Những nội dung chủ yếu về phí sử dụng đường bộ

(Tài chính) Theo quy trình ban hành văn bản quy định về phí, Bộ Giao Thông Vận Tải xây dựng phương án đề xuất về mức thu phí, phương thức thu, cách thức quản lý, sử dụng nguồn thu phí,… gửi đến Bộ Tài chính để tổng hợp nghiên cứu, tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội kinh doanh, cộng đồng doanh nghiệp và đông đảo người dân. Trên cơ sở tiếp thu các ý kiến, Thông tư số 197/2012/TT-BTC đã được Bộ Tài chính ban hành và có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2013.

Ảnh minh họa. Nguồn:Internet

Về phạm vi, đối tượng áp dụng:

Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ và Nghị định số 18/2012 thì đối tượng chịu phí là các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (sau đây gọi là xe cơ giới) gồm xe ô tô; máy kéo; rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo; xe mô tô hai bánh; xe mô tô ba bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự.

Thông tư số 197/2012 quy định rõ những tổ chức, cá nhân là chủ phương tiện giao thông cơ giới đường bộ trên đây là đối tượng nộp phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện.

Nếu xét về đạo lý thì tất cả người sử dụng đường bộ đều có nghĩa vụ đóng góp cho việc đầu tư xây dựng, duy tu, bảo trì đường bộ. Tuy nhiên, những người đi bộ, người sử dụng phương tiện thô sơ, xe đạp điện thường không gây tổn hại đường bộ nên pháp luật không quy định nghĩa vụ đóng phí.

Cần nhấn mạnh ở đây rằng xe đạp điện là loại phương tiện mà đối tượng sử dụng chủ yếu là học sinh, phụ nữ, người cao tuổi, và không phải là phương tiện giao thông cơ giới đường bộ cho nên không thuộc đối tượng phải trả phí. Trong khi đó, xe máy điện mặc dù được xếp vào nhóm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ nhưng do số lượng thực tế đến nay còn ít và đây cũng là phương tiện khuyến khích sử dụng nên được miễn trừ (tại Biểu mức thu phí).

Đối với các loại xe máy chuyên dùng như xe máy thi công, xe máy nông nghiệp, lâm nghiệp và các loại xe đặc chủng khác được quy định tại khoản 20 Điều 3 Luật Giao thông đường bộ thì không phải nộp phí sử dụng đường bộ. Ngoài ra, các loại phương tiện giao thông thuộc đối tượng chịu phí đường bộ nhưng không phải chịu phí đường bộ trong các trường hợp bị hủy hoại do tai nạn hoặc thiên tai; hoặc bị tịch thu; hoặc bị tai nạn đến mức không thể tiếp tục lưu hành phải sửa chữa từ 30 ngày trở lên.

Về các trường hợp được miễn phí

Tại Điều 3 của Thông tư số 197/2012/TT-BTC có liệt kê cụ thể các trường hợp miễn phí được Chính phủ quy định tại Nghị định số 57/2002 như: Xe cứu thương; Xe cứu hóa; Xe chuyên dùng phục vụ tang lễ; Xe chuyên dùng phục vụ quốc phòng; Xe chuyên dùng phục vụ an ninh; Xe mô tô của lực lượng công an, quốc phòng. Các phương tiện được miễn phí có quy định rõ dấu hiệu nhận biết để thuận tiện cho công tác kiểm tra, giám sát (ví dụ: biển số đăng ký màu đỏ đối với xe chuyên dùng phục vụ quốc phòng, xe có in dòng chữ “CẢNH SÁT 113” ở hai bên thân là xe ô tô dùng cho lực lượng cảnh sát 113). So với quy định trước đây, tại Thông tư 197/2012 đối tượng được miễn phí sử dụng đường bộ có mở rộng hơn đối với xe mô tô của chủ phương tiện thuộc các hộ nghèo theo quy định của pháp luật về hộ nghèo.

Về Biểu mức thu phí

Quán triệt nguyên tắc theo quy định của Pháp lệnh phí và lệ phí, mức thu phí sử dụng đường bộ được xây dựng theo nguyên tắc:

(i) Phương tiện tham gia giao thông mà gây tổn hại nhiều cho đường bộ thì cần nộp mức phí cao hơn loại gây ra ít tổn hại;

(ii) Cùng một loại phương tiện nhưng thời gian sử dụng nhiều hơn thì nộp phí nhiều hơn.

