Những vòng quay gần gũi

“Ơ, xin chào Trưởng Công an phường. Xe đạp mới à đồng chí? Vâng, xe mới bác ạ. Đắt không đồng chí? Xe Công an thành phố trang cấp bác à. Xe tốt, hoàn thành nhiệm vụ càng tốt hơn”, cuộc đối thoại ngắn, hết sức tình cờ mà chúng tôi ghi được ở nút giao thông Hòa Mã - Ngô Thì Nhậm, phường Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội trong lúc chờ đèn đỏ và “chốt” lại bằng ngón tay ra hiệu “Được đấy” của bác trung niên đang quét dọn trên vỉa hè cùng ánh mắt dõi theo những vòng quay xe đạp của các chiến sỹ công an…

Đoàn xe đạp của lực lượng Công an làm nhiệm vụ bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Quảng trường Ba Đình - Hà Nội năm 1945

Gần dân hơn để thêm hiệu quả

Tại một cuộc họp tháng của CATP, khoảng giữa năm 2015, đồng chí Nguyễn Đức Chung, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố, khi ấy đang là người đứng đầu Công an Hà Nội, đưa ra một gợi mở với chỉ huy các đơn vị: “Giải quyết tốt trật tự giao thông - đô thị không thể cứng nhắc là những mệnh lệnh, quy định mang tính hành chính. Càng gần người dân, thuyết phục, tuyên truyền để người dân hiểu, chấp hành quy định pháp luật, nâng cao nhận thức, sẽ giải quyết được cái “gốc” của vấn đề. Tôi giao Phòng Hậu cần, Phòng Trật tự phối hợp với các bộ phận khác nghiên cứu thí điểm để Cảnh sát trật tự công an phường, thay vì ngồi trên xe bán tải, sẽ đi xe đạp để tuần tra, tuyên truyền, nhắc nhở người dân”.

Gợi mở ấy đã được các phòng chức năng CATP tích cực thực hiện để chưa đầy 2 tháng sau đó, xe đạp chuyên dụng của CSTT - mẫu xe được Bộ trưởng Bộ Công an và Chủ tịch UBND thành phố đồng ý cho CATP áp dụng triển khai - cùng quy chế sử dụng, đã hình thành.

Chiếc xe đạp chuyên dụng dành cho lực lượng CSTT “ra đời” không phải ngẫu nhiên. Theo Kế hoạch 115 của CATP về xây dựng tuyến phố đảm bảo trật tự công cộng, trật tự đô thị, được triển khai tháng 5-2015, Công an quận, phường đã tham mưu cho UBND cùng cấp tổ chức kẻ vẽ vạch sơn, hoạch định diện tích được sử dụng làm nơi để xe máy, xe đạp trên các tuyến phố trọng điểm, đồng thời tham mưu kẻ vẽ lại đối với các vạch sơn đã bị mờ. Tại những tuyến phố đủ điều kiện để phương tiện, lực lượng công an đã hướng dẫn người dân để xe máy, xe đạp theo đúng quy định. Lực lượng CSTT được tăng cường, phân công rõ địa bàn, trách nhiệm, hàng ngày đi bộ tuần tra nhắc nhở, tuyên truyền cũng như phối hợp với các lực lượng khác xử lý nghiêm vi phạm.

Với chiếc xe đạp chuyên dụng dành cho CSTT, đây chính là sự nối dài những chủ trương, giải pháp nhằm tác động, nâng cao ý thức người dân. Xe đạp chuyên dụng còn có ý nghĩa lớn hơn, đó là thông qua công tác tuyên truyền, vận động người dân, từng bước xây dựng hình ảnh người chiến sỹ Công an Thủ đô chính quy, tinh nhuệ và thân thiện, gần gũi với nhân dân.
Trung tuần tháng 8-2015, người dân Hà Nội chính thức biết thêm một phương tiện của Công an Hà Nội, là chiếc xe đạp chuyên dụng màu xanh, được thiết kế tiện lợi cho CBCS làm nhiệm vụ. 12 phường ở 12 quận được tổ chức thí điểm, mỗi phường 6 xe, 1 cho chỉ huy và 5 xe dành cho cán bộ chiến sỹ.

Chuyện đạp xe ở một phường “điểm”

Tôi tìm đến trụ sở CAP Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng và ấn tượng bất ngờ đầu tiên là bắt gặp đồng chí Trưởng CAP, Thiếu tá Nguyễn Hữu Khánh đi về trụ sở bằng chiếc xe đạp chuyên dụng. “CBCS CAP bây giờ khi ra đường làm nhiệm vụ tuần tra, giữ gìn trật tự, đều sử dụng xe đạp. Còn xe ô tô bán tải chỉ phục vụ tuần tra đêm, “chạy” xử lý thông tin 113, hoặc hãn hữu tăng cường giải quyết những điểm phức tạp về giao thông - đô thị”, Thiếu tá Nguyễn Hữu Khánh tâm sự.

