Những sự kiện giáo dục “nóng” năm 2015

2015 là một năm sôi động của ngành giáo dục và đào tạo, trong đó có những sự kiện mang tính bước ngoặt như kỳ thi THPT quốc gia lần đầu tiên được tổ chức.

Công bố dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể

Chương trình giáo dục phổ thông nhằm giúp học sinh phát triển khả năng vốn có của bản thân, hình thành tính cách và thói quen; phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần; trở thành người học tích cực, tự tin, có ý thức lựa chọn nghề nghiệp và học tập suốt đời; có những phẩm chất tốt đẹp và các năng lực cần thiết để trở thành người công dân có trách nhiệm, người lao động cần cù, có tri thức và sáng tạo.

Thí sinh chen chân rút hồ sơ trong đợt xét tuyển ĐH, CĐ năm 2015. Ảnh: TẤN THẠNH

Chương trình giáo dục cấp tiểu học nhằm giúp học sinh hình thành những cơ sở ban đầu cho sự hình thành và phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần, phẩm chất và năng lực được nêu trong mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông; định hướng chính vào giá trị gia đình, dòng tộc, quê hương, những thói quen cần thiết trong học tập và sinh hoạt; có được những kiến thức và kỹ năng cơ bản nhất để tiếp tục học trung học cơ sở .

Chương trình giáo dục cấp trung học cơ sở nhằm giúp học sinh duy trì và nâng cao các yêu cầu về phẩm chất, năng lực đã hình thành ở cấp tiểu học; tự điều chỉnh bản thân theo các chuẩn mực chung của xã hội; hình thành năng lực tự học, hoàn chỉnh tri thức phổ thông nền tảng để tiếp tục học lên trung học phổ thông , học nghề hoặc bước vào cuộc sống lao động.

Chương trình giáo dục cấp trung học phổ thông nhằm giúp học sinh hình thành phẩm chất và năng lực của người lao động, nhân cách công dân, ý thức quyền và nghĩa vụ đối với Tổ quốc trên cơ sở duy trì, nâng cao và định hình các phẩm chất, năng lực đã hình thành ở cấp trung học cơ sở; có khả năng tự học và ý thức học tập suốt đời, có những hiểu biết và khả năng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực và sở thích, điều kiện và hoàn cảnh của bản thân để tiếp tục học lên, học nghề hoặc bước vào cuộc sống lao động.

Chương trình giáo dục phổ thông có 8 lĩnh vực giáo dục: Ngôn ngữ và văn học; Toán học; Đạo đức – Công dân; Thể chất; Nghệ thuật; Khoa học Xã hội ; Khoa học Tự nhiên ; Công nghệ – Tin học.

Kỳ thi THPT quốc gia lần đầu tiên được tổ chức

Kỳ thi đã thực hiện đồng thời hai mục tiêu cơ bản là: Đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp THPT và làm cơ sở cho việc xét tuyển sinh ĐH , CĐ theo đúng tinh thần của Nghị quyết 29 của Đảng.

Kì thi được tổ chức từ ngày 1-7 đến hết ngày 4-7-2015 tại 99 cụm thi (gồm 38 cụm thi do các trường ĐH chủ trì có qui mô mỗi cụm khoảng 20 – 30 ngàn thí sinh và 61 cụm thi do sở GDĐT chủ trì). Toàn quốc có 1.005.626 thí sinh đăng ký dự thi (ĐKDT); trong đó, có 728.830 thí sinh (chiếm hơn 72%) thi tại cụm thi do trường ĐH chủ trì và 276.796 thí sinh (chiếm gần 28%) thi tại cụm thi do sở GD-ĐT chủ trì; huy động gần 100.000 cán bộ, giảng viên các trường ĐH, CĐ và giáo viên các trường THPT tham gia.

Để được xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ (đối với thí sinh dự thi tại các cụm thi do các trường ĐH, CĐ tổ chức) các thí sinh chưa tốt nghiệp THPT sẽ phải thi tối thiểu 4 môn, trong đó 3 môn bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ, còn môn thi thứ tư được chọn trong số 5 môn: Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa. Thí sinh không được học môn Ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng, được chọn môn thi thay thế môn Ngoại ngữ trong số các môn tự chọn.

Tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT năm 2015 thấp nhất trong vòng 4 năm qua với 91,58% (Năm 2012: 97,63%, 2013: 97,52%, 2014: 99,02%).

Được đánh giá là kỳ đạt được mục đích, tuy nhiên quy chế thi đã bộc lộ nhiều điều chưa ổn. Bộ GD-ĐT can thiệp quá sâu về quy chế cũng như về mặt kỹ thuật vào quá trình xét tuyển, và chưa xác định đúng, rõ vai trò của các trường ĐH, của các Sở GD-ĐT trong quá trình tổ chức thi cũng như xét tuyển.

Phần mềm tuyển sinh của Bộ chưa hoàn thiện gây nhiều khó khăn cho thí sinh và nhà trường. Các quy định về xét tuyển chưa hợp lý (cho thay đổi nhiều lần nguyện vọng. Điều này đã gây khó khăn cho học sinh, phụ huynh khi phải chực chờ rút hồ sơ tại các trường ĐH gây quá tải trong những ngày cuối đợt xét tuyển.

Tự chủ và phân tầng xếp hạng đại học

Thực hiện Nghị quyết 77/NQ-CP về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với trường công lập giai đoạn 2014-2017, cho phép 12 trường ĐH được thí điểm thực hiện tự chủ trên tất cả các mặt hoạt động.

Trần học phí của các trường này được quy định cao hơn mức trần học phí của các trường chưa tự chủ (quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021).

Chính phủ ban hành Nghị định số 73/2015/NĐ-CP ngày 08/9/2015 quy định tiêu chuẩn phân tầng và khung xếp hạng cơ sở giáo dục đại học.

Theo đó, cơ sở giáo dục đại học được phân thành 3 tầng gồm: cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu; cơ sở giáo dục đại học định hướng ứng dụng và cơ sở giáo dục đại học định hướng thực hành.

Nghị định quy định rõ các tiêu chuẩn xếp hạng cơ sở giáo dục đại học gồm: Quy mô, ngành nghề và các trình độ đào tạo; cơ cấu các hoạt động đào tạo và khoa học công nghệ ; chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học; kết quả kiểm định chất lượng giáo dục .

Nghị định là cơ sở pháp lý nhằm sắp xếp lại hệ thống giáo dục đại học phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội , làm cơ sở cho các trường đại học định hướng rõ ràng mục tiêu phát triển, công khai chất lượng và uy tín của các trường để người học, xã hội biết và lựa chọn.

Quốc hội yêu cầu giữ lại môn lịch sử

Ngày 27-11-2015, QH đã thông qua Nghị quyết về việc tiếp tục thực hiện các nghị quyết của QH khóa XIII. Nghị quyết yêu cầu thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông bảo đảm mục tiêu, yêu cầu và nội dung của Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Trong đó, tiếp tục giữ môn học lịch sử trong chương trình sách giáo khoa mới .

Trước đó đã xảy ra tranh luận nảy lửa trong giới nghiên cứu lịch sử khi Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết lịch sử thành môn học tích hợp với các môn giáo dục công dân và an ninh quốc phòng thành môn mới là công dân với Tổ quốc trong dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng việc xây dựng chương trình phân môn lịch sử trong môn công dân với Tổ quốc cần phải được đổi mới kết cấu môn học, đổi mới nội dung chương trình, cách trình bày các sự kiện, hiện tượng lịch sử, đánh giá, nhận xét, tránh ôm đồm, nặng nề. Đồng thời cần làm rõ và thống nhất về thời lượng và nội dung giáo dục lịch sử ở môn khoa học xã hội, môn lịch sử ở tự chọn 2 trong dự thảo và một số chuyên đề học tập mở rộng chuyên sâu về lịch sử ở tự chọn 3.

Tuy nhiên, việc này đã không được sự ủng hộ từ các nhà nghiên cứu giáo dục và giáo viên. Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã kiến nghị lên lãnh đạo cao nhất của Đảng, Quốc hội, nhà nước, Chính phủ và MTTQ Việt Nam để bảo vệ môn lịch sử như một môn học cơ bản, độc lập và bắt buộc từ cấp THCS đến THPT.

