Những thất bại ngoại giao nguy hiểm ở Đông Á

(Kienthuc.net.vn) - Đặc điểm chung của tình hình Đông Á hiện nay và của châu Âu trước Chiến tranh Thế giới thứ nhất là thay đổi quyền lực.

Tàu tuần duyên Nhật Bản "kẹp" tàu cá Đài Loan.

Theo mạng tin Project syndicate ngày 29/1, tình hình Đông Á hiện nay khá giống với cán cân quyền lực tại châu Âu hồi thế kỷ 19 do sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc, những tranh chấp lãnh thổ và thiếu những cấu trúc thể chế hiệu quả cho hợp tác an ninh.
Dù sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế giữa Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước thành viên Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang tiếp tục được đẩy mạnh, nhưng các quan hệ ngoại giao bị đè nặng bởi sự tranh giành và không tin tưởng lẫn nhau.

Một đặc điểm chung của tình hình Đông Á hiện nay và của châu Âu trước Chiến tranh Thế giới thứ nhất là sự thay đổi quyền lực. Hồi đó, quyền lực của Anh suy giảm, trong khi quyền lực của Đức trỗi dậy sau khi nước Đức thống nhất vào năm 1871.
Ngày nay, ít nhất là về khả năng kinh tế, chứ chưa nói đến quân sự, Mỹ và Nhật Bản dường như đang bắt đầu một tiến trình suy giảm tương đối so với Trung Quốc. Tất nhiên, tiến trình này là có thể đảo ngược. Việc Mỹ và Nhật Bản có ban lãnh đạo chính trị sáng suốt, cùng những cải cách trong nước thành công và Trung Quốc không xử lý được sức ép chính trị từ dưới lên có thể đảo ngược tiến trình thay đổi quyền lực.

Việc quản lý kém các quan hệ quốc tế tại những thời điểm quan trọng như vậy thường dẫn đến các cuộc chiến tranh lớn. Các cường quốc đang trỗi dậy có khuynh hướng yêu cầu một vai trò lớn hơn trên chính trường quốc tế, trong khi các cường quốc suy yếu có khuynh hướng không muốn điều chỉnh, và các nhà hoạch định chính sách chủ chốt dường như hiểu sai ý định của các nhà lãnh đạo các quốc gia khác và thường phản ứng quá mạnh đối với các hành động của họ. Trong lịch sử, các cường quốc đang trỗi dậy có khuynh hướng trở nên tự tin quá sớm, khiến họ hành động bất cẩn và khiến các nước láng giềng hoảng sợ.

Sự quyết đoán ngoại giao của Trung Quốc trong năm 2010 diễn ra ngay sau khi cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế bùng phát bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng tín dụng thứ cấp tại Mỹ. Cuối năm 2010, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc đã tuyên bố rằng Trung Quốc sẽ đi theo con đường phát triển hòa bình. Nhưng các phát biểu của một số quan chức Trung Quốc - nhất là trong giới quân sự - liên quan đến biển Đông và các tranh chấp chủ quyền khác của Trung Quốc làm nảy sinh quan ngại rằng không phải toàn bộ ban lãnh đạo Trung Quốc đều cam kết đi theo con đường trên. Việc hoạch định chính sách của Trung Quốc sẽ là một trong những yếu tố chủ chốt ảnh hưởng đến môi trường an ninh của Đông Á trong những năm tới.

Chính sách đối ngoại của Mỹ sẽ là một yếu tố chủ chốt khác. Nếu Mỹ theo đuổi một cách tiếp cận đối đầu, chính trường Đông Á chắc chắn sẽ trở nên phân cực. Việc Mỹ chuyển hướng trục chiến lược sang châu Á có thể là cần thiết do những quan ngại của các đồng minh châu Á của Mỹ về Trung Quốc. Nhưng nếu Mỹ không muốn xảy ra đụng độ kiểu Chiến tranh Lạnh tại châu Á, Washington cần nỗ lực hơn nữa trong việc can dự với Trung Quốc để định hình một cấu trúc an ninh khu vực.

Hơn nữa, cách tiếp cận đối đầu của Mỹ đối với Trung Quốc có thể khiến Nhật Bản trở nên táo bạo hơn mức cần thiết trong chính sách đối ngoại. Hiện có một số dấu hiệu đáng quan ngại về sự tính toán sai của Nhật Bản. Có tin tân Thủ Tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tuyên bố rằng ông đang xem xét việc từ bỏ Tuyên bố Kono năm 1993, trong đó thừa nhận quân đội Nhật Bản đã hãm hiếp và bắt các phụ nữ châu Á và châu Âu làm nô lệ trong Chiến tranh Thế giới thứ 2. Nếu ông Abe làm như vậy, quan hệ của Nhật Bản với Hàn Quốc và Trung Quốc sẽ phải chịu tổn thất lớn.

Điều này không có lợi cho ai, kể cả Nhật Bản vì Tokyo đang có chung nhiều quan ngại an ninh với Seoul. Do vậy, hoạt động ngoại giao của Mỹ cần khéo léo để giảm bớt cảm giác bất an của Nhật Bản sau sự trỗi dậy của Trung Quốc, trong khi thuyết phục các nhà lãnh đạo mới của Nhật Bản hành động một cách thận trọng và tránh những hành vi dân tộc chủ nghĩa quá mức, bởi vì sau hai thập kỷ đình đốn kinh tế, Nhật Bản đang có những vấn đề quan trọng hơn cần giải quyết.

Vấn đề đối với các nhà lãnh đạo Mỹ và Đông Á hiện nay là liệu họ có sớm thức tỉnh và phát triển những cấu trúc đa phương hiệu quả cho hợp tác an ninh hay không.

:
:

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/nong-sau/201302/Nhung-that-bai-ngoai-giao-nguy-hiem-o-dong-a-894964/