Những sự thật về Indira Gandhi

Indira Gandhi (ảnh) là một người phụ nữ phức tạp, là nhà lãnh đạo mà cho đến ngày nay vẫn tiếp tục có ảnh hưởng đến đất nước Ấn Độ.

Vào ngày 24.1.1966, bà Indira Gandhi tuyên thệ nhậm chức và trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ. Nhân ngày kỷ niệm này, tên tuổi Indira Gandhi lại được nhắc đến, cùng với những sự thật về cuộc sống lạ thường của bà.

"Nhà cách mạng nhỏ tuổi"

Indira Nehru Gandhi sinh năm 1917. Gần như ngay từ thuở lọt lòng, bà đã sống trong môi trường chính trị. Cha bà, Jawaharlal Nehru, là một nhà lãnh đạo đã chiến đấu vì nền độc lập của Ấn Độ, muốn giúp đất nước thoát khỏi ách thống trị của Anh. Do đó, rất tự nhiên, bà trở thành người ủng hộ cho cuộc đấu tranh này.

Một trong những chiến thuật của phong trào dân tộc là bài ngoại, đặc biệt với các sản phẩm của Anh. Lúc còn nhỏ, Indira Gandhi chứng kiến một cuộc thiêu hủy hàng hóa nước ngoài, nên khi 5 tuổi, bà cho đốt những con búp bê thân yêu xuất xứ từ Anh.

Vào năm 12 tuổi, Indira Gandhi đóng vai trò lớn hơn trong cuộc đấu tranh của Ấn Độ. Bà thành lập phong trào Vanar Sena với sự tham gia của 60.000 thanh thiếu niên, chuyên tổ chức những cuộc phản kháng, diễu hành cũng như hỗ trợ các chính khách đảng Quốc đại phổ biến các ấn phẩm nhạy cảm và tài liệu bị cấm đoán.

Đôi khi, chỉ tình yêu là chưa đủ

Cha của Indira Gandhi là phụ tá thân cận của người anh hùng dân tộc Ấn Độ - Mahatma Gandhi, song tên bà gắn với họ Gandhi vì kết hôn với Feroze Gandhi - người không liên quan gì đến vị anh hùng. Mặc dù Indira và Feroze kết hôn vì tình yêu, nhưng đám cưới này được rất ít người ủng hộ. Feroze, một người cũng tham gia đấu tranh vì độc lập dân tộc, nhưng lại theo đạo Parsi trong khi Indira theo đạo Hindu. Vào thời điểm đó, cuộc hôn nhân này trở thành bất thường, chưa kể theo thông lệ thì "cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy". Sự phản đối công khai đến mức Mahatma Gandhi phải đưa ra một tuyên bố ủng hộ và "chúc phúc cho cuộc hôn nhân sắp tới" của hai người.

Indira và Feroze kết hôn vào năm 1942, có với nhau hai con trai. Song, rất tiếc, sau đó, Feroze ngoại tình.

Nên phần lớn cuộc đời sau này, bà Indira sống cùng cha mình sau khi ông trở thành thủ tướng vào năm 1947. Năm 1960, Jawaharlal Nehru mất, Indira Gandhi trở thành người thừa kế di sản của ông.

Chính sách triệt sản

Năm 1975, Indira Gandhi bị kết tội gian lận trong bầu cử. Vào thời điểm này, việc kiểm soát dân số được xem là cần thiết để Ấn Độ phát triển thịnh vượng. Với tuyên bố tình trạng khẩn cấp, chính phủ chỉ đạo và có các chính sách để khuyến khích nam giới triệt sản. Theo một bài báo trên tạp chí Time xuất bản năm 1977, kể từ giữa tháng 4.1976 đến tháng 1.1977, đã có tới 7,8 triệu nam giới triệt sản, trong khi mục tiêu ban đầu là 4,3 triệu người.

Chính vì vậy, vào đầu năm 1977, khi bà Indira vận động bầu cử, kết thúc giai đoạn khẩn cấp, chính chính sách triệt sản khiến người dân lo lắng cũng góp phần vào thất bại của bà.

Đòn đau!

Năm 1982, sự bất đồng giữa bà Indira với con dâu trưởng Maneka bắt đầu sau cái chết của con trai cả Sanjay trong một tai nạn máy bay vào năm 1980. Maneka tách khỏi ảnh hưởng của Indira, cùng với con trai Varun Gandhi hoạt động tích cực với tư cách là thành viên của đảng BJB đối lập. Khi chuyển ra ngoài sống, Maneka mang theo con trai Varun và người ta coi đó là một đòn đau đối với bà Indira.

Margaret Thatcher và Indira: Bạn thân mãi mãi

Với tư cách một nhà lãnh đạo nữ thế kỷ 20, Indira Gandhi là thành viên của một câu lạc bộ rất nhỏ. Tuy nhiên, từ đó, Indira có một người bạn tâm giao thấu hiểu đến tận tâm can bà - đó là nữ thủ tướng đầu tiên của Anh - Margaret Thatcher.

Indira và Thatcher gặp nhau lần đầu vào năm 1976. Đến năm 1977, Indira tạm phải rời bỏ quyền lực sau thất bại trong cuộc bầu cử năm 1977, song Margaret Thatcher không bỏ rơi bà. Hai người vẫn tiếp tục mối quan hệ tốt đẹp. Vào tháng 10.1984, bà Thatcher suýt chết trong một vụ ám sát của lực lượng Tổ chức quân đội Cộng hòa Ireland (IRA), Indira Gandhi hết sức chia sẻ. Đến lượt bà Indira bị ám sát và chết ngay sau đó vài tuần, Margaret Thatcher đã bỏ qua lời đe dọa ám sát để đến tham dự lễ tang người bạn.

“Triều đại” Nehru-Gandhi sẽ tiếp tục

Một trong những điểm sáng trong cuộc đời Indira Gandhi chính là di sản chính trị của bà. Không chỉ được lựa chọn là nữ thủ tướng đầu tiên, mà con trai bà - Rajiv - cũng thành công và trở thành thủ tướng. Dù vào năm 1991, ông Rajiv cũng bị ám sát, nhưng gia tộc Nehru-Gandhi vẫn chưa dừng nghiệp chính trị. Sonia, vợ góa của Rajiv Gandhi, dù ban đầu từ chối vai trò lãnh đạo Đảng Quốc đại, nhưng cuối cùng vẫn trở thành chủ tịch đảng này. Maneka Gandhi và con trai Varun cũng đang nắm giữ quyền lực. Bà Maneka hiện là Bộ trưởng Bộ Phát triển Phụ nữ và Trẻ em Ấn Độ. Có vẻ như các thành viên của gia đình Indira sẽ tiếp tục đóng nhiều vai trò trong chính trị Ấn Độ ở tương lai gần.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/lao-dong-cuoi-tuan/nhung-su-that-ve-indira-gandhi-513116.bld