Những tấm gương yêu nghề, yêu trẻ

Những ngày này, các địa phương trên cả nước diễn ra nhiều hoạt động tri ân thầy giáo, cô giáo, những người tâm huyết, tận tụy, gắn bó với sự nghiệp giáo dục. Trong số đó, có rất nhiều thầy giáo, cô giáo tiêu biểu được tuyên dương tại Đại hội thi đua yêu nước và kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành giáo dục và đào tạo (GD và ĐT). Bằng nghị lực, lòng yêu nghề, tình thương yêu học trò, các thầy giáo, cô giáo vượt qua nhiều khó khăn, quyết tâm bám lớp, bám trường, vì học sinh thân yêu.

Cô giáo Lò Thị Dinh với các cháu Trường mầm non Hoa Lan, huyện Mèo Vạc (Hà Giang).

Cô giáo Lò Thị Dinh với các cháu Trường mầm non Hoa Lan, huyện Mèo Vạc (Hà Giang).

Những “bông hoa” đẹp

Từ TP Hà Giang, sau bốn giờ đồng hồ vượt cung đường có nhiều khúc cua tay áo, chênh vênh trên sườn núi đá, chúng tôi có mặt tại huyện Mèo Vạc. Đến Trường mầm non Hoa Lan, chúng tôi gặp cô giáo Bàn Thị Bình, hiệu trưởng của nhà trường. Cô cho biết: Trường có ba điểm lẻ, ở đó, tất cả các em học sinh là người dân tộc Mông. Trong tổng số 42 cán bộ, giáo viên của nhà trường, cô giáo Lò Thị Dinh được ghi nhận là một trong những gương điển hình tiêu biểu, trẻ tuổi, nhiệt huyết của tỉnh năm 2015. Sinh ra trong gia đình có sáu anh chị em, ngay từ nhỏ, Lò Thị Dinh (người dân tộc thiểu số Lô Lô) luôn ý thức và khát khao được học chữ để sau này đem kiến thức dạy học cho trẻ em thôn, bản. Và, mong ước đã trở thành hiện thực, Dinh thi đỗ vào Trường cao đẳng Sư phạm Hà Giang. Khi bước vào môi trường học tập mới, xa gia đình, người thân, hằng tháng bố, mẹ cô chỉ đủ khả năng chu cấp 50 nghìn đồng. Để có tiền học tập, sinh hoạt, Dinh xin quét dọn ký túc xá (công việc đều đặn từ bốn giờ sáng hằng ngày), làm gia sư. Nhờ chịu khó học tập, năm học nào cô cũng giành được học bổng cho nên có đủ chi phí ăn ở, học tập.

Cô giáo Lò Thị Dinh chia sẻ: Ra trường, tôi về dạy học ở Trường mầm non Hoa Lan, sau đó nhà trường phân công đi dạy ở điểm trường lẻ Sán Tớ, dạy trẻ mầm non đã khó, trẻ ở điểm bản lại càng khó hơn; lớp học tuềnh toàng, trống huếch, chỉ có mấy cô trò giữa núi rừng heo hút. Có hôm đến giờ học, vẫn một mình cô giáo bơ vơ vì chưa cháu nào đến lớp. "Các cháu người dân tộc thiểu số không thạo tiếng Việt, nhiều khi cô nói xuôi nhưng trò làm ngược, thấy tủi vô cùng” - cô Dinh chia sẻ về những ngày đầu đứng lớp. Nhưng rồi, tình yêu trẻ đã giúp cô lấy lại tinh thần, gắn bó với bản, với lớp hơn. Để trẻ thật sự thích đến trường, cô Dinh thường xuyên tìm tòi, đổi mới phương pháp dạy học, tuyên dương các cháu kịp thời và luôn tạo sự gần gũi, thân thiện. Nhiều hôm các cháu về hết, chỉ còn mình cô ở lại cặm cụi làm đồ chơi để ngày mai các cháu đến lớp có thêm bất ngờ mới, niềm vui mới. Thậm chí ngày hè, lẽ ra được nghỉ ngơi, nhưng cô và một số giáo viên vẫn đến trường, mở các lớp bồi dưỡng năng khiếu tình nguyện để học sinh bớt đi thiệt thòi do không có điều kiện tham quan, du lịch như trẻ em ở thành phố.

Đến vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long, chúng tôi gặp cô Nguyễn Thị Hồng Phượng, giáo viên Trường THPT Tân Phú (Long Mỹ, Hậu Giang). Cô là người nhận nuôi, đỡ đầu hơn mười học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Cô giáo Phượng kể: Trong một buổi giảng bài, tôi thấy một học sinh nam mặc chiếc áo đã cũ, bạc màu, gầy gò, nước da thâm đen, khuôn mặt khắc khổ, đôi mắt u buồn. Hình ảnh đó đã để lại cho tôi nhiều suy nghĩ. Đến tiết học sau, qua trò chuyện tôi được biết, đó là Nguyễn Hải Đông, một học sinh ngoan, học giỏi, bố mẹ đã ly hôn và bỏ rơi em từ bé. Đông sống cùng bà nội đã nhiều tuổi; bà mất, em không còn chỗ nương tựa. Sau khi bàn bạc, thống nhất giữa hai vợ chồng và bằng tình thương của người cô, người mẹ, vợ chồng cô Phượng đã nhận nuôi đỡ đầu Đông, với mong muốn để em có điều kiện tiếp tục tới trường. Từ đây, phong trào nhận nuôi đỡ đầu học sinh có hoàn cảnh khó khăn đã được hình thành ở Trường THPT Tân Phú. “Từ khi nhận nuôi, đỡ đầu Đông, tôi đã chú trọng hơn vào bữa ăn hằng ngày vì em có thể lực kém. Ngoài việc chú trọng dinh dưỡng, tôi còn chú ý đến những loại thức ăn có thể giúp Đông giảm đi căn bệnh viêm xoang, đau dạ dày và hướng dẫn em học tập. Đáp lại sự quan tâm đó, Đông đã thi đỗ ngành luật, Trường đại học Cần Thơ, đến nay em đã tốt nghiệp, ra trường. Trong nhiều năm qua, cô giáo Phượng tiếp tục nhận nuôi, đỡ đầu hơn mười lượt học sinh như thế.

