Những thủ đoạn lừa đảo trắng trợn

Nhiều người dân tộc thiểu số ở các xã: Đăk Kroong, Đăk Môn, Đăk Long... (huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum) đang dốc cả vốn liếng của gia đình để mua bếp từ, nồi cơm điện, máy mát-xa… ”giá rẻ”. Đồng thời, họ còn vận động bà con trong buôn làng mua các mặt hàng trên để được hưởng chế độ khuyến mãi “ưu ái” từ phía Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy đưa ra.

Mua hàng đa cấp sẽ thành “cán bộ” Căn nhà cấp 4 của vợ chồng A Che trú tại làng Bin Long, xã Đăk Long (huyện Đăk Glei) thấp lè tè, bốn bức tường được che chắn bằng những tấm ván sắp mục. Trong căn nhà trống hoác, tài sản giá trị nhất của gia đình A Che là nồi cơm điện, bếp từ vừa mới mua của Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy ở tận thành phố Quy Nhơn (tỉnh Bình Định). Nhiều người dân tộc thiểu số ngồi co ro trên nền nhà ẩm thấp của A Che bàn tán xôn xao về hưởng lợi dịch vụ khuyến mãi “trăm hoa đua nở” từ Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy đưa ra. Cứ mua sản phẩm là nồi cơm điện và bếp từ với tổng số tiền 5,2 triệu đồng thì được Công ty ký một bản hợp đồng bán hàng đa cấp và hiển nhiên trở thành “chuyên viên kinh doanh cấp 1”. Nếu người mua hàng tiếp tục giới thiệu, quảng cáo sản phẩm, phát triển thêm 3 khách hàng mới thì được lên “tổ trưởng kinh doanh”. Nơi nào phát triển được 3 “tổ trưởng kinh doanh” thì được thành lập “chủ nhiệm”… Vậy là A Brai trú tại làng Bin Long, xã Đăk Long (huyện Đăk Glei) đã phát triển được 3 “chủ nhiệm” nên đã trở thành “phó phòng kinh doanh”. Trong 3 “chủ nhiệm” này thì bà Y Thiết là vợ của ông A Brai, 2 “chủ nhiệm” còn lại do 2 cha con ông A Siu, A Nguyệt nắm giữ “trọng trách”! Máy ô zôn mà gia đình người thanh niên này mua về vẫn chưa hề được sử dụng. Chị Y Thúy - Bí thư đoàn xã Đăk Long (huyện Đăk Glei) cho biết: “Người dân chỉ cần photo chứng minh thư, đem ra UBND xã công chứng, chụp ảnh thẻ, sau đó xuống chi nhánh Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy ở thành phố Quy Nhơn là sẽ được cấp thẻ. Một số người đi đâu cũng khoe khoang, tôi là “chuyên viên”, tôi làm “tổ trưởng” của Công ty… Ở đây, họ ào ào “lên chức” chứ không giống như cán bộ công tác tại xã Đăk Môn mình đâu. Cán bộ xã phải được đào tạo, bồi dưỡng, thử thách, được trưởng thành trong công tác. Sau đó, được người dân tín nhiệm mới bầu giữ chức vụ”. A Che lôi tấm thẻ ghi “tổ trưởng kinh doanh” dưới gối đưa chúng tôi xem, rồi khoe: “Mình là tổ trưởng kinh doanh vì đã phát triển được 3 khách hàng là vợ mình, chị mình và một người trong làng! Mình mua bếp từ, nồi cơm điện nên trở thành “chuyên viên kinh doanh. Mình mua thêm 1 máy ôzôn nữa và phát triển thêm 3 khách hàng”. Tấm thẻ ghi “tổ trưởng kinh doanh” dán hình của A Che (không đóng dấu giáp lai - PV), số CMND 233013236, MSVT 11220D06. Người dân lập lờ thông tin khuyến mãi Sau khi nghe thông tin khuyến mãi “trăm hoa đua nở” từ người quen, vợ chồng A Che đã mua một số mặt hàng đa cấp, tổng giá trị tài sản lên đến 9,7 triệu đồng, gồm nồi cơm điện, bếp từ, máy ôzôn. Chỉ tính riêng số tiền mua nồi cơm điện và bếp từ đã “ngốn” của đôi vợ chồng trẻ này số tiền lên đến 5,2 triệu đồng. Tôi hỏi: “Một năm tổng thu nhập của vợ chồng A Che được bao nhiêu?”. Xòe đôi bàn tay lem luốc, chai sần, bà Y Thuấn (vợ của A Che) bấm đốt tay nhẩm tính: “Trồng 2 sào lúa rẫy, trồng mỳ, nuôi con heo… được khoảng 5 triệu đồng”. Tôi hỏi tiếp: “Thu nhập như thế sao gia đình dám mua hàng đa cấp gần 10 triệu đồng?”, A Che trả lời tỉnh queo: “Các mặt hàng này rồi đây sẽ là của mình, không mất đồng nào. Ban đầu mình bỏ tiền ra mua, sau đó, mình phát triển thêm nhiều khách hàng thì Công ty sẽ khuyến mãi, có lãi suất nên trừ lần. Vừa rồi mình mua nồi cơm điện và bếp từ được khuyến mãi 1,2 triệu đồng. Phát triển mới 3 khách hàng nữa, mình được 1,1 triệu đồng. Từ từ rồi mình sẽ tính tiếp 7,4 triệu đồng tiền mua hàng còn lại”. Máy mát - xa mà gia đình anh A Thìn mua về chỉ để làm