Nỗi đau da cam và những tấm lòng nhân ái

Chiến tranh đã qua đi gần 40 năm, song di hại chất độc da cam vẫn hàng ngày hàng giờ hành hạ từng gia đình là nạn nhân của nó. Được sự giúp đỡ của Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), cùng với sự sẻ chia từ cộng đồng, những mảnh đời da cam trên mảnh đất này đã và đang nỗ lực không ngừng vượt lên nỗi đau, dựng xây cuộc sống hạnh phúc ở quê nhà.

Hội nhạn nhân chất độc da cam Dioxin thành phố Hạ Long

tặng quà cho các cháu Nguyễn Thị Thương, Nguyễn Thị Hiếu

ở Phường Cao Xanh- TP Hạ Long.

Xót xa nỗi đau da cam

Nhắc đến trường hợp của anh Bùi Hữu Thỉnh, Phó Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam thành phố Hạ Long, nhiều người đều không khỏi xót xa. Từng tham gia chiến đấu ở chiến trường Ngọc Rinh Rua, Ngọc Bờ Biên, Plây Cần thuộc tỉnh Kon Tum (năm 1973), trong một lần hành quân, anh đã bị nhiễm trực tiếp chất độc dioxin khi thùng hóa chất này phát nổ cách đó chỉ chừng 15m. Một luồng khói da cam bùng lên cay xé mắt quấn chặt lấy người anh. Từ khi nhiễm thứ hóa chất độc hại này, cơ thể anh ngày càng bị suy kiệt, có lúc chỉ còn 29 kg. Ngày đất nước thống nhất, niềm vui mái ấm gia đình tưởng chừng bù đắp những gì chiến tranh đã gây ra. Thời kỳ đó chưa ai phát hiện và biết rõ di hại của chất độc da cam do Mỹ rải xuống chiến trường miền Nam…Nhưng rồi, nỗi đau chồng lên nỗi đau, bé trai đầu lòng của vợ chồng anh sinh ra không hoàn thiện những bộ phận trên cơ thể. Đứa con này vợ chồng anh đặt tên là Nghĩa. Đầu cháu mềm oặt do không hình thành hộp sọ, chưa đầy hai tháng sau khi sinh thì cháu mất. Rồi đứa thứ con 2 ra đời, cũng thân đầy dị tật và mất liền sau đó. Đứa con thứ ba sinh non và mất sau đó 7 tháng... Bốn lần sinh nhưng hiện vợ chồng anh chị chỉ còn một cháu trai là Bùi Hữu Tuấn. Không như những đứa trẻ bình thường khác, từ khi sinh ra Tuấn chỉ khóc và khóc suốt 4 năm liền. Bị ảnh hưởng di chứng của chất độc da cam nên Tuấn luôn hoảng loạn. Một lần có phóng viên truyền hình chĩa camera phỏng vấn anh Thỉnh, tưởng họ dùng "đại liên” bắn bố mình, Tuấn đã lấy xẻng lao vào những người quay phim...

Cũng là nạn nhân nhiễm chất độc da cam, nhưng anh Nguyễn Văn Nghi ở tổ 19, khu 2 phường Hòn Gai là người có việc làm duy nhất của gia đình. Anh hiện là công nhân Công ty tuyển than Hòn Gai Vinacomim. Đồng lương ít ỏi của anh phải lo cuộc sống cho vợ và 3 con. Cô con gái lớn Nguyễn Thị Tuyết 30 tuổi bị ảnh hưởng của chất độc da cam nằm bất động, người ngắn chỉ có một khúc, lúc nào cũng cần bố mẹ kề cận để giúp việc vệ sinh.

