Những nội dung cơ bản của Luật Trọng tài thương mại

Luật Trọng tài thương mại đã được Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam thông qua ngày 17-6-2010, Chủ tịch nước ký Lệnh công bố ngày 29-6-2010 sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1-1-2011. Đây là cơ sở pháp lý đầy đủ và thuận lợi nhất cho việc lựa chọn trọng tài để giải quyết các tranh chấp. Luật này có 13 chương với 82 điều quy định về thẩm quyền của trọng tài thương mại, các hình thức trọng tài, tổ chức trọng tài, trọng tài viên; trình tự, thủ tục trọng tài; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các bên trong tố tụng trọng tài; thẩm quyền của tòa án đối với hoạt động trọng tài; tổ chức và hoạt động của trọng tài nước ngoài tại Việt Nam, thi hành phán quyết trọng tài.

Trọng tài thương mại, theo quy định của luật là phương thức giải quyết tranh chấp do các bên thỏa thuận và được tiến hành theo quy định của luật này. Phạm vi thẩm quyền của trọng tài thương mại bao gồm: Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại; Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại; Tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng trọng tài. Theo cách xác định thẩm quyền nêu trên của Trọng tài thương mại, phạm vi điều chỉnh của pháp luật trọng tài được giới hạn trong các giao dịch thương mại của thương nhân trên cơ sở khái niệm thương mại quy định tại Luật Thương mại năm 2005. Trọng tài thương mại có hai hình thức hoạt động, đó là Trọng tài quy chế và Trọng tài vụ việc. Theo đó, Trọng tài quy chế là hình thức giải quyết tranh chấp tại một Trung tâm trọng tài theo quy định của luật này và quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài đó. Trọng tài vụ việc là hình thức giải quyết tranh chấp theo quy định của luật này và trình tự, thủ tục do các bên thỏa thuận. Kế thừa Pháp lệnh Trọng tài thương mại năm 2003, tại Điều 17, Luật Trọng tài thương mại vẫn có các quy định về tiêu chuẩn tối thiểu đối với Trọng tài viên nhằm tạo định hướng đúng đắn cho việc hình thành và phát triển ở nước ta một đội ngũ trọng tài viên nòng cốt có năng lực, có tính chuyên nghiệp, có chuyên môn và uy tín xã hội. Theo đó, cá nhân có năng lực hành vi dân sự, có trình độ đại học trở lên và đã qua thực tế công tác từ năm năm trở lên có thể là trọng tài viên. Đặc biệt, luật bổ sung quy định mới dành cho các Trung tâm trọng tài quyền được đưa ra các tiêu chuẩn cao hơn đối với các Trọng tài viên trong danh sách của mình. Một trong những điểm quan trọng nhất của Luật Trọng tài thương mại là vấn đề về mối quan hệ giữa trọng tài với tòa án, Viện kiểm sát, thi hành án trong toàn bộ quá trình giải quyết vụ tranh chấp của các bên. Luật đã đưa ra một loạt các quy định mới nhằm xác định mối quan hệ pháp lý quan trọng này. Theo đó, thẩm quyền của tòa án được ghi nhận tại điều 7, và tại một số điều khác đã ghi nhận những trường hợp hỗ trợ cụ thể của tòa án đối với trọng tài. Thẩm quyền của Viện kiểm sát được quy định tại các Điều 46 về thu thập chứng cứ, Điều 47 về triệu tập người làm chứng, Điều 53 về áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, Điều 71 về hủy phán quyết trọng tài. Và thẩm quyền của cơ quan Thi hành án cũng đã được quy định tại Điều 8 của luật. Tính xác định và rõ ràng của những quy định mới trên đây của Luật Trọng tài thương mại sẽ tạo điều kiện để các cơ quan tư pháp và Hội đồng Trọng tài cũng như các bên tranh chấp tránh được lúng túng trong các trường hợp cụ thể. Và đó chính là điều kiện thuận lợi để trọng tài hoạt động có hiệu quả. Quy định liên quan đến quản lý nhà nước về trọng tài được nêu tại Điều 15 của luật. Với tính chất của mình, tổ chức trọng tài thương mại không phải là doanh nghiệp cho nên thủ tục thành lập, đăng ký hoạt động khác với thủ tục đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp. Tổ chức trọng tài thương mại là tổ chức xã hội - nghề nghiệp cho nên việc thành lập phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Sau khi được phép thành lập, tổ chức trọng tài thương mại phải đăng ký hoạt động. Như vậy, việc cấp giấy phép thành lập và đăng ký hoạt động của tổ chức trọng tài đã được quy định rõ trong luật. Xuất phát từ tính chất của tổ chức trọng tài, việc cấp giấy phép thành lập thuộc thẩm quyền của Bộ Tư pháp và trên cơ sở giấy phép cho thành lập tổ chức trọng tài, Sở Tư pháp có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động cho các tổ chức trọng tài. Trọng tài là một trong những phương thức giải quyết tranh chấp phổ biến nhất, với nhiều ưu điểm nổi bật như thời gian xử lý nhanh, trọng tài viên có trách nhiệm giữ bí mật nội dung vụ tranh chấp, phán quyết của trọng tài là chung thẩm. Chính yếu tố nổi bật về thời gian xử lý tranh chấp nhanh đã dẫn đến pháp luật về trọng tài thừa nhận những yếu tố đặc thù của tố tụng trọng tài so với tòa án. Thí dụ phán quyết của trọng tài là chung thẩm, không có kháng cáo, kháng nghị. Trong việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, các bên có nhiều quyền định đoạt về việc được tự do lựa chọn trọng tài, quy tắc tố tụng, luật áp dụng, địa điểm, ngôn ngữ, thời gian tiến hành tố tụng trọng tài, quốc tịch của trọng tài viên... Như vậy, việc QH thông qua Luật Trọng tài thương mại là phù hợp xu thế phát triển tại thời điểm đất nước ta đang trong quá trình đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó có các hoạt động kinh doanh thương mại.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/cmlink/nhan-dan-i-n-t/th-i-s/phap-lu-t/th-i-s/nh-ng-n-i-dung-c-b-n-c-a-lu-t-tr-ng-tai-th-ng-m-i-1.277763