Với tiêu chí mức độ ảnh hưởng đến đường bộ, mức thu phí được xây dựng cụ thể theo loại phương tiện và tải trọng thiết kế (theo số chỗ ngồi đối với xe ô tô chở người, theo trọng lượng toàn bộ đối với xe ô tô vận tải, theo dung tích xy lanh đối với xe mô tô).

Với tiêu chí thời gian gây tác động đến đường bộ, mức thu phí được tính theo từng kỳ hạn thời gian phù hợp với thời gian đăng kiểm phương tiện để tạo thuận lợi cho cả người nộp phí và cơ quan tổ chức thu phí. Trường hợp người nộp phí chọn cách nộp phí theo kỳ đăng kiểm, (nộp trước cho năm thứ 2, hoặc năm thứ 3) thì mức thu phí áp dụng cho 1 tháng của năm sau sẽ thấp hơn mức thu phí cho 1 tháng của năm thứ nhất.

Đối với phương tiện giao thông chuyên dùng cho quốc phòng, an ninh, mức thu được quy định thấp và giữ ổn định như trước đây vì các loại phương tiện chuyên dùng này thường tham gia giao thông ít hơn, việc thu phí cũng gắn với bố trí dự toán ngân sách hàng năm cho quốc phòng an ninh và việc thu phí mang ý nghĩa kiểm soát phương tiện nhiều hơn, bảo đảm bình đẳng với các đối tượng khác.

Một trong những nội dung quan trọng nhất là việc xây dựng mức thu cụ thể đối với từng loại phương tiện theo trọng lượng là dựa trên căn cứ mức thu phí qua trạm và tương quan mức thu giữa các loại xe được quy định tại Thông tư số 90/2004 trước đây để bảo đảm không làm tăng chi phí đầu vào cho ngành kinh doanh vận tải.

Ví dụ, với xe ô tô dưới 10 chỗ ngồi, mức thu phí lượt qua trạm quốc lộ do NSNN đầu tư là 10.000 đồng/lượt, với khoảng cách 2 trạm là 70 km thì mức phí cũ tương ứng khoảng 150 đồng/km; với mức độ sử dụng xe bình quân tháng là 1.300 km thì mức thu một tháng với loại xe này là 130.000đồng/tháng. Các loại xe còn lại thì căn cứ vào trọng tải xe và phân nhóm mức thu trước đây để quy định mức thu cụ thể.

Về thẩm quyền, thủ tục quy định mức thu, bảo đảm phù hợp với thẩm quyền tại Nghị định số 57/2002 quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh phí và lệ phí, Nghị định số 18/2012, Thông tư hướng dẫn số 197/2012/TT-BTC quy định ngay mức thu đối với các loại xe ô tô; mức thu phí đối với xe mô tô (không bao gồm xe máy điện) thì quy định khung mức thu. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh sẽ quy định mức thu cụ thể áp dụng đối với tình hình thực tế tại địa phương theo phương án đề xuất của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Về cách thức tổ chức quản lý thu phí

Việc tổ chức thu phí sử dụng đường bộ theo quy định mới phải bảo đảm các yêu cầu đề ra mang tính nguyên tắc là: Phải thuận tiện cho người nộp phí; quản lý được nguồn thu, tránh thất thoát; tiết kiệm thời gian và nhân lực cho cả người nộp và cơ quan tổ chức thu, bảo đảm phù hợp với từng loại phương tiện và đẩy mạnh sự tham gia của nhân dân trong việc kiểm tra, giám sát thực thi.

Trên tinh thần đó, việc tổ chức thu phí theo đầu phương tiện được triển khai thực hiện như sau:

Thu phí đối với xe ô tô:

Đây là các loại phương tiện mà quá trình sử dụng bắt buộc phải thực hiện đăng kiểm định kỳ, bởi vậy, tiện lợi nhất là quy định thời gian nộp phí gắn luôn với chu kỳ đăng kiểm. Việc thu phí sẽ giao cho cơ quan đăng kiểm thực hiện, chủ phương tiện vừa không mất thêm thời gian chờ đợi khi nộp phí nhưng lại được thuận lợi không phải mất thời gian dừng tại các trạm như trước đây. Riêng các loại xe chuyên dùng cho quốc phòng, an ninh thì việc thu nộp phí được thực hiện theo quy trình kiểm soát tại Văn phòng Quỹ bảo trì đường bộ.

