghĩ hộ anh cách từ chối bữa tiệc với ông khách hôm nay đi, người gì lạ, không ý tứ gì cả, nói thẳng với anh là tối nay tôi và cậu sẽ bàn công việc tại quán bia X, anh không muốn đi, đã công việc thì phải làm ở cơ quan, đằng này...". Dĩ nhiên, vì công việc và vì "thái độ không muốn đi" khiến chị vợ không chút nghi ngờ mà còn dúi thêm tiền vào túi chồng kèm lời dặn: "Đã là công việc thì không thể tránh được, anh cầm thêm ít tiền, gọi gì cho ngon ngon vào để ông ấy vui mà công việc cũng thuận lợi hơn". Tối đó, anh được "công chính ngôn thuận" chén thù chén tạc cùng bạn bè mà không có cuộc điện thoại giục giã nào của vợ, về nhà với nặc mùi bia mà vợ vẫn vui vẻ. Chị Ngọc Nữ (Kim Liên, Hà Nội) trong suốt hai năm sống cùng chồng, chưa bao giờ chị nói dối chồng dù chỉ một câu, chị luôn tự hào về điều đó. Nhưng gánh nặng đè lên vai người phụ nữ để mang tiếng vợ đảm, khiến chị nhiều lúc cảm thấy mệt mỏi và cáu gắt với chồng khi thấy anh không chia sẻ việc nhà. Một ngày mệt mỏi, nghĩ đến việc tất tả chạy về nhà, cơm cơm, nước nước, giặt giũ mà ngao ngán. Chị nhắn tin cho chồng: "Em có việc sếp giao đột xuất nên về muộn anh nhé", thật ra, chị nán lại cơ quan một tí để thư giãn, "tám" cùng bạn qua chat. Về đến nhà, chị thấy cơm nước đã xong xuôi, con cái tuy chưa ăn nhưng đã được bố tắm rửa sạch sẽ. Chị càng mát lòng hơn khi nghe chồng vui vẻ hỏi thăm: "Mẹ nó đi tắm đi rồi xuống ăn cơm". Khi ở cơ quan thư giãn, thỉnh thoảng chị cũng cảm giác áy náy, lo lắng. Tuy nhiên, giờ chị lại cảm thấy mình không những giảm stress mà còn cho chồng tự nhận thấy trách nhiệm của mình. Ngạc nhiên hơn, có lẽ do cảm nhận được sự vất vả của vợ sau lần thay đổi vai trò đó, chồng chị đã biết về sớm hơn, đỡ đần vợ việc nhà, tắm rửa cho con. Còn chị Hà thì có sở thích shopping, chồng chị luôn phàn nàn chị vì điều này. Không phải anh keo kiệt, nhưng do chị mua nhiều quá, đến nỗi có khi để thỏa cơn "nghiện" chị "lôi" về một cái áo hay váy mới đều bảo với chồng là: "Cô bạn hay bà ngoại cho" vì sở dĩ, hai người này đều có shop thời trang nên anh chồng không nghi ngờ gì. Đã có nhiều cuộc khảo sát về việc có nên nói dối chồng/vợ, kết quả đa phần đều cho rằng: "Tốt nhất không nên nói dối". Tuy nhiên, cũng có ý kiến, vì để không trở thành kẻ xấu xa, để giữ yên bình cho gia đình, để giữ uy tín với con cái... đôi khi người ta phải nói dối. Đôi khi bạn cũng sẽ rơi vào hoàn cảnh mà nói dối là cách duy nhất giúp ta giải quyết mọi khó khăn. Vấn đề quan trọng là biết vấn đề gì nên nói dối, lời nói dối hay vô hại hay có thể có hệ lụy không tốt về sau. Tuy nhiên, để lời nói dối trở nên thuyết phục thì lời nói dối của bạn phải có ít nhất vài phần trăm sự thật để đối phương khó vạch trần. Chẳng hạn, như những câu chuyện trên, rõ ràng có yếu tố trung thực, anh