Những vấn đề cấp bách trong công tác dân vận hiện nay

Gần 25 năm thực hiện sự nghiệp đổi mới, vị thế của đất nước ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế. Bộ mặt thành thị, nông thôn có nhiều đổi mới, đời sống của nhân dân thay đổi rõ rệt; dân chủ trong Đảng, trong xã hội mở rộng; lòng tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước ngày càng thêm vững chắc. Kết quả đó là thể hiện của sự lãnh đạo vững vàng, đường lối đổi mới đúng đắn cũng như công tác vận động tập hợp quần chúng năng động của Đảng ta.

Song, quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay cũng đang đặt ra cho công tác xây dựng Đảng nói chung và công tác dân vận nói riêng nhiều vấn đề cần nghiên cứu làm rõ để tiếp tục đổi mới, đáp ứng yều cầu của thời kỳ mới hiện nay. Một là, những vấn đề nảy sinh trong cơ chế kinh tế thị trường với đường lối thực hiện “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Quy luật kinh tế thị trường có tác động làm cho kinh tế, xã hội cạnh tranh, phát triển. Song mặt trái của nó cũng làm cho phân hóa giàu nghèo, các tiêu cực, tệ nạn xã hội diễn ra mạnh mẽ. Điểm nhấn của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của chúng ta là ở chỗ, bên cạnh việc vận dụng các quy luật của kinh tế thị trường nhằm xây dựng cơ chế, chính sách phát huy các nguồn lực, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội còn phải hết sức chú ý giải quyết công bằng xã hội, an sinh xã hội. Công tác dân vận của Đảng phải xuất phát từ việc nghiên cứu nắm bắt quy luật, tác động của kinh tế thị trường đến sự biến đổi, ảnh hưởng tới đời sống, tư tưởng của các tầng lớp nhân dân, để tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành, các địa phương rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng những cơ chế, chính sách phù hợp với tình hình mới, nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho mọi người dân cùng phát triển. Bảo đảm để mọi công dân đều được bình đẳng trong sản xuất - kinh doanh, trong cạnh tranh, thi đua làm giàu chính đáng; phát triển kinh tế phải đi đôi với an sinh xã hội. Có chính sách quan tâm hỗ trợ những người trong diện chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; tạo những cơ hội thuận lợi cho các vùng phát triển, hạn chế phân hóa giàu, nghèo. Trên cơ sở những cơ chế, chính sách, luật pháp được ban hành, hệ thống dân vận tập trung vào việc tuyên truyền vận động, tập hợp quần chúng tham gia tích cực vào các phong trào thi đua yêu nước để phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Hai là, công nghiệp hóa, hiện đại hóa là quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh mẽ theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, thương mại dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Đi theo quá trình này sẽ diễn ra việc phải tập trung đầu tư phát triển nhanh các khu công nghiệp, các khu chế xuất, các trung tâm thương mại, dịch vụ, các dự án kinh tế; các công trình kết cấu hạ tầng như đường giao thông, sân bay, bến cảng; các khu đô thị mới, v.v.. Phải quy hoạch, giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư, tạo quỹ đất dành cho đầu tư phát triển. Đền bù giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư là việc làm hết sức quan trọng và đang diễn ra ở khắp mọi nơi, có những nơi phải làm với quy mô lớn hàng chục, hàng trăm ngàn héc-ta. Di dời cả làng, cả xã, thậm chí là vài xã. Điều đó đã tác động trực tiếp tới cuộc sống, quyền lợi, tương lai, công ăn việc làm của hàng vạn hộ dân. Nhân dân mất đất sản xuất, phải di dời nhà ở, phải chuyển đổi nghề nghiệp, tìm việc làm mới ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, tâm tư tình cảm, phong tục tập quán của họ. Do vậy, công tác tuyên truyền vận động nhân dân phải được hết sức coi trọng. Phải