Những vũ khí của đất nước bí ẩn nhất thế giới khiến Mỹ-Hàn phải e sợ

Sức mạnh vũ khí của Triều Tiên luôn là một chủ đề được quan tâm. Dưới đây là top vũ khí của đất nước bí ẩn nhất thế giới khiến Mỹ - Hàn phải kiêng dè.

Mối quan hệ giữa Seoul – Bình Nhưỡng đã không ít lần đứng trên bờ vực căng thẳng, dẫn đến nguy cơ chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên . Dù đã có nhiều thỏa thuận đàm phán hòa bình được ký kết nhưng theo đánh giá của giới chuyên gia quốc tế, những thỏa thuận này cũng giống như "hàng dễ vỡ" và không ai đảm bảo được rằng biến cố tương tự sẽ không lặp lại. Trong trường hợp chiến tranh nổ ra, sức mạnh vũ khí của Triều Tiên hiện nay có thể gây ra những thiệt hại nặng nề cho Hàn Quốc – quốc gia đồng minh với siêu cường Mỹ.

Sức mạnh vũ khí của Triều Tiên đến từ các loại vũ khí hạt nhân, tên lửa đạn đạo, vũ khí hóa sinh,… Ảnh minh họa

Trong một bài viết đăng trên The National Interest được Zing News và VnExpress trích lại, chuyên gia phân tích Harry J. Kazianis chỉ ra rằng Triều Tiên hiện sở hữu 5 loại khí tài, vũ khí quân sự có khả năng gây thương vong lớn và gieo rắc nỗi sợ hãi trên khắp Hàn Quốc, thậm chí là cả ở Mỹ.

Vũ khí hạt nhân

Theo National Interest, vũ khí hạt nhân là mối đe dọa nguy hiểm nhất đến từ Triều Tiên không chỉ Hàn Quốc mà cả thế giới phải lo lắng. Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên năm 2006 với sức mạnh vụ nổ tương đương 1.000 tấn TNT. Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) cho rằng, đây là thử nghiệm thất bại. Đến năm 2009, Triều Tiên thử hạt nhân lần 2. Lần thử nghiệm gần đây nhất diễn ra vào năm 2013 với đương lượng nổ khoảng 40 kiloton.

Theo Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm, Bình Nhưỡng có thể đã sở hữu khoảng 6 - 8 đầu đạn hạt nhân. Trong khi đó, Viện nghiên cứu và chiến lược quốc tế đánh giá Triều Tiên có thể lắp đầu đạn hạt nhân vào tên lửa tầm trung Nodong. Tên lửa này có tầm bắn khoảng 1.300 km, đủ sức uy hiếp toàn bộ Hàn Quốc, Nhật Bản.

Vũ khí hạt nhân của Triều Tiên là mối đe dọa lớn nhất không chỉ với Hàn Quốc. Ảnh Wikipedia

Đáng chú ý, Triều Tiên có thể tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân vào lãnh thổ Mỹ ở Alaska hoặc Hawaii nếu chiến tranh nổ ra. Theo ông Kazianis, tỷ lệ thành công của các vụ tấn công hạt nhân bằng tên lửa tầm xa này còn là vấn đề gây tranh cãi, nhưng nó sẽ ngày càng trở nên khả thi hơn trong những thập niên tới đây.

"Bom bẩn"

Ông Kazianis cho rằng Triều Tiên có thể sử dụng các loại "bom bẩn" trên khắp Hàn Quốc. "Bom bẩn" là những thiết bị nổ cải tiến, được nhồi thêm các loại vật liệu hạt nhân thô, có thể gây nhiễm xạ nặng nề ngoài phạm vi nổ của nó. Chuyên gia này cho rằng Triều Tiên đã đào nhiều đường hầm xuyên qua khu phi quân sự giữa hai nước, và các đặc vụ nước này có thể sử dụng mạng lưới đường hầm này để tuồn các loại vật liệu chế tạo "bom bẩn" cần thiết vào các đô thị lớn của Hàn Quốc.

Đơn giản hơn, Triều Tiên có thể nhồi vật liệu hạt nhân chưa qua tin h chế vào các đầu đạn tên lửa tầm ngắn có thể bắn tới thủ đô Seoul của Hàn Quốc và khai hỏa. Ngay cả khi không bắn trúng các mục tiêu quan trọng, những quả "tên lửa bẩn" này vẫn đủ sức gây nên tình trạng hoảng loạn trên diện rộng trong dân chúng.

Tàu ngầm mini

Triều Tiên nắm giữ một hạm đội tàu ngầm mini đông đảo, trong đó nhiều nhất là lớp Sang-O. Các tàu ngầm này có công nghệ khá lạc hậu, nhưng việc phát hiện ra chúng dưới mặt nước không phải vấn đề đơn giản. Chúng có thể bí mật tiếp cận các tàu chiến Hàn Quốc và tung đòn tấn công. Vụ chìm tàu hộ tống Cheonan năm 2010 được cho là do trúng phải ngư lôi bắn ra từ tàu ngầm Triều Tiên.

Tàu ngầm mini lớp Sang-O của Triều Tiên mắc cạn ở bờ biển Hàn Quốc năm 1996. Ảnh Global Security

Bên cạnh nhiệm vụ tấn công, các tàu ngầm mini có thể phục vụ hoạt động triển khai gián điệp. Năm 1996, một tàu ngầm gián điệp của Triều Tiên mắc cạn ở bờ biển Gangneung, Hàn Quốc dẫn đến cuộc truy lùng quy mô lớn của Seoul. Theo National Interest, hải quân Triều Tiên đang có khoảng 40 tàu ngầm lớp Sang-O và 10 tàu lớp Yono.