Nhân có đi uống bia, chị Ngọc Nữ có ở cơ quan (nhưng không làm việc), chị Hà có mẹ và bạn bán quần áo. Ranh giới mong manh Chúng ta vẫn thường dạy con trẻ luôn phải trung thực, không được nói dối, nói dối là xấu. Điều đó cho thấy, nói dối mang hướng tiêu cực. Do đó, có những chuyện nói dối tưởng như vô hại nhưng lại không vượt qua được cái ải "về nhà hỏi trẻ". Nhà nội ở quê đang cần ít tiền để sửa lại nhà vệ sinh, anh Tân hỏi vợ thì chị bảo không có. Thật ra, chị có nhưng không nhiều và muốn để dành đó nhỡ khi có việc đột xuất, hơn nữa con trai chị hay đi viện vì ốm. Ngày hôm sau, em trai chị cần vay ít tiền để mua xe đi làm, chị không ngần ngại cho vay. Hai sự việc đều diễn ra trước mặt con trai chị. Nào ngờ, tối đó bé thật thà: "Bố ơi, mẹ xấu lắm, mẹ nói dối đấy, mẹ có tiền cho cậu, vậy mà mẹ bảo không có tiền cho bố". Thế là chiến tranh lạnh xảy ra, anh chị giận nhau cả tuần. Thế đấy, nói dối không đúng chỗ cũng có cái hại. Không những thế, có những chuyện tuyệt đối "kiêng kị" nói dối, nhất là những việc liên quan đến bố mẹ hai bên, tiền bạc...hay nói dối để che đậy một sự thật nào đó. Lòng tôn trọng của anh Thanh với bố mẹ giảm đi rõ rệt sau khi anh phát hiện ra sự thật ông bà bênh cho lời nói dối của vợ. Chỉ vì không hợp với mẹ chồng nên vợ anh luôn tìm cách lảng tránh những khi gia đình nhà nội có tiệc tùng với những lý do rất chính đáng như bố hoặc mẹ ốm. Một lần, nhà nội có mời đồng đội của bố chồng đến chơi nhà, viện lý do bố ốm phải đưa đi khám nên cô không thể đến giúp nấu nướng dọn dẹp. Tin vợ, tuy không vui nhưng anh cũng không thể không đồng ý vì vợ anh là con một. Anh gọi điện hỏi thăm thì bố cũng ho ho vài tiếng bảo ốm. Gần chiều, anh có việc gần nhà vợ, tiện thể ghé hỏi thăm xem bố đau ốm thế nào. Vừa bước vào nhà, anh không tin vào tai mắt mình khi thấy cả nhà đang vui vẻ hát karaoke, bố đang uống bia "ừng ực". Lúc đó, có lẽ do ngại nên ông bà chống chế: "Bố khám về, bác sĩ bảo không sao", nhưng anh biết rõ sự thật như thế nào. Tiền bạc cũng vậy, nó là tài sản chung của hai vợ chồng, cần phải minh bạch, nhất là với số tiền lớn. Dù bạn có hay không có số tiền ấy, đến khi bạn đời phát hiện ra sẽ rất khó tránh sự nghi ngờ, dần dần đánh mất lòng tin ở nhau. Trong khi đó, hạnh phúc gia đình có bền vững hay không phụ thuộc rất nhiều vào niềm tin lẫn nhau, khi có niềm tin, có thể có tất cả. Khoảng cách giữa nói dối có lợi và hại chỉ là một lần ranh mỏng manh, nếu không đủ độ sâu sắc hay độ chín chắn cung như khả năng cảm quan, bạn sẽ dễ rơi vào tình thế bị xem là nói dối như "cuội" và những lần sau, người ta sẽ mất niềm tin vào bạn. Hãy nhớ câu chuyện "Cậu bé chăn cừu" và làm bài học cho chính mình. Theo Ngọc Ngoan BSGĐ

Nguồn TTOL: http://tintuconline.vietnamnet.vn/vn/yeuvasong/469088/index.html