'Nối chuyến' tới Trường Sa

"Chục cái Tết, Tết nào cũng có người biền biệt ngoài Trường Sa, Tết nào mâm cúng tất niên dọn ra cũng chông chênh, thiếu hụt" - ông Võ Thống chuyển qua giọng rủ rỉ, xa xăm. Ông Thống là Trạm trưởng Trạm Khí tượng Hoài Nhơn (đặt tại thôn An Dưỡng, xã Hoài Tân, Bình Định), người của một đại gia đình có 6 thành viên từng duyên nợ dắt dây với mây gió biển trời tiền tiêu Tổ quốc.

Lặng lẽ

Đấy có vẻ như là dấu hiệu nhận dạng cố hữu cho những người làm công việc đếm gió đo mưa. Chẳng heo hút thâm sơn cùng cốc gì, sát rạt tuyến đường Bắc - Nam vừa nâng cấp, mở rộng thênh thang đó thôi, nhưng "tới Dốc Võng" như đã hẹn, hỏi cơ quan ông Thống, mấy bà đứng cửa hàng, cửa hiệu xập xình đối diện đều nhất loạt chỉ tay sang... đài truyền thanh. Trạm khí tượng hóa ra khuất lấp hơn, phải rẽ vào trong, theo lối đi sỏi đá mấp mô, luồn ra sau một chút. Gần 7 giờ sáng, chiếc xe máy cà tàng rồ ga, trườn lên quãng dốc ngắn rồi đột ngột tắt lịm giữa sân. Người đàn ông dáng điệu khắc khổ, phần nhiều do tướng tá ốm nhom và màu da sạm nắng, phân bua về mấy phút trễ tràng: "Nhà hơi xa. Hôm nào có ca trực thì sáng nay đi, qua bữa sau mới về. Trước, còn trạm cũ, việc đi đứng thong thả, thảnh thơi hơn".

Họ mạc nhà ông Thống bao đời sống dưới thôn Phụng Du 2, xã Hoài Hảo, cách nơi làm việc gần 10 cây số. Ở đó, vợ chồng ông cùng đứa con út có mảnh vườn con con, "túc tắc thả đàn gà, vài lứa heo, trồng ít rau dưa, bầu bí" cùng quầy tạp hóa lặt vặt "chưa bằng lỗ mũi người ta". Giữa hai phiên trực, nó là cái không gian chủ yếu để ông tiêu dụng chút sức lực, thời gian dôi dư . "Xớ rớ phụ đỡ vợ con, được chừng nào hay chừng nấy", ông tự nhận, sau gần 40 năm "thoát ly", mình cũng chỉ là anh nông dân không hơn không kém, cũng chân lấm tay bùn như ai. "Tôi sắp hưu nghỉ, sắp... đi chỗ khác chơi rồi. Lại về với nơi mà mình đã khởi đầu". Chừng nào hưu chưa biết chứ giờ vị trạm trưởng vẫn như con lật đật, nháo nhào chạy từ phòng này sang phòng khác. Tôi thành ra như kẻ vô duyên, thừa thãi, chẳng biết làm gì khác hơn là ngồi nhìn ông còng lưng, dán mắt vào mấy mẩu giấy chằng chịt chữ số nằm bừa bộn trong lòng trang báo cũ. Trên mặt bàn là chiếc máy tính chừng nửa bàn tay.

