"Những vấn đề đặt ra trong thực tiễn giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng và cách giải quyết"

(ĐCSVN) - Đó là chủ đề của cuộc Hội thảo khoa học do Vụ nghiên cứu và Hội đồng Khoa học Ủy ban Kiểm tra Trung ương phối hợp tổ chức ngày 17/5 tại Hà Nội. Đồng chí Lê Hồng Liêm - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học cơ quan chủ trì Hội thảo.

Toàn cảnh Hội thảo Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Lê Hồng Liêm khẳng định: Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội X của Đảng đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các ban Đảng Trung ương và Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã ban hành nhiều chỉ thị, quy định, quyết định, hướng dẫn, quy chế...về thi hành Điều lệ Đảng và công tác kiểm tra, giám sát thi hành kỷ luật Đảng. Đặc biệt, các văn bản quy định và hướng dẫn về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm ngày càng rõ, cụ thể chi tiết, thuận lợi cho việc xem xét về cùng lỗi phạm để áp dụng hình thức kỷ luật thống nhất trong toàn Đảng - đây là cơ sở để cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng, trong đó có nhiệm vụ giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng. Do đó, công tác giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng đã được cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp quan tâm chỉ đạo và xem xét giải quyết tương đối kịp thời, bước đầu đạt được kết quả nhất định, góp phần giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc tồn đọng, kéo dài, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên. Tuy nhiên trên thực tế, việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng thời gian qua còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc như: Nhận thức của một số cấp ủy về công tác này còn chưa đầy đủ, chưa được quan tâm đúng mức; Quy định hiện tại về quyền khiếu nại, thẩm quyền giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng còn thể hiện những bất cập nhất định, như về phía người khiếu nại có tình trạng gửi đơn đi nhiều nơi, khiếu nại "cầu may"...; về phía tổ chức đảng còn tâm lý e ngại, đố kỵ với người khiếu nại và thực hiện nhiệm vụ giải quyết khiếu nại chưa kịp thời; khi giải quyết khiếu nại thường chuẩn y hình thức kỷ luật của tổ chức đảng cấp dưới, hoặc tâm lý không muốn cấp trên thay đổi hình thức kỷ luật khi giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng. Thậm chí có nơi không chấp hành các quyết định của cấp trên dẫn đến tình trạng đảng viên khiếu nại nhiều lên Trung ương gây lãng phí tiền của, công sức và gây bức xúc không đáng có ở một số cá nhân, tổ chức đảng có liên quan đến thi hành kỷ luật và giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng... Thực tiễn đó đòi hỏi công tác giải quyết, khiếu nại kỷ luật đảng cần được tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm và đề xuất một số giải pháp có tính khả thi, thông qua đó, kiến nghị cấp có thẩm quyền bổ sung, sửa đổi các quy định về giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng, thực hiện tốt nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ Đảng; góp phần giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật, nâng cao sức chiến đấu của các tổ chức đảng. Đó cũng chính là mục tiêu mà Ban Tổ chức đặt ra tại cuộc Hội thảo này - Đồng chí Lê Hồng Liêm nhấn mạnh. Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận tham luận, làm rõ 8 nhóm vấn đề: Những nội dung khiếu nại thường gặp trong giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng - Nguyên nhân và giải pháp khắc phục; Những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện quy trình giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng và cách giải quyết; Phương pháp, kinh nghiệm nghiên cứu nội dung khiếu nại, hồ sơ thi hành kỷ luật và hồ sơ giải quyết khiếu nại kỷ luật; Phương pháp, kinh nghiệm thẩm tra, xác minh trong giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng; Phương pháp, kinh nghiệm xử lý tình huống người bị thi hành kỷ luật vừa khiếu nại vừa tố cáo; Những hạn chế, bất cập trong quy định hiện tại về quyền khiếu nại, thẩm quyền giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng và những đề xuất, kiến nghị nội dung cần bổ sung, sửa đổi; Những khó khăn, vướng mắc và biện pháp tháo gỡ trong trường hợp phải thay đổi hoặc xóa bỏ hình thức kỷ luật trong quá trình giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng; Phương pháp, kinh nghiệm nghiên cứu đơn, thư khiếu nại./.

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=403754&co_id=30287