Những thông điệp đổi mới giáo dục

Có nhiều bộ sách trên một chương trình chuẩn, dạy học kiểu tích hợp, thay đổi cách thi và kiểm tra, đánh giá học sinh… là những vấn đề liên quan tới "đổi mới” vừa được chất vấn tại phiên giải trình "Thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục mầm non và bảo đảm chất lượng giáo dục phổ thông” do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức.

Những cảnh báo từ lâu của chuyên gia

Đây không phải lần đầu lãnh đạo ngành GD&ĐT nghe giới chuyên gia đề cập, chất vấn những yếu kém của chương trình sách giáo khoa phổ thông, vừa nặng nề vừa hàn lâm, kém thực tiễn. Việc có một hay nhiều bộ SGK cũng đã bàn lên bàn xuống.

"Luật Giáo dục quy định cả nước dùng chung một bộ sách giáo khoa. Nhưng gần đây rộ lên ý kiến về một chương trình, nhiều bộ sách. Quan điểm của Bộ GD&ĐT như thế nào?” - Chủ nhiệm Ủy ban Đào Trọng Thi đặt câu hỏi. Đánh giá câu hỏi này "khó quá”, ông Luận cho biết: Trong các hội thảo hẹp Bộ đã đặt ra vấn đề này. Hai năm qua, Bộ cũng đã nghiên cứu khả năng có nhiều bộ SGK. Do đây là "việc nghiêm túc, hệ trọng và khó khăn” nên Bộ đang theo dõi và chủ động nghiên cứu. Phương án cụ thể khi nào có Đề án sẽ báo cáo.

Một trong những hội thảo hẹp mà ông Luận nhắc đến là hội thảo "Đề án đổi mới SGK sau năm 2015” diễn ra trung tuần tháng 12, thu hút nhiều chuyên gia, nhà quản lý cao cấp Việt Nam và Đan Mạch tham gia. Tại đây Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết: Việc làm SGK phổ thông sắp tới sẽ theo hướng có chương trình chung với nhiều bộ sách. Hiện mới có sách tiếng Anh theo kiểu này. Còn GS Đinh Quang Báo (Thường trực Ban chỉ đạo đổi mới SGK) cho rằng: SGK hiện nay không quá tải nhưng cần thay đổi theo hướng có nhiều bộ sách, giáo viên dạy theo bộ nào là quyền của họ.

SGK có quá tải? Từ phía đại biểu, nhiều cử tri phản ánh chương trình SGK phổ thông nặng tính hàn lâm, thiếu thực tiễn và chủ yếu phục vụ thi cử. Cử tri cho rằng nguyên nhân là đội ngũ viết sách quá già. Thực tế có đúng như vậy? - một đại biểu chất vấn. Bộ trưởng Luận khẳng định viết SGK có đầy đủ cả thầy già, thầy trẻ, những người làm ở cơ quan nghiên cứu... Song chúng ta chưa thay đổi phương pháp dạy, phương pháp học và phương pháp thi nên SGK vẫn là truyền thụ kiến thức và yêu cầu học sinh nhắc lại kiến thức đó, còn khả năng ứng dụng, vận dụng ít. Xa rời thực tế và mang tính hàn lâm là "chuyện không tránh khỏi”.

Từ phía quản lý ngành, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng thừa nhận hạn chế, bất cập về chương trình SGK hiện nay là do chưa được xây dựng như một chỉnh thể xuyên suốt từ tiểu học đến THPT và không có tổng chủ biên chương trình SGK từ lớp 1 đến lớp 12; chưa phát huy được hiệu quả của chuẩn kiến thức; chưa xây dựng được bộ tiêu chí đánh giá một cách đầy đủ, ngay từ đầu; có những nội dung còn nặng nề với phần đông học sinh; dung lượng bài chưa phù hợp với thời lượng dạy; chương trình chưa tạo điều kiện tốt cho học sinh học tập độc lập…

Dạy học tích hợp?

Bộ trưởng Luận cho biết: Từ năm 2015, sẽ thực hiện tích hợp nhiều hơn để giảm dần các môn, giảm dần kiến thức hàn lâm, sách vở, đưa các kiến thức gần với cuộc sống, kỹ năng cần có của học sinh, thiết thực hơn vào chương trình giảng dạy. Đồng thời, thay đổi cách thi và kiểm tra. Về vấn đề dạy tích hợp, đại biểu tỉnh Ninh Thuận lo lắng chương trình dạy học tích hợp đặt ra gần đây sẽ gây quá tải, khó khăn cho cả cô và trò? Một số ý kiến cũng cho rằng, thực tế việc lồng ghép, tích hợp nhiều chương trình mà không bố trí nguồn lực thực hiện gây quá tải cho giáo viên và học sinh dẫn tới thời gian giảng dạy trên lớp không đảm bảo.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Luận vẫn khẳng định tích hợp là xu thế của thế giới nhưng quá trình đi theo xu thế đó ở nước ta có những chệch choạc cần rút kinh nghiệm đồng thời tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, tránh việc thiếu đồng bộ. Thực tế, không thể có một quy định cứng nhắc chung phù hợp cho tất cả các vùng miền. Do đó, trên cơ sở khung chung, các địa phương có sự lựa chọn cho phù hợp, tăng cường tính chủ động, quyết định của các địa phương.

Trở lại hội thảo Đề án Đổi mới chương trình, SGK phổ thông sau năm 2015, vấn đề dạy học tích hợp đã được các giảng viên, chuyên gia và nhà quản lí cao cấp VN và Đan Mạch đưa ra "mổ xẻ”. GS.TS Đinh Quang Báo cho biết: "Trước đây mỗi môn học có một cuốn SGK. Nay có thể đưa ra "môn học tích hợp, nguyên liệu được tập trung để giáo viên và học sinh dễ nắm bắt...”, tích hợp không được coi là tăng tải và cũng không được làm quá tải chương trình mà dạy học tích hợp là... tối ưu. Tuy nhiên, giáo viên môn Địa lý Đỗ Thị Minh Đức (ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng: "Việc tích hợp các môn như GS Báo nói là không mới. Nhiều đồng nghiệp từ Mỹ, Hàn Quốc, Singapore cấp phổ thông đều tích hợp Địa lý với Lịch sử, Giáo dục công dân từ nhiều năm nay. Nhưng các giáo viên đang cực lực đấu tranh để ra khỏi sự tích hợp này. Họ phản ánh cả cô/trò đều khổ. Họ nói chúng tôi chưa "bị tích hợp” là còn hạnh phúc. Tôi rất sợ việc tích hợp”.

Một giai đoạn giáo dục phổ thông, như mô tả của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển - Phó Trưởng Ban Đề án Đổi mới chương trình, SGK phổ thông sau năm 2015: "Đang bộc lộ nhiều bất cập về nội dung, phát triển chương trình, xác định mục tiêu, phương pháp và tổ chức đánh giá kết quả”, liệu có thể lột xác "căn bản, toàn diện” với chỉ những thông điệp và một Đề án chắc chắn nhiều tranh cãi. Vì những góc nhìn còn tương đối khác biệt, những bất cập lại đã tới ngưỡng, nhiều thông điệp đổi mới một lần nữa vẫn phải nhấn mạnh.

Thanh Như

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=59508&menu=1423&style=1