Cô Dinh, cô Phượng chỉ là hai trong số rất nhiều nhà giáo được vinh danh tại Đại hội thi đua yêu nước và kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành GD và ĐT.

“Cắm bản” từ tuổi thanh xuân

Không ít người khi đặt chân đến vùng cao, vùng khó khăn đều thừa nhận, chỉ các thầy giáo, cô giáo phải thật sự tâm huyết mới đủ sức bám trụ với nghề. Theo thầy giáo Lâm Quang Hưng, Trưởng phòng GD và ĐT huyện Mèo Vạc (Hà Giang), do đặc thù là vùng cao, người dân sinh sống rải rác trên các triền núi đá, cho nên hoạt động giáo dục gặp nhiều khó khăn. Nơi đây, mỗi thôn, bản có khoảng 30 đến 40 hộ dân sinh sống. Để mang con chữ đến với học sinh, giáo viên phải luân phiên thay nhau đi “cắm bản”. Trong khi đó, hệ thống điện lưới quốc gia mới chỉ đến trung tâm xã, còn khoảng 70% số các điểm trường chưa có điện thắp sáng và sóng điện thoại. Trên địa bàn huyện có khoảng 100 hồ treo lớn, nhỏ nhưng hiện đã cạn kiệt, nguồn nước sinh hoạt bị thiếu nghiêm trọng. Thương các thầy, mỗi ngày đến trường, học sinh đều xách theo một chai nước đổ vào chum dùng chung của trường và cũng để thầy giáo, cô giáo sử dụng. Nhưng, khó khăn lớn nhất đối với giáo viên ở vùng cao hiện nay vẫn là sự thiếu thốn tình cảm. Không ít cặp vợ chồng cùng công tác ở điểm trường xa, con cái phải gửi về quê nhờ ông bà nuôi dạy, họ chỉ có cơ hội về thăm con vào các dịp nghỉ hè, lễ, Tết.

Có nhiều tấm gương nhà giáo sẵn sàng hy sinh quyền lợi của bản thân, hiến đất xây trường, cống hiến cho lợi ích chung của ngành. Nhiều nhà giáo đã dành cả tuổi thanh xuân của mình phục vụ sự nghiệp giáo dục miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Cuộc vận động “Hỗ trợ giáo dục miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn” mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện sự đồng cảm, chia sẻ của các thầy giáo, cô giáo trên cả nước. Điều đó đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục cũng như đời sống giáo viên; gắn kết tình cảm và trách nhiệm trong sự nghiệp phát triển giáo dục giữa miền xuôi với miền ngược, giữa đồng bằng với miền núi, giữa đất liền với biển đảo.

PGS, TS Nguyễn Thúy Hồng, Phó Cục trưởng Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục (Bộ GD và ĐT), chia sẻ: Hiện nay, các nhà giáo công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đã nhận được sự quan tâm của ngành, của Đảng và Nhà nước với các chính sách ưu đãi từ đào tạo tới tuyển dụng, sử dụng, bồi dưỡng, đãi ngộ, tôn vinh; phụ cấp công tác lâu năm tại vùng đặc biệt khó khăn, trợ cấp lần đầu đến công tác, trợ cấp chuyển vùng, ưu tiên về nhà ở… Tuy nhiên, cũng có giáo viên đã không trụ lại được với những khó khăn thường ngày khi đi “gieo” con chữ ở các vùng khó khăn. Nhưng nhìn chung, nhiều nhà giáo đã yên tâm ở lại công tác, vượt lên trên hoàn cảnh, có nhiều sáng kiến và đóng góp cho sự nghiệp phát triển giáo dục vùng khó khăn; nhiều nhà giáo được ghi nhận là cán bộ quản lý, giáo viên giỏi. Những thầy giáo, cô giáo đó thật sự là những tấm gương sáng về đạo đức nghề nghiệp, là những điển hình về lòng tận tụy với nghề, dù khó khăn đến đâu vẫn hết lòng vì sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ.

- Bậc tiểu học hiện có 35.118 cán bộ quản lý, 383.528 giáo viên, tỷ lệ đạt chuẩn đào tạo 99,91%.

- Bậc THCS có 23.151 cán bộ quản lý, 299.088 giáo viên, tỷ lệ đạt chuẩn đào tạo 98,36%.

- Bậc THPT có 7.678 cán bộ quản lý, 127.093 giáo viên, tỷ lệ đạt chuẩn đào tạo 97,82%.

- Hệ giáo dục thường xuyên có 1.670 cán bộ quản lý, 8.830 giáo viên, tỷ lệ đạt chuẩn đào tạo 94,53%.

Nguồn: Bộ GD và ĐT

Bài học mà tôi có được qua tấm gương của các thầy giáo, cô giáo là: Một người thầy tốt, có năng lực nghề nghiệp thôi chưa đủ, mà rất cần có một tấm lòng yêu nghề, yêu trẻ, một sự phấn đấu không mệt mỏi cho nghề mình đã chọn.

PGS, TS NGUYỄN THÚY HỒNG,

Phó Cục trưởng Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục

Bài và ảnh: Quý Tùng và Khánh Toàn

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/xahoi/tin-tuc/item/28026002-nhung-tam-guong-yeu-nghe-yeu-tre.html