Lâu lâu, ông rướn lên, lách cách bấm phím, cặm cụi ghi chép. Một anh chàng thấp đậm, tròn lẳn bước nhanh qua cánh cửa, ra dấu chào khách rồi thả mình xuống hàng ghế bên kia. Cả hai chụm lại thì thầm trao đổi hồi lâu. Xong, một trong hai người tiến lại góc phòng, chỗ chiếc máy vi tính nối mạng đang chờ sẵn. Ông Thống quay sang giải thích cái công phu hí hoáy nãy giờ của cha con - vâng, chàng trai thấp tròn mới nhập hội là con đầu ông, Võ Thanh Hải: "Quan trắc, ghi chép thông số khí tượng hiển thị trên thiết bị đo gió, đo mưa, đo nhiệt độ bề mặt, lượng nước bốc hơi..., tổng hợp, nhập dữ liệu rồi truyền vào Đài Khí tượng - Thủy văn Nam Trung bộ (Nha Trang, Khánh Hòa), phục vụ các bản tin dự báo thời tiết. Điều quan trọng là phải tuân thủ giờ giấc một cách nghiêm ngặt, phải tỉ mỉ, chính xác". Một quy trình thu thập, xử lý, truyền dữ liệu, thuật ngữ khí tượng gọi là obs. Ở Trạm Khí tượng Hoài Nhơn, mỗi phiên trực phải trải qua 8 lần vào "ốp": 7, 10, 13, 16, 19, 22, 1 và 4 giờ. Ấy là điều kiện thời tiết bình thường. Vào mùa mưa bão, lịch "ốp" dày hơn, mỗi lần cách nhau 1 tiếng hay 30 phút. Đoạn đường từ nhà làm việc ra khu vườn khí tượng không xa, mỗi "ốp" gói gọn chưa đầy 10 phút. Chạy ra chạy vô, nhìn trước ngó sau, ghi ghi chép chép, công việc xem chừng quá đỗi thong dong, nhàn hạ. Nhưng, khổ là ở đó, ở thứ nhàn nhã đều đều, mỏi mòn, đơn điệu, khi mà ca trực trước sau chỉ một bóng một hình lủi thủi. Nó khiến con người ta dễ nhàm chán, cùn lụt, rời rã, yếu mềm, tan chảy. Gần khu dân cư, giữa phố phường đông đúc chẳng nói làm gì, khắc nghiệt nhất là những trạm nhỏ lẻ nơi đèo heo hút gió, giữa rừng sâu núi cao hay xa xôi mịt mùng ngoài đảo vằng. "Không thực sự vững vàng, không thấm thía sự hữu ích của nghề nghiệp, sẽ khó giữ được nhiệt huyết ban đầu, khó nuôi dưỡng động cơ phấn đấu", ông Thống đúc kết.

Võ Thống đặt chân vào ngành khí tượng năm 1977. Chẳng phải nhờ ai đỡ đầu, chỉ đường vẽ lối. Rời trường phổ thông, còn ngơ ngác phân vân thì gặp đợt tuyển sinh lớp khí tượng sơ cấp. Lớp mở ở Quy Nhơn, không quá xa đối với một bạch diện thư sinh ở thời điểm đất nước vừa thống nhất. Khóa học kéo dài 6 tháng. Ra trường, Thống được phân về quê, như là chặng chạy đà, tập sự, chuẩn bị hành trang cho những chuyến xa hơn. Thời còn tỉnh Nghĩa Bình cũ, ông lên Ba Tơ, ra Quảng Ngãi, vào Quy Nhơn rồi quay trở lại Hoài Nhơn. "Khó khăn gian khổ mấy cũng không nề hà. Hễ nhận lệnh điều động là khăn gói lên đường. Lần đi xa nhất của tôi là ra quần đảo Trường Sa", ông nhớ lại.

Đại gia đình Trường Sa

Một ngày tháng 4.2006, Võ Thống xuống tàu ra đảo Trường Sa Lớn. Chuyến đi thực sự là một thử thách đối với người chưa từng lênh đênh dài ngày như vậy. Trường Sa trăm bề thiếu thốn. "Thiếu nước, thiếu điện, thiếu phương tiện thông tin liên lạc. Mãi đến năm 2008, đảo mới được phủ sóng Viettel. Khó khăn nào rồi cũng nhanh được thu xếp, chỉ nỗi nhớ nhà, nhớ đất liền là cứ giày vò, quay quắt không thôi. Trạm Khí tượng - Hải văn Trường Sa có 7 người. Công việc cũng giống đất liền: Đo gió, đo mưa, quan trắc nhiệt độ các lớp đất sâu... tổng hợp, mã hóa gửi về Tổ thông tin Đài Nha Trang. Anh em nương tựa vào nhau mà hoàn thành nhiệm vụ". Ông nói nghe nhẹ bâng như thế, thực ra, mọi chuyện chẳng dễ dàng gì. Trường Sa như một tiêu binh đứng mũi chịu sào, hứng chịu sớm nhất mọi cơn bão hướng vào Việt Nam. Giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 12, ngoài đó mưa to gió lớn, biển động dữ dội, mỗi "ốp" trực là một cuộc chiến đúng nghĩa đen với phong ba bão tố. Đã từng có tấm gương dũng cảm hy sinh của nhân viên khí tượng ngay tại Trường Sa lớn. Đêm 21.3.2010, giữa mưa gào gió rít, quan trắc viên Hoàng Văn Nghĩa, 24 tuổi, quê Nam Định bị sóng nhấn chìm dưới rạn san hô. Hoàng Văn Nghĩa nằm xuống, mộ của anh giờ vẫn còn tít tắp Trường Sa.