Quy trình thực hiện việc thu phí tại các trạm đăng kiểm cũng rất đơn giản. Theo đó, trong thời gian chờ làm đăng kiểm, chủ phương tiện thực hiện khai các thông tin trên mẫu in sẵn (Mẫu số 01/TKNP tại Phụ lục số 03 ban hành kèm theo Thông tư số 197/2012) gồm: Tên người nộp phí; Mã số thuế hoặc CMND; Địa chỉ liên hệ; Tên phương tiện chịu phí, biển số đăng ký; Thời gian nộp phí (số tháng) và Số tiền phí phải nộp.

Với quy trình này, chủ phương tiện đang lưu hành hoàn toàn chủ động về thời gian nộp phí tại bất cứ trạm đăng kiểm nào. Khi chủ phương tiện đã nộp phí, cơ quan đăng kiểm thực hiện dán Tem nộp phí sử dụng đường bộ tương ứng với thời gian nộp phí (Tem nộp phí là dấu hiệu nhận biết trong quá trình lưu hành phương tiện). Cụ thể như sau:

(i) Đối với xe ô tô có chu kỳ đăng kiểm từ 01 năm trở xuống: Chủ phương tiện thực hiện nộp phí sử dụng đường bộ cho cả chu kỳ đăng kiểm và được dán Tem nộp phí sử dụng đường bộ tương ứng với thời gian nộp phí.

(ii) Đối với xe ô tô có chu kỳ đăng kiểm trên 01 năm (18, 24 và 30 tháng): Chủ phương tiện lựa chọn nộp phí theo năm (12 tháng) hoặc nộp cho cả chu kỳ đăng kiểm (18, 24 và 30 tháng). Nếu chọn cách nộp phí theo chu kỳ đăng kiểm (18, 24 và 30 tháng): Cơ quan đăng kiểm cấp Tem nộp phí sử dụng đường bộ tương ứng với thời gian đăng kiểm. Ngược lại, nếu chọn cách nộp phí theo năm (12 tháng): Cơ quan đăng kiểm cấp Tem nộp phí sử dụng đường bộ tương ứng với thời gian nộp phí 12 tháng. Hết thời hạn nộp phí (12 tháng), chủ phương tiện đến cơ quan đăng kiểm nộp phí và được dán Tem nộp phí của thời gian tiếp theo (12 tháng hoặc thời gian còn lại của chu kỳ đăng kiểm).

(iii) Đối với chủ phương tiện đến đăng kiểm sớm hơn hoặc chậm hơn thời gian theo chu kỳ đăng kiểm thì cơ quan đăng kiểm kiểm tra xe và tính tiền phí sử dụng đường bộ nối tiếp từ thời điểm cuối của khoảng thời gian đã nộp phí lần trước. Trường hợp thời gian tính phí không tròn tháng thì số phí phải nộp sẽ tính đến cả ngày lẻ bằng cách lấy mức phí của 1 tháng chia (:) cho 30 ngày rồi nhân với (x) số ngày lẻ.

(iv) Đối với xe đăng kiểm trước ngày 01/01/2013 là ngày mà Thông tư số 197/TT-BTC có hiệu lực thi hành thì xử lý như sau:

+ Nếu kỳ đăng kiểm tiếp theo của phương tiện phát sinh trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/2013 đến ngày 31/12/2013 thì chủ phương tiện phải đến đăng kiểm nộp phí cho thời gian tính từ ngày 01/01/2013 đến kỳ đăng kiểm tiếp theo.

+ Nếu kỳ đăng kiểm tiếp theo phát sinh sau ngày 31/12/2013 thì chậm nhất đến ngày 30/6/2013, chủ phương tiện phải đến cơ quan đăng kiểm nộp phí cho thời gian tính từ ngày 01/01/2013 đến ngày 31/12/2013 (12 tháng) hoặc đến thời gian của kỳ đăng kiểm tiếp theo.

Truy thu phí, hoàn lại phí đối với xe ô tô và xe nhập cảnh

Quy trình thu phí tạo thuận lợi cho người nộp được chủ động cho nên chắc chắn sẽ phát sinh các trường hợp nộp chậm (chưa nộp phí sử dụng đường bộ của chu kỳ đăng kiểm trước theo thời hạn quy định). Rơi vào trường hợp này chủ phương tiện phải nộp số phí chưa nộp của chu kỳ trước cùng với số phải nộp của kỳ này. Cơ quan đăng kiểm sẽ truy thu số phí phải nộp của chu kỳ trước, số phí phải nộp bằng mức thu phí của 01 tháng nhân (x) với thời gian nộp chậm.