Trước khi đến phường Ngô Thì Nhậm, tôi đã tới một số địa bàn, nghe tâm sự ưu điểm, cả những bất cập khi sử dụng xe đạp chuyên dụng. Như một số địa bàn vùng ven, có những tuyến đường đông xe khách hoạt động, việc tham gia giao thông bằng xe đạp vừa vất vả, lại không an toàn. Có địa bàn “phàn nàn” đi xe đạp không xử lý được vi phạm, thậm chí nhìn lực lượng làm nhiệm vụ… mất “uy”. Ý kiến khác cho rằng trong quá trình đi xe đạp, nếu gặp đối tượng có biểu hiện vi phạm pháp luật lại sử dụng xe cơ giới, CSTT sẽ… không làm gì được.

Những ý kiến này từng được đưa ra tại hội nghị, nhưng đó chỉ là thiểu số. Trung tá Trần Quang Cung - Tổ trưởng CSTT CAP Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm) chia sẻ, từ ngày được trang bị xe đạp, 12 tuyến phố trên địa bàn ít khi bị “sót” vi phạm, kể cả giờ cao điểm diễn ra các hoạt động xuất nhập hàng tại chợ Đồng Xuân, chợ Bắc Qua. Trung tá Trần Quang Cung khoe hôm rồi có cả đài truyền hình của Nhật về quay phóng sự CSTT CAP đạp xe đi là nhiệm vụ. Ở địa bàn khác, phường Nam Đồng, quận Đống Đa, Trung úy Nguyễn Ngọc Vinh - Tổ trưởng CSTT hồ hởi: Cơ động hơn ô tô, lại không gây ùn ứ trong quá trình làm nhiệm vụ. Điều này từng xảy ra với đặc thù địa bàn nhiều khu tập thể, tồn tại chợ dân sinh trên các trục đường như Nam Đồng. Mỗi lần đi làm, CAP thực sự ngại, vì ô tô có thể gây tắc đường, ảnh hưởng đến công tác kiểm tra, xử lý. Từ mấy tháng nay, thế “khó” ấy đã được hóa giải.

Song ngẫm đúng nhất vẫn là những suy nghĩ và cách làm của CAP Ngô Thì Nhậm. Thiếu tá Nguyễn Hữu Khánh có cách nhìn thực tế: “Nếu đã làm tốt Kế hoạch 115 thì việc sử dụng xe đạp chuyên dụng sẽ không có khuyết điểm, khó khăn”. Bởi, yêu cầu đặt ra của Kế hoạch 115 là đi bộ tuyên truyền, mình đang đi bộ, chân mỏi rồi, giờ có xe đạp cơ động hơn, đi được địa bàn rộng hơn, có thích và hiệu quả hơn không? Điều quan trọng khác theo Trưởng CAP Ngô Thì Nhậm, là nhận thức và sự nghiêm túc của người chỉ huy đơn vị. Cái “uy” của lực lượng làm nhiệm vụ không phụ thuộc vào phương tiện. Sẽ “uy” hơn nếu CBCS có tinh thần, thái độ làm việc nghiêm túc, hết sức linh hoạt song cũng hết sức quyết liệt. Một cách nói đi vào lòng người, giúp người dân thấy được hành vi của mình là chưa chuẩn, từ đó chấp hành, đấy mới là cái “uy”.

Triển khai xe đạp chuyên dụng, CAP Ngô Thì Nhậm đề xuất Đảng ủy phường ban hành riêng nghị quyết về giữ gìn TTGT-ĐT. Điều này giúp CAP có thêm sự ủng hộ, vào cuộc của các cấp, các ngành và cán bộ cơ sở. Khi đi làm trật tự đô thị bằng xe đạp, cái được lớn nhất là diện tiếp xúc với người dân rộng hơn, tuyên truyền được nhiều hơn và vi phạm vì thế giảm đi.

Hội nghị sơ kết 4 tháng mô hình CSTT CATP làm nhiệm vụ bằng xe đạp, có những kết quả - thành công được đúc rút. Cùng với đó là những tin vui, đã có 784 chiếc xe đạp chuyên dụng được trang cấp cho 168 phường và 1 trạm thuộc Công an 12 quận. Lại có địa bàn đề xuất UBND quận trang bị xe đạp cho đội viên tự quản đô thị, để sát cánh cùng lực lượng công an. Thông tin khác, 19 Công an tỉnh, thành phố đã học tập và áp dụng mô hình CSTT, CSKV sử dụng xe đạp để tuần tra, kiểm soát, triển khai theo đúng mẫu xe của Công an Hà Nội. Những vòng quay bình yên, những sắc xanh gần gũi với người dân, càng thêm mến yêu, trân quý những suy nghĩ, tình cảm, trách nhiệm của Công an Hà Nội, luôn hướng đến người dân.

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/vi-binh-yen-cuoc-song/nhung-vong-quay-gan-gui/657403.antd