Những việc "đại kị" trong ngày Tết bạn nên tránh xa

Người xưa thường dạy: “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, mỗi miền của nước ta đều có những điều kiêng kỵ khác nhau trong ngày Tết. Tuy đó chỉ là quan niệm dân gian và theo thời gian, nhiều quan niệm đã có phần mai một nhưng “biết để tránh” cũng không thừa.

Miền Bắc: Miền Bắc là vùng có nhiều tục kiêng kỳ lạ nhất so với miền Trung và miền Nam.

Rắc vôi bột ở 4 góc vườn

Ở nông thôn,nhà nào cũng rắc vôi bột ở 4 góc vườn rồi vẽ hướng ra phía cổng để xua đuổi ma quỷ. Vì thế,dân gian có câu : “Đầu năm mua muối,cuối năm mua vôi”. Đầu năm bạn mua muối tặng cho mọi người cũng chính là lời chúc năm mới làm ăn phát đạt, gặp nhiều may mắn.

Kén người xông nhà

Những người “nặng vía”, không hợp tuổi với gia chủ đừng nên đến xông nhà ngày đầu năm. Người có tang không nên xông đất nhà người khác để tránh xui xẻo.

Không quét nhà, đổ rác

3 ngày Tết đối với người miền Bắc là những ngày đón may mắn đầu năm nên họ kiêng nhất quét nhà, đổ rác vì sợ quét hết vận đỏ đi. Chính vì thế, vào ngày cuối cùng của năm, mọi người trong gia đình sẽ tổng vệ sinh nhà cửa thật sạch sẽ để đón năm mới.

Không cho nước, lửa

Ngày mồng 1 Tết, người ta rất kỵ người khác đến xin lửa nhà mình, vì quan niệm lửa là đỏ, là may mắn. Cho người khác cái đỏ trong ngày mồng 1 Tết thì cả năm đó trong nhà sẽ gặp nhiều điều không may. Còn nước được ví như nguồn tài lộc trong câu chúc tiền vào như nước, nếu cho nước thì coi như mất lộc. Không những vậy, theo quan niệm bát đĩa tượng trưng cho gia đình, vì thế, trong ngày này không được đánh vỡ bát đĩa, ấm chén, nhằm kiêng những điều không vui xảy ra với gia đình.

Không treo những tranh “xui xẻo”

Những bức tranh có nội dung như : Đánh ghen, kiện tụng,… sẽ không bao giờ xuất hiện trong ngày Tết, thay vào đó sẽ là những tranh mang ý nghĩa tài lộc như lợn, gà, cậu bé… Ngoài ta, trong những ngày đầu năm, bạn phải hết sức cẩn thận trong lời ăn tiếng nói để tránh đem lại sự không may,còn gọi là nói giông hoặc nói xui.

Nhà có tang kiêng chúc Tết

Ngày Tết Nguyên đán là ngày vui của toàn dân tộc, ngày mở đầu cho vận hội hanh thông của cả một năm nên người xưa có tục lệ cất khăn tang trong 3 ngày Tết. Nhà nào có đại tang, kiêng đi chúc Tết, mừng tuổi bà con xóm giềng, ngược lại bà con xóm giềng lại cần đến chúc Tết và an ủi gia đình bất hạnh.

Miền Trung

Với người miền Trung,họ khá thoải mái đối với tất cả mọi thứ để có những ngày Tết vui vẻ. Người miền Trung thường kiêng ăn những món chế biến từ tôm trong những ngày Tết Nguyên đán. Kiêng ăn trứng vịt lộn, thịt vịt để không gặp xui xẻo. Một số vùng không sợ ăn tôm vì sợ…đi giật lùi như tôm, nếu ăn trong ngày Tết, công việc sang năm sẽ lùi chứ không thể tiến tới. Ngoài ra,một số nơi ở miền Trung thường kiêng mặc đồ màu trắng trong suốt tháng Giêng đầu năm mới.

Miền Nam

Ngày Tết có lệ, ai đến nhà, bất kể giờ giấc nào, gia chủ cũng dọn cỗ, mời uống rượu, ăn bánh. Khách không được từ chối bữa ăn, dù no cũng phải nhấm nháp chút ít. Ở một số vùng quê Nam bộ còn có tục kiêng không để cối xay gạo trống vào những ngày đầu năm, điều này tượng trưng cho việc thất bát, mất mùa năm tới. Chính vì vậy người ta thường đổ một ít lúa vào cối xay, ngụ ý cầu mong năm mới lúa gạo đầy tràn.

Thanh Trúc

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/nhung-viec-dai-ki-trong-ngay-tet-ban-nen-tranh-xa-d63137.html