tiến hành ngay từ khâu lấy ý kiến của dân tham gia vào việc lập quy hoạch, lập dự án; xây dựng chính sách đền bù đến việc bàn bạc với dân, vận động nhân dân trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện dự án, sao cho vừa bảo đảm tiến độ mặt bằng cho thi công công trình, thực hiện dự án không bị kéo dài gây lãng phí lớn, lại vừa phải bảo đảm cho nhân dân không bị thiệt thòi, có điều kiện mới để phát triển sản xuất, duy trì cuộc sống. Phải bảo đảm cho người dân tái định cư có nhà ở bằng hoặc hơn nơi ở cũ, đồng thời phải tạo công ăn việc làm, nghề nghiệp, tương lai phát triển cuộc sống bằng và hơn nơi ở cũ. Chăm lo cho dân cũng là đầu tư để phát huy sức mạnh của nhân dân. Trong thời gian vừa qua, công tác dân vận bước đầu đã được coi trọng góp phần cho công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư bảo đảm tiến độ triển khai nhiều dự án kinh tế lớn của Nhà nước, của các địa phương. Song cũng có không ít nơi xem nhẹ, chủ quan, thiếu dân chủ, gây nhiều bức xúc trong nhân dân. Giá cả đền bù chưa thỏa đáng, mất dân chủ với dân, quy hoạch đầu tư chưa hợp lý, tiến độ giải ngân chậm, thái độ hách dịch với dân... đã làm chậm tiến độ thực hiện dự án, gây lãng phí lớn. Có nơi gây bức xúc thành điểm nóng; dân đi khiếu kiện đông người gay gắt, vượt cấp, gây nguy cơ mất ổn định về chính trị, tạo kẽ hở để kẻ địch lợi dụng, kích động chống phá ta. Do đó, rất cần một cơ chế, phối hợp thống nhất và chặt chẽ giải quyết vấn đề này, mà công tác dân vận phải đi trước một bước. Muốn tham mưu đúng thì điều quan trọng trước tiên là phải nắm được tình hình nhân dân, phải hiểu được tâm tư, nguyện vọng của dân và sâu hơn nữa là phải dự báo được tình hình biến động về các mặt đời sống, xã hội của dân trước tác động của quá trình hội nhập trong những năm tới. Cùng với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, là quá trình chuyển dịch về cơ cấu dân số, lao động và đô thị hóa; tăng nhanh tỷ lệ lao động trong công nghiệp, thương mại - dịch vụ, giảm tỷ lệ lao động trong nông nghiệp, tăng dân số đô thị. Các loại hình doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp có vốn nước ngoài phát triển nhanh cả về số lượng, quy mô, đã thu hút đông đảo lực lượng lao động chuyển dịch từ nông thôn đến làm việc. Trong khi phần lớn các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài chưa có tổ chức đảng, đoàn thể chính trị - xã hội; quá trình thành lập, xác định chức năng, nhiệm vụ, nội dung hoạt động ở những nơi đã có các tổ chức trên còn rất lúng túng. Nên cần tiếp tục lãnh đạo xây dựng, kiện toàn hệ thống chính trị, chỉ đạo đổi mới nội dung, phương thức vận động tập hợp quần chúng trong các loại hình doanh nghiệp, nhất là trong các khu công nghiệp tập trung. Hiện nay, vấn đề tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, an toàn lao động, nhà ở, đời sống vật chất, tinh thần văn hóa của công nhân, của người lao động..., nhất là công nhân, người lao động trong các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang nổi lên cấp bách. Một số cuộc đình công, bãi công của công nhân nổ ra có xu hướng ngày càng gia tăng, phức tạp. Đây là vấn đề lớn đặt ra cho công tác dân vận. Hệ thống dân vận cần tăng cường đi sâu nghiên cứu, tham mưu cho Đảng, Nhà nước đổi mới hệ thống chính sách cho phù hợp, bảo đảm “lao tư lưỡng lợi”; mặt khác, đổi mới công tác vận động, tập hợp quần chúng, góp phần bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động, bảo đảm ổn định chính trị, trật tự xã hội và phát triển sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đặt ra yêu cầu người lao động nâng cao trình độ. Việc chuyển đổi nghề nghiệp, tìm kiếm công ăn việc làm không những là nguyện vọng, nhu cầu bức thiết của nhân dân, là tiềm năng, lợi thế trong thu hút đầu