Pháo binh hạng nặng

Pháo binh là một trong những quân bài chủ lực đáng sợ của Bình Nhưỡng, đặc biệt pháo tầm xa. Điểm bất lợi lớn cho Hàn Quốc là thủ đô Seoul nằm trong tầm bắn của hầu hết đại bác Triều Tiên. Nếu Bình Nhưỡng khai hỏa toàn bộ khẩu pháo của họ liên tục trong 30 phút, Seoul có thể bị san phẳng.

Trong số đó, M1978 Kosan 170 mm và rocket phóng loạt MRL-240 là hai loại pháo nguy hiểm nhất của nước này. Kosan có tầm bắn tới 60 km, tốc độ bắn của nó rất chậm khoảng 1-2 viên/5 phút, nhưng nhờ số lượng lớn, khoảng 500 khẩu, nó có thể áp đảo về hỏa lực.

Trong khi đó, rocket phóng loạt MRL-240 có tầm bắn khoảng 35 km, mỗi xe phóng có thể mang 12 hoặc 22 đạn. Theo Global Security, Bình Nhưỡng sở hữu khoảng 200 hệ thống này. Nếu Triều Tiên khai hỏa đồng loạt, chúng có thể dội xuống Seoul tới 4.400 đạn rocket chỉ trong một phút.

Tên lửa đạn đạo

Triều Tiên có trong biên chế nhiều loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung. Chúng được sản xuất với công nghệ khá lạc hậu nhưng vẫn rất nguy hiểm. Loại tên lửa chủ lực của Bình Nhưỡng là Hwasong-5/6, phiên bản sản xuất tại Triều Tiên của tên lửa Scud. Các tên lửa này có tầm bắn từ 300 đến 700 km tùy phiên bản.

Mẫu tên lửa tầm ngắm tiên tiến KN-2 Toksa của Triều Tiên. Ảnh Kiến Thức

Bên cạnh tên lửa tầm ngắn, Bình Nhưỡng còn sở hữu tên lửa tầm trung Nodong tầm bắn trên 1.000 km và Taepodong-1 tầm bắn 2.200 km. Đặc biệt, gần đây Triều Tiên đã triển khai tên lửa đạn đạo tầm trung di động Musudan 4.000 km.

Theo BBC, kho vũ khí của Triều Tiên có khoảng 1.000 tên lửa các loại. Điểm yếu của chúng là độ chính xác thấp, nhưng vẫn rất nguy hiểm với các mục tiêu trong lãnh thổ Hàn Quốc. Trong tháng 5, chính phủ Hàn Quốc đã thỏa thuận cùng Mỹ để triển khai hệ thống đánh chặn tên lửa THAAD nhằm đối phó với mối đe dọa từ Triều Tiên.

Vũ khí hóa sinh

Tổ chức nghiên cứu mối đe dọa hạt nhân Nuclear Threat Initiative cho biết Triều Tiên hiện nay có thể đang sở hữu kho vũ khí hóa học lớn thứ ba trên thế với, với nhiều loại chất độc hóa học khác nhau. Hồi tháng 6/2015, Vice News đưa tin một nhà khoa học Triều Tiên đào tẩu đến Phần Lan cùng với 15 GB dữ liệu đã tuyên bố rằng ông ta có những bằng chứng cho thấy Bình Nhưỡng đã thử các loại vũ khí hóa học và vũ khí sinh học.

Thậm chí, một số nguồn tin không chính thức cho biết, Bình Nhưỡng có khoảng 2.500 đến 5.000 tấn vũ khí hóa học, chủ yếu là khí mù tạt. Joe Bermudez, một chuyên gia nghiên cứu về Triều Tiên nhận định, nước này có thể đã sản xuất thành công đầu đạn hóa học sử dụng trong pháo binh hoặc tên lửa. Nếu được sử dụng trong chiến tranh, chúng có thể gây nguy hiểm trên diện rộng cho quân đội và người dân Hàn Quốc.

"Đội quân tin tặc"

Tương quan lực lượng hai nước Triều Tiên – Hàn Quốc. Ảnh VnExpress

Chưa có nghiên cứu chính thức nào về "đội quân tin tặc" Triều Tiên và khả năng tấn công của họ, nhưng đây là một trong những mối đe dọa rất lớn nếu chiến tranh xảy ra. Hồi cuối năm 2014, Mỹ tố cáo rằng Triều Tiên là thủ phạm đứng sau vụ tấn công mạng quy mô lớn vào hãng Sony, khi hãng này sắp công chiếu một bộ phim ám chỉ việc ám sát nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Hàn Quốc cũng đã từng tố cáo Triều Tiên tấn công mạng vào một lò phản ứng hạt nhân của nước này vào tháng 12/2014.

Các chuyên gia lo ngại rằng khi "đội quân tin tặc" Triều Tiên ngày càng lớn mạnh, họ có thể đủ sức phát động tấn công mạng vào hệ thống điện của Hàn Quốc, hoặc xâm nhập vào các cơ sở quân sự khác nhau của Hàn Quốc và Mỹ thông qua hệ thống mạng.

Trên thực tế, dù sở hữu những loại vũ khí quân sự nguy hiểm đến vậy nhưng Triều Tiên sẽ không thể thắng trong bất cứ cuộc xung đột quân sự nào với Hàn Quốc, ông Kazianis nhận định. Nếu chiến tranh xảy ra, Hàn Quốc sẽ có được sự hậu thuẫn của Mỹ với lực lượng quân sự cùng những loại vũ khí tối tân, hiện đại hơn Triều Tiên gấp nhiều lần.

Vân Anh (T/h)

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/trieu-tien-so-huu-nhung-vu-khi-quan-su-khien-my-han-phai-e-so-d81030.html