Phát sóng Kênh truyền hình giáo dục quốc gia VTV7

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận cùng Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam Trần Bình Minh đã bấm nút khởi động thử nghiệm phát sóng kênh Truyền hình Giáo dục Quốc gia - VTV7 đúng vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11-2015). Kênh truyền hình Giáo dục được phát sóng chính thức vào tháng 1-2016.

Đây là kênh truyền hình chuyên biệt về giáo dục, để hỗ trợ các học sinh trên khắp mọi miền Tổ quốc có thể học tất cả các môn học qua sóng truyền hình.

Kênh truyền hình VTV7 nhằm mục tiêu phát huy tiềm năng trí tuệ và vật chất trong nhân dân, huy động toàn xã hội chăm lo sự nghiệp giáo dục, đào tạo; đa dạng hóa và đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục đào tạo; tạo điều kiện để toàn xã hội, đặc biệt là các đối tượng chính sách, người nghèo được thụ hưởng thành quả giáo dục ở mức độ ngày càng cao.

Kênh Truyền hình Giáo dục Quốc gia VTV7 góp phần quan trọng vào việc thực hiện các chủ trương, giải pháp về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, xây dựng xã hội học tập và thúc đẩy học tập suốt đời.

Đạt thành tích cao tại các cuộc thi học sinh giỏi quốc tế

Năm 2015 được đánh giá là năm có kết quả cao nhất về thành tích thi Olympic khu vực và quốc tế so với các năm trước đây chúng ta tham dự.

Việt Nam có 7 đoàn học sinh tham dự (gồm đoàn Vật lí và Tin học tham dự Olympic khu vực châu Á, 5 đoàn tham dự Olympic quốc tế là Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học và Tin học) đoạt 12 Huy chương Vàng (chiếm 32,43%), 16 Huy chương Bạc, 6 Huy chương Đồng và 3 Bằng Khen.

Kết quả Olympic khu vực và quốc tế năm 2015 đã góp phần thiết thực thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Việt Nam vượt Mỹ, Úc xếp thứ 12 bảng xếp hạng giáo dục toàn cầu

Tháng 5-2015, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) công bố bảng xếp hạng chất lượng giáo dục toàn cầu trên cơ sở tiêu chí đánh giá dựa vào kết quả kiểm tra năng lực Toán, đọc hiểu và Khoa học ở học sinh. Kết quả Việt Nam xếp thứ 12, đứng trên nhiều nước phát triển.

Theo BBC, bảng xếp hạng này được tính toán dựa trên kết quả đánh giá các năng lực về Toán, đọc hiểu và Khoa học của học sinh 15 tuổi ở 76 quốc gia.

Thang điểm so sánh được tính toán theo Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) của OECD, xu hướng nghiên cứu quốc tế về toán học và khoa học (TIMMS) của Mỹ và TERCE, nghiên cứu thành tích học tập của học sinh quốc gia khu vực Mỹ Latin.

Bảng xếp hạng được đưa ra dựa trên sự phân tích, tổng hợp kết quả điểm thi của các kỳ thi toán và khoa học trên cùng một tiêu chí, cùng một thang điểm so sánh chung cho cả các nước phát triển và đang phát triển.

Quy mô bảng đánh giá lần này được mở rộng ra 76 quốc gia và vùng lãnh thổ, khoảng 1/3 các nước trên thế giới trong khi trước đây, các đánh giá thường chỉ tập trung xem xét ở các quốc gia phát triển.

Trong bảng xếp hạng lần này, 5 quốc gia đứng đầu gồm hoàn toàn các quốc gia ở châu Á, theo thứ tự là Singapore, Hồng Kông, Hàn Quốc, Nhật và Đài Loan. 5 nước xếp cuối bảng bao gồm Oman, Morocco, Honduras, Nam Phi và Ghana.

Việt Nam xếp thứ 12, trong khi các nền giáo dục được coi là có chất lượng tốt nhất thế giới như Úc xếp vị trí thứ 14, Anh đứng thứ 20, Pháp thứ 23, Mỹ thứ 28 và Thụy Điển chỉ xếp thứ 35. Các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á lại khá khiêm tốn khi Thái Lan chỉ xếp thứ 47 và Malaysia thứ 52.

BẢO LÂM (tổng hợp)

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/nhung-su-kien-giao-duc-nong-nam-2015-20160203103737083.htm