tư, mà còn là sức ép lớn về xã hội. Đảng và Nhà nước tiếp tục đổi mới cơ chế chính sách, đẩy mạnh cải cách giáo dục, đào tạo; tăng cường đầu tư, xã hội hóa, đa dạng hóa các hình thức giáo dục và đào tạo sao cho vừa đáp ứng về nhu cầu số lượng, nhưng cũng vừa bảo đảm yêu cầu về chất lượng, ngành nghề, nơi làm việc. Mặt khác, phải tăng cường vận động nhân dân tích cực học tập, tạo ra phong trào xã hội hóa học tập “Học suốt đời để làm việc suốt đời”. Chặng đường đổi mới vừa qua, trong thành tựu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội có vai trò quan trọng của doanh nhân, doanh nghiệp. Họ là những chiến sĩ đi đầu trong hợp tác, hội nhập kinh tế thế giới. Song, phần lớn chủ doanh nghiệp xuất thân từ nông dân, người buôn bán nhỏ nên hạn chế về trình độ, về năng lực, phong cách kinh doanh. Trong xã hội, đây đó còn đánh giá chưa đầy đủ về doanh nhân, doanh nghiệp. Do vậy, phải thống nhất cách nhìn nhận, đánh giá về vai trò, vị trí của doanh nhân, doanh nghiệp một cách đúng đắn. Rà soát, bổ sung cơ chế chính sách; động viên, khuyến khích, ưu đãi, thu hút đầu tư, đào tạo bồi dưỡng và tăng cường cải cách thủ tục hành chính, xóa bỏ phiền hà, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thành lập doanh nghiệp, đầu tư phát triển doanh nghiệp, phát huy tính năng động, sáng tạo trong nhân dân. Ba là, tăng cường công tác tuyên truyền, bồi dưỡng nâng cao trình độ nhận thức, năng lực tham gia hội nhập thương mại quốc tế cho các giai tầng xã hội. Gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) là cơ hội tốt tạo điều kiện cho nước ta phát triển thị trường hàng hóa và dịch vụ, mở rộng thị trường xuất khẩu ra quy mô toàn cầu, tăng cường cải cách, đổi mới kinh tế - xã hội, từ đó tiếp tục tăng cường thu hút đầu tư và kỹ thuật của nước ngoài, nâng cao tính hiệu quả và sức cạnh tranh. Các doanh nghiệp và người tiêu dùng trong cả nước có điều kiện tiếp cận và sử dụng hàng hóa, dịch vụ với giá cạnh tranh, chất lượng tốt. Gia nhập WTO cho phép chúng ta được tham gia một cách bình đẳng vào hệ thống thương mại đa phương, tránh tình trạng bị phân biệt đối xử, có điều kiện nâng cao và phát huy vai trò đối ngoại. Nhưng gia nhập WTO, chúng ta đối đầu hàng loạt thách thức. Thứ nhất, cạnh tranh sẽ diễn ra gay gắt hơn, với nhiều đối thủ hơn, trên bình diện rộng hơn, sâu hơn. Thứ hai, trên thế giới và mỗi quốc gia sự “phân phối” lợi ích là không đồng đều. Một bộ phận dân cư được hưởng lợi ít hơn, thậm chí bị tác động tiêu cực của toàn cầu hóa, nguy cơ phá sản một bộ phận doanh nghiệp và nguy cơ thất nghiệp sẽ tăng lên, phân hóa giàu nghèo sẽ mạnh hơn. Thứ ba, hội nhập kinh tế quốc tế trong một thế giới toàn cầu hóa, tính phụ thuộc lẫn nhau sẽ tăng lên. Sự biến động trên thị trường các nước sẽ tác động mạnh mẽ đến thị trường trong nước. Thứ tư, hội nhập kinh tế quốc tế đặt ra những vấn đề mới trong việc bảo vệ môi trường, bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc... Ban Dân vận Trung ương là cơ quan tham mưu cho Đảng về chủ trương, chính sách và giải pháp về công tác vận động quần chúng. Muốn tham mưu đúng thì điều quan trọng trước tiên là phải nắm được tình hình nhân dân, phải hiểu được tâm tư, nguyện vọng của dân và sâu hơn nữa là phải dự báo được tình hình biến động về các mặt đời sống, xã hội của dân trước tác động của quá trình hội nhập trong những năm tới. Trên cơ sở đó, chủ động làm tốt công tác tuyên truyền vận động, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân, trước hết là công nhân và nông dân về hội nhập kinh tế quốc tế; vận động giới doanh nhân và trí thức nâng cao năng lực để chủ động tham gia hội nhập toàn cầu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước./.

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=379551&co_id=30300