Hoàn lại phí đã nộp: Trong một số trường hợp chủ phương tiện đã nộp phí sử dụng đường bộ theo chu kỳ đăng kiểm cho thời gian chưa đến hạn đăng kiểm của kỳ sau thì sẽ được hoàn lại tiền phí đã nộp trước nếu phương tiện đó không còn sử dụng được hoặc không thể tiếp tục lưu hành phải sửa chữa từ 30 ngày trở lên. Theo đó, với trường hợp xe ô tô bị hủy hoại do tai nạn hoặc thiên tai, xe ô tô bị tịch thu không được tiếp tục lưu hành thì chủ phương tiện được trả lại số tiền phí chưa nộp tương ứng với thời gian không sử dụng đường bộ (thời gian không còn được lưu hành). Nếu xe bị tai nạn đến mức không thể tiếp tục lưu hành phải sửa chữa từ 30 ngày trở lên thì được hoàn lại tiền phí tương ứng với thời gian xe không lưu hành bằng cách trừ vào số phí phải nộp của kỳ tiếp theo khi có đủ hồ sơ theo quy định (trình tự, thủ tục hồ sơ được quy định cụ thể tại Điều 8 Thông tư số 197/2012).

Đối với xe ô tô nhập cảnh lưu hành tại Việt Namthì tính phí phải nộp theo khoảng thời gian được phép lưu hành tại Việt Nam và sử dụng thống nhất mẫu tờ khai nộp phí theo quy định chung. Thời điểm nộp phí là khi chủ phương tiện nộp hồ sơ xin nhập cảnh lưu hành tại Việt Nam. Trường hợp thời gian lưu hành có ngày lẻ thì số ngày lẻ cũng được tính phí cụ thể căn cứ vào mức thu của 01 tháng và số ngày lẻ tháng.

Thu phí đối với xe mô tô

Căn cứ vào nguyên tắc phân định nguồn thu phí theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 18/2012 thì việc thu phí đối với xe mô tô sẽ được giao cho Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (gọi tắt là UBND cấp xã).

Gắn liền với chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước theo địa bàn cơ sở, UBND cấp xã tổ chức thực hiện thu phí đối với xe môt ô của chức, hộ gia đình và cá nhân (chủ phương tiện) trên địa bàn thông qua hệ thống tổ dân phố. Theo đó, UBND cấp xã chỉ đạo tổ dân phố (hoặc thôn) hướng dẫn kê khai phí sử dụng đường bộ đối đối với xe mô tô của chủ phương tiện trên địa bàn theo Mẫu số 02/TKNP tại Phụ lục số 04 ban hành kèm theo Thông tư số 197/2012 và tổ chức thu phí.

Việc khai, nộp phí đối với chủ xe mô tô thực hiện tại cấp cơ sở được hướng dẫn cụ thể theo các trường hợp sau:

(i). Đối với xe mô tô phát sinh trước ngày 01/01/2013 (xe đang lưu hành, đã có biển số đăng ký) thì tháng 01/2013 thực hiện khai, nộp phí cho cả năm 2013, mức thu phí 12 tháng.

(ii). Đối với xe mô tô phát sinh từ ngày 01/01/2013 trở đi thì quy định việc khai, nộp phí rất đơn giản và tạo thuận lợi tối đa cho người dân. Cụ thể là:

+ Nếu phát sinh trong khoảng thời gian từ ngày 01/01 đến 30/6 hàng năm, chủ phương tiện phải khai, nộp phí đối với xe mô tô, mức thu phí bằng 1/2 mức thu năm. Thời điểm khai nộp chậm nhất là ngày 31/7.

+ Nếu phát sinh trong khoảng thời gian từ 01/7 đến 31/12 hàng năm, thì chủ phương tiện thực hiện khai, nộp phí vào tháng 01 của năm sau (chậm nhất ngày 31/1) và không phải nộp phí đối với thời gian còn lại của năm phát sinh.

Khi thu phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô, cơ quan thu phí phải lập và cấp biên lai thu phí cho đối tượng nộp phí theo quy định. Quy định về in, phát hành, quản lý và sử dụng các loại Biên lai thu phí sử dụng đường bộ thực hiện theo quy định tại Thông tư số 153/2012/TT-BTC ngày 17/9/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn về in, phát hành, quản lý và sử dụng các loại chứng từ thu tiền phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước.

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/chinh-sach-moi/nhung-noi-dung-chu-yeu-ve-phi-su-dung-duong-bo/16621.tctc