cảnh? Bà Y Mới - Bí thư Đảng ủy xã Đăk Môn (huyện Đăk Glei) cho biết: “Tôi không rõ chế độ khuyến mãi như thế nào, nhưng giá một bếp từ và nồi cơm điện dao động từ 5,2-5,4 triệu đồng là quá đắt. Tôi xuống trung tâm thành phố Kon Tum mua nồi cơm điện cực tốt và một bếp từ chỉ gần 2 triệu đồng. Mua gần, nếu xảy ra sự cố hư hỏng thì dễ bảo hành, người dân mua tận thành phố Quy Nhơn, nếu hư hỏng thì sửa chữa rất vất vả, khó khăn. Tôi nghe một số người dân loan tin rằng, có người “trúng” khuyến mãi đến 20 triệu đồng nên người dân ào ạt mua hàng”. Chị Nguyễn Thị Thu Hiền, trú tại làng Bin Long, xã Đăk Long (huyện Đăk Glei) cho biết thêm: “Em có đứa em kết nghĩa giới thiệu mua máy ôzôn 4,9 triệu đồng thì được nhận một hồ sơ ưu đãi số tiền 41 triệu đồng. Em mua tiếp một áo ngực, họ nói sản phẩm chống ung thư hết 4 triệu đồng, em mua 2 hồ sơ giảm được 400 ngàn đồng. Nó giới thiệu cho em, em giới thiệu cứ sau 15 người thì mình được 1 triệu đồng, sau 30 người thì được 10 triệu đồng, sau 45 người thì được 30 triệu đồng. Em mua từ ngày 14/4/2011 đến nay vẫn chưa thấy gì? Hôm lâu rồi em hỏi con em, nó bảo gọi điện về Công ty. Em gọi điện về Công ty nhưng không thấy ai bắt máy”. Theo số liệu ban đầu, chỉ tính ở làng Bin Long, xã Đăk Long (huyện Đăk Glei) đã có trên 20 hộ gia đình mua hàng đa cấp, người mua ít mặt hàng nhất cũng đã “ngốn” số tiền lên đến 5,2 triệu đồng, nhiều gia đình mua từ 2-3 sản phẩm và vận động người thân trong làng cùng mua hàng đa cấp để mau lên “sếp”. Làng Đăk Nai, xã Đăk Môn (huyện Đăk Glei) có trên 30 hộ tham gia mua sản phẩm kinh doanh đa cấp; cả xã Đăk Môn có khoảng trên 55 hộ gia đình tham gia dịch vụ bán hàng này, chủ yếu là những người thân trong gia đình, trong làng vận động, tuyên truyền cùng “buôn bán” với nhau!? Hàng đa cấp đã xuống cấp Trên “ngựa sắt”, tôi vượt hơn 120km từ thành phố Kon Tum đến làng Bin Long, xã Đăk Long (huyện Đăk Glei), chờ từ 14 giờ chiều đến hơn 19 giờ tối, anh A Thìn trên rẫy mới về. A Thìn trú tại làng Bin Long này là người duy nhất trên địa bàn thôn này chơi “oách”, tậu hẳn một máy mát-xa hiệu “Kang Fwu Life Saver” đặt tại phòng khách, giá 6,3 triệu đồng. Thấy máy mát-xa còn mới tinh, tôi đứng trên máy và đề nghị A Thìn hướng dẫn cách sử dụng và xem thử chế độ mát-xa như thế nào? Loay hoay một lúc, A Thìn bật công tắc điện nhưng do công suất dòng điện ở vùng sâu không đủ cung cấp cho máy hoạt động hay máy mát-xa đã hỏng nên máy “chết lặng”? Tôi hỏi: “Máy này tập khỏe không?”, A Thìn trả lời không đắn đo: “Khỏe lắm, khỏe nên mình mới mua chứ!”. Còn A Che đưa cả vợ con xuống tận thành phố Quy Nhơn “rinh” máy lọc ôzôn giá 4,7 triệu đồng, gói ghém cẩn thận đang cất ở đầu giường ngủ của hai vợ chồng. Máy mới tinh, chưa bóc tem vì chưa sử dụng lần nào. A Che cùng A Brai giới thiệu: “Máy này rất tốt cho sức khỏe. Mua rau về bỏ vào nước, cắm máy ôzôn vào thì mọi chất độc sẽ bị loại bỏ, bảo đảm sức khỏe cho gia đình. Hôm gia đình xuống mua máy tại Quy Nhơn, mình thấy Công ty giới thiệu: con cá đang bơi trong chậu nước nhiễm thuốc trừ sâu ngoắc ngoải gần chết, khi đưa máy sục khí ôzôn vào chậu nước bên cạnh, bỏ cá vào thì nó bỗng khỏe mạnh trở lại, nên các gia đình tranh nhau mua sản phẩm”. Chủ tịch UBND xã Đăk Kroong (huyện Đăk Glei) - A Thẳng bức xúc: “Họ đi tuyên truyền bằng cách giới thiệu tổ trưởng đến từng gia đình, hiểu được vấn đề đó thì được mời xuống tại Công ty Thiên Ngọc Minh Uy ở Quy Nhơn để được dự hội thảo và giới thiệu mua mặt hàng về sử dụng. Nhưng thực tế, một số trường hợp mua về sử dụng chưa được 2 tháng thì hư hết…”. Để tránh việc người dân cả tin bị lừa mua hàng với giá cắt cổ, nhất là những người dân tộc thiểu số, đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Kon Tum sớm vào cuộc xử lý tránh tình trạng những kẻ lừa đảo núp bóng làm mất ổn định đời sống kinh tế của bà con. Bài và ảnh:Thành Tú

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/2011082310325031p61c71/nhung-thu-doan-lua-dao-trang-tron.htm