Ông Thống ở Trường Sa Lớn 1 năm. 2 năm còn lại thì chuyển từ nam ra bắc, đến đảo Song Tử Tây. Lựa chọn "đi đảo" của người cha mở ra cơ hội cho những đứa con tiếp nối "hành trình khí tượng". Bà Nguyễn Thị Liên rưng rưng nhắc chuyện cũ: "Ổng đi làm xa, thêm chút ít phụ cấp, điều khiến tôi nghĩ đến đầu tiên là 3 đứa con đang lăn lóc kiếm sống tận miền Nam. Gọi chúng về, như đã bàn soạn sẵn, cả 3 đều nói muốn theo nghề cha". Năm 2007, Võ Thanh Hải, Võ Thị Thu Hương vào ngành khí tượng, Trường Cao đẳng Tài nguyên - Môi trường TP Hồ Chí Minh. Năm sau, tới lượt Võ Thành Tín.

Cũng như người cha, 4 năm Trường Sa của Võ Thanh Hải bắt đầu từ Trường Sa Lớn và khép lại ở Song Tử Tây. Hải vừa "kết thúc nhiệm kỳ" hồi tháng 8.2015. Anh cười: "Lần đi Song Tử Tây, đứa con thứ hai còn trong bụng mẹ, khi về thì nó lên hai. Gặp mình nó dửng dưng như người lạ. Phải mất nhiều ngày dỗ dành, cha con mới bén tiếng quen hơi". Ngồi bên ông Thống, Hải cởi mở hơn để giúp chúng tôi hình dung cuộc sống ngoài biên đảo. Theo anh, bên cạnh yếu tố kỷ luật, tự giác, ý chí kiên cường của mỗi cá nhân và tập thể, thì cái tình bầu bí, sự yêu thương đùm bọc lẫn nhau chính là nguồn sức mạnh nâng đỡ, giúp những người lần đầu ra đảo như anh chống chọi với muôn trùng khó khăn, gian khổ: "Những mùa khô kéo dài chỉ tắm gội, giặt giũ bằng nước lợ, nước xà hai. Những mùa mưa tầm tã thiếu thốn rau xanh, trên đảo không trồng được cây gì khác ngoài bồ ngót, đu đủ. Có Tết như 2011, biển động kéo dài, tàu không ra kịp, 7 anh em san sẻ, nhường nhịn nhau tiêu chuẩn 1 con gà, 2 lít rượu. Đó là môi trường rèn luyện lý tưởng cho bất cứ ai. Có người mới ra chưa biết tự giặt đồ, nấu ăn, chỉ một thời gian là thay đổi hết. Chúng tôi biết cách làm cho đời sống mỗi ngày trở nên phong phú, mạnh mẽ hơn. Văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, tăng gia sản xuất. Sự bận rộn giúp khắc chế những giờ phút yếu mềm. Trường Sa như ngôi nhà lớn của quân với dân, của bộ đội, bác sĩ, nhà sư, nhân viên hải đăng, khí tượng...".

Cuộc gặp của tôi với cha con ông Thống diễn ra ngay trong ngày Võ Thành Tín, em trai của Hải lên đường vào Nha Trang chuẩn bị cho chuyến ra đảo lần thứ hai. Tín đã từng ở Trường Sa từ tháng 12.2012 đến tháng 4.2014. Ông Thống tiễn con đi cũng không phải dặn dò, nhắn nhủ chi nhiều. Trường Sa dường như là điểm đến hiển nhiên của những người đàn ông trong đại gia đình Võ Thống. Ở Trường Sa Lớn, hiện ông có người con rể là Đào Bá Cao (chồng Võ Thị Thu Hương). Chánh văn phòng Đài Đài Khí tượng - Thủy văn Nam Trung bộ Võ Thái Hoàng, em trai ông Thống, cũng từng là gương mặt cũ của một Trường Sa nhiều bão bùng, giông gió. "Đại diện" cuối cùng - Nguyễn Trọng Thái - cháu gọi ông bằng cậu ruột, thì cũng đang bồng bềnh trong chuyến hải hành ra Trường Sa cùng với Tín.
Ông Thống nói về những điều "to tát" theo cách của mình: "Chỉ là nhiệm vụ thôi mà. Cơ quan giao, tổ chức giao thì khó khổ mấy cũng phải cố tròn vai. Ra Trường Sa, cái ý thức đất đai, biển đảo là của mình trở nên thiêng liêng, da diết lắm. Nó là động cơ, là sức mạnh để mỗi người liên tục phấn đấu, vượt lên trên chính bản thân. Tôi nhắc các con: Công việc của mình ảnh hưởng nhiều người, nhiều lãnh vực. Đứng ở đấy, hãy nghĩ tới sau lưng là gia đình, vợ con, quê hương, làng mạc; là những dân chài trong thôn, trong xã quanh năm bạc mặt mưu sinh... Mỗi một ca trực, mỗi một lần "ốp" đều liên quan, dính dáng tới họ. Biết điều đó để không được phép, dẫu chỉ một lần dễ dưng, sa sẩy".

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/xa-hoi/noi-chuyen-toi-truong-sa-516309.bld