Cùng cảnh ngộ ấy, gia đình anh Nguyễn Văn Công ở tổ 4 khu 2 phường Đại Yên có cô con gái là Nguyễn Thị Kim Hiếu năm nay 26 tuổi. Anh Công ngậm ngùi cho biết, Hiếu học giỏi lắm, thi đỗ 2 trường Đại học song chỉ theo được một thời gian, sức khỏe yếu luôn phải vào viện nên đành bỏ học. Ngày mới sinh, Hiếu bị chứng bệnh lạ, cả người có lúc nổi lên những vầng to bằng bàn tay, bằng miệng chén tím tái như miếng thịt trâu rồi lặn mất. Có lúc lại mọc những nốt như nhân lạc dày đặc khắp đầu, tay. Rồi người cháu luôn tím tái, co giật. Gia đình đưa con đi chạy chữa nhiều nơi, nhưng chỉ đến khi vào Viện huyết học Trung ương mới biết chính xác Hiếu bị di chứng của chất độc da cam làm rối loạn sinh tủy, khả năng sinh sản máu của cơ thể ít, thường chỉ đáp ứng 1/3 lượng máu cần có thường xuyên. Vì thế đã từ 11 năm nay, khi cháu 15 tuổi, tháng nào gia đình cũng phải lặn lội lên Viện huyết học để truyền máu và truyền tiểu cầu. Có lần riêng tiền thuốc và tiền truyền máu cho Hiến lên đến 27 triệu đồng. Anh Công cho biết được bảo hiểm y tế đỡ cho 80%, gia đình chỉ phải chi trả 20% viện phí song cũng "chóng mặt lắm”. Ở nhà chị Sắc vợ anh phải đánh vật với thửa ruộng 4 sào kiếm thêm tiền lo cho con.

Nhiều tấm lòng nhân ái

Theo số liệu từ Hội nạn nhân chất độc da cam đi ô xin của thành phố Hạ Long, hiện nay trên địa bàn có đến trên 3.000 người bị nhiễm chất độc này. Trong đó có đến 1.276 người bị nhiễm do trực tiếp tham gia chiến đấu tại chiến trường thời chống Mỹ. Con đẻ của các cựu chiến binh bị nhiễm chất độc da cam hiện có 190 cháu bị bệnh. Hầu hết các gia đình nạn nhân chất độc da cam tại Hạ Long đều đang có cuộc sống khó khăn. Trước thực tế này, các cán bộ chuyên trách trong hội đã phát huy vai trò trách nhiệm cao nhất để sẻ chia giúp đỡ những mảnh đời da cam bất hạnh.

Theo chân Hội nạn nhân chất độc da cam thành phố, chúng tôi đã đến thăm hỏi động viên từng gia đình các nạn nhân, và đã cảm nhận được những tấm lòng nhân ái của cộng đồng dành cho họ.

Đáng ghi nhận là một số doanh nghiệp từ nhiều năm nay đã ủng hộ thường xuyên cho các gia đình nạn nhân da cam trên địa bàn Hạ Long. Đến nay Hội nạn nhân chất độc da cam của thành phố đã vận động các doanh nghiệp đỡ đầu thường xuyên hàng tháng cho 45 con cháu, là nạn nhân da cam thế hệ thứ hai, thứ ba của các gia đình mang nỗi đau da cam với mức từ 300.000 đến 500.000 đồng/cháu/tháng. Trong đợt vận động nhân ngày vì nạn nhân chất độc da cam dioxin gần đây, các doanh nghiệp đóng trên địa bàn thành phố đã ủng hộ cho hội 76,7 triệu đồng.

Riêng trong dịp 27-7 năm 2012 vừa qua, đã có nhiều doanh nghiệp, tổ chức xã hội ủng hộ các nạn nhân da cam. Nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân ủng hộ bằng vật chất như bà Đào Thị Tuất khu 2 Bạch Đằng ủng hộ 5 xe lăn tổng trị giá 9 triệu đồng; Công ty thương mại dịch vụ Hyundai (cầu Kênh Liêm) ủng hộ 10 nồi cơm điện (trị giá 7 triệu đồng), gia đình cựu chiến binh Nguyễn Thị Tỵ (Cao Xanh) có người nhà ở Hồng Kông chuyển về tặng 5 triệu đồng. Ngoài ra còn rất nhiều tấm lòng nhân ái, sự sẻ chia khác nữa đến từ các đơn vị như Hải quan Quảng Ninh, đoàn 22 Hải Quân, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, Ban quản lý chợ Hạ Long 1; Ban chỉ huy quân sự thành phố Hạ Long…

Những nỗi đau da cam không có gì bù đắp được, nhưng sự sẻ chia từ cộng đồng đã thể hiện tấm lòng tương thân tương ái, uống nước nhớ nguồn đối với những người lính đã một thời cầm súng chiến đấu bảo vệ nền độc lập tự do của đất nước. Những nghĩa cử cao đẹp ấy đang góp phần xoa dịu nỗi đau da cam mà nhiều gia đình người lính phải mang theo suốt cuộc đời. Chia tay chúng tôi, anh Bùi Hữu Thỉnh đã tâm sự rằng, cuộc đời đẹp hơn nhiều nhờ những tấm lòng nhân ái.

Trọng Khang

Gửi cho bạn bè

Bản in

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=53